Hàng loạt vũ khí, tên lửa Trung Quốc vừa trình làng có làm quân đội Mỹ "hoảng hồn"?

Lễ diễu binh tại Quảng trường Thiên An Môn nhân kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc 1/10 có sự xuất hiện của một số loại tên lửa siêu thanh được giới chuyên gia nhận định là “đối thủ khó nhằn” đối với quân đội Mỹ.

Một số vũ khí mới được quân đội Trung Quốc lần đầu tiên trình làng trong lễ diễu binh ngày 1/10 (Video: Thời báo Hoàn Cầu)

Reuters đưa tin, trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Quốc, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc sẽ theo đuổi con đường “phát triển hòa bình”, nhưng quân đội Trung Quốc sẽ quyết tâm bảo vệ an ninh và chủ quyền lãnh thổ.

Truyền thông Trung Quốc cũng khẳng định, cuộc diễu binh trên quảng trường Thiên An Môn với sự tham gia của hơn 15.000 quân nhân được xem là sự kiện chính trị quan trọng nhất trong năm nay, nhưng không nhằm gửi đi thông điệp dọa nạt bất cứ quốc gia nào.

Song theo giới chuyên gia quốc phòng, thông qua cuộc diễu binh chính quyền Bắc Kinh muốn nhắn nhủ toàn thế giới rằng, sức mạnh của quân đội Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng ngay cả khi quốc gia này đang đối mặt với hàng loạt thách thức như các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng qua ở đặc khu Hong Kong và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết.

Đúng như dự đoán của giới truyền thông, trong lễ diễu binh ngày 1/10, Trung Quốc đã cho ra mắt các máy bay không người lái thế hệ mới (UAV) cùng tên lửa siêu thanh và tên lửa đạn đạo liên lục địa tối tân được thiết kế nhằm đối phó với các tàu sân bay và căn cứ quân sự của Mỹ hoạt động ở châu Á.

Kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc còn gọi kho tên lửa của nước này là “lực lượng hiện thực hóa giấc mơ về một quốc gia hùng cường và một đội quân hùng mạnh”.

Trong số những vũ khí được Trung Quốc trình làng trong lễ diễu binh có “sát thủ diệt tàu sân bay” Dongfeng-21D (DF-21D). Tên lửa DF-21D từng được Trung Quốc cho ra mắt công chúng trong cuộc diễu binh năm 2015. Tên lửa DF-21D được thiết kế để tấn công các chiến hạm đối phương nằm ở khoảng cách xa tới 1.500 km. Trong khi đó, tên lửa tầm trung DF-26 hay còn gọi là “sát thủ diệt Guam” được thiết kế riêng đối phó với căn cứ quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Điểm nhấn trong cuộc diễu binh là sự xuất hiện của tên lửa siêu thanh DF-17. Chia sẻ với Thời báo Hoàn Cầu, ông Yang Chengju, chuyên gia tên lửa Trung Quốc nhận định DF-17 đóng vai trò quan trọng trong hoạt động bảo vệ chủ quyền của nước này. Thậm chí, tầm bắn của DF-17 còn bao quát cả khu vực Biển Đông, eo biển Đài Loan và Đông Bắc Á.

Tên lửa DF-17 còn có khả năng mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân. Đáng nói, DF-17 có thể bay với tốc độ nhanh gấp 10 lần vận tốc âm thanh, cũng như có khả năng cơ động để tránh bị đánh chặn. Với tốc độ bay cực nhanh, giới chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng các hệ thống đánh chặn của đối phương dường như không có thời gian để phản ứng và ngăn chặn tên lửa DF-17.

Theo ông Yang, không giống như các tên lửa đạn đạo truyền thống, DF-17 có thể thay đổi quỹ đạo bay giữa chừng do đó, đối phương hiếm có cơ hội đánh chặn.

Ông Nozomu Yoshitomi, Thiếu tướng nghỉ hưu của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản và hiện là Giáo sư tại Đại học Nihon nhận định, tên lửa DF-17 của Trung Quốc thực sự là "đối thủ đáng gờm" đối với các hệ thống phòng thủ tên lửa trong khu vực mà Mỹ và Nhật Bản đang xây dựng.

“Khả năng nếu chúng ta không sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tối tân hơn, Mỹ và Nhật Bản sẽ không thể đối phó với DF-17”, Reuters dẫn lời ông Yoshitomi.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Quốc tham gia lễ diễu binh trên Quảng trường Thiên An Môn ngày 1/10. (Ảnh: AP)

Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Quốc tham gia lễ diễu binh trên Quảng trường Thiên An Môn ngày 1/10. (Ảnh: AP)

Ngoài DF-17, không thể không nhắc tới tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 được Trung Quốc cho rắt tại lễ diễu binh ở Quảng trường Thiên An Môn. Theo đó, DF-41 hiện được xem là xương sống trong năng lực phòng thủ hạt nhân của Trung Quốc. Tên lửa DF-41 có khả năng mang theo nhiều đầu đạn khác nhau và tầm bắn vươn tới lãnh thổ Mỹ.

Theo Tân Hoa Xã, 40% vũ khí trong lễ diễu binh ngày 1/10 là lần đầu tiên được ra mắt công chúng. Những vũ khí lần đầu tiên trình làng của quân đội Trung Quốc còn phải kể tới các phiên bản tên lửa mới như tên lửa chống hạm tầm xa phóng từ tàu chiến hoặc tàu ngầm YJ-18A.

Theo các nhà phân tích, Trung Quốc chỉ thường khoe những vũ khí đã được đưa vào biên chế, do đó một số thiết bị quân sự mới có thể chỉ là mô hình. Cụ thể, Gongji-11 mà Thời báo Hoàn Cầu mô tả là UAV tấn công và “phiên bản cuối cùng” của UAV Sharp Sword từng bay thử lần đầu tiên năm 2013, được xe tải chở khi tham gia lễ diễu binh ngày 1/10.

Cũng theo Tân Hoa Xã, những máy bay tham gia đội hình máy bay tiếp liệu trên không và trực thăng hạng trung Z-20 tương tự như UH-60 Black Hawk của Mỹ cũng lần đầu tiên được ra mắt công chúng trong lễ diễu binh.

Giới chuyên gia đánh giá, sự xuất hiện của hàng loạt vũ khí “khủng” thế hệ mới là minh chứng cho thấy những thành tựu và năng lực quân sự mà Trung Quốc đã đạt được. Bên cạnh đó, đây cũng là thông điệp gửi tới Mỹ và các đồng minh về sức mạnh vượt trội mà Trung Quốc đang nắm giữ. Còn chính quyền Đài Loan lại nhìn nhận cuộc diễu binh tại Quảng trường Thiên An Môn là mối đe dọa nghiêm trọng tới nền hòa bình.

Ông Sam Roggeveen, Giám đốc Chương trình An ninh quốc tế tại Viện Lowy ở Sydney cho rằng tốc độ phát triển công nghệ quân sự của Trung Quốc là “đáng nể” và chính phủ Trung Quốc đang chi khoảng 2% GDP cho quốc phòng.

“Thông điệp này rất rõ ràng. Kỷ nguyên của quân đội Mỹ ở châu Á đang bị xói mòn nghiêm trọng và về lâu dài, vị thế số 1 của quân đội Mỹ ở châu Á rõ ràng rất bấp bênh”, ông Roggeveen kết luận.

Nữ tướng Trung Quốc lần đầu xuất hiện trong lễ duyệt binh lớn nhất từ trước đến nay

Một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất trong lễ duyệt binh ngày 1.10 tại quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh là sự...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Thu (lược dịch) ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN