Hàn - Triều bất ngờ hóa thân thiết, Trung Quốc mất ghế quan trọng?
Giới chuyên gia nhận định, việc Hàn - Triều cải thiện quan hệ cũng là lúc Trung Quốc bị mất đi tầm ảnh hưởng quan trọng một thời trên bán đảo Triều Tiên. Vậy chuyện này có xảy ra?
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), một quan chức ngoại giao cấp cao ở Seoul cho hay sau cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un hôm 27/4, Hàn Quốc đang chuẩn bị cho cuộc họp quan trọng Mỹ - Triều để giải quyết hàng loạt vấn đề gây chia rẽ trên bán đảo Triều Tiên, thì Trung Quốc chắc chắn không có ghế trong sự kiện quan trọng này.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp mặt hôm 27/4.
Vị quan chức Hàn Quốc giấu tên hé lộ cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều muốn giảm bớt tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên bán đảo Triều Tiên. Song giới chức hai nước vẫn phải thừa nhận rằng, họ cần tới sự ủng hộ của Trung Quốc bởi quốc gia này đóng vai trò số 1 trong khu vực.
Giới phê bình lại nghi ngờ tuyên bố chung của Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm hôm 27/4 về việc hướng tới một giải pháp hòa bình để giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân và thống nhất hai miền. Bởi hai nhà lãnh đạo không nêu chi tiết lộ trình cũng như giải pháp để tiến tới mục tiêu này.
Theo vị quan chức Hàn Quốc giấu tên, Seoul chắc chắn muốn được tổ chức cuộc đối thoại giữa Mỹ - Triều để từ đó loại bỏ hoàn toàn tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong các phiên thảo luận.
Song thực tế, Triều Tiên vẫn đang phụ thuộc lớn vào các khoản viện nhân đạo, dầu mỏ, thực phẩm từ Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh phần nào vẫn có khả năng kiểm soát với Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, sự lệ thuộc của Triều Tiên vào Trung Quốc sẽ thay đổi một khi quan hệ của Bình Nhưỡng với Seoul và Washington ngày càng được cải thiện sau cuộc họp thượng đỉnh ông Kim Jong-un vào ngày 27/4 và cuộc gặp quan trọng với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tháng Năm hoặc đầu tháng Sáu tới.
“Seoul có thể trở thành người trung gian để tìm ra tiếng nói chung giữa Bình Nhưỡng và Washington khi giúp hai quốc gia này thu hẹp khoảng cách khác biệt cũng như tạo mối quan hệ thân thiết với Mỹ”, nhà ngoại giao Hàn Quốc giấu tên chia sẻ.
Cũng theo người này, Trung Quốc từng đóng vai trò quan trọng trên bán đảo Triều Tiên khi là một trong 3 bên ký kết thỏa thuận đình chiến vào năm 1953 nhằm chấm dứt chiến tranh liên Triều cùng với Triều Tiên và Mỹ. Do đó, Trung Quốc có tầm ảnh hưởng lớn cả về mặt chính trị và kinh tế với Bình Nhưỡng. Nhưng một khi quan hệ giữa hai miền Triều Tiên được cải thiện, Bắc Kinh sẽ dần mất tầm ảnh hưởng với Bình Nhưỡng.
“Dĩ nhiên, cả Seoul và Bình Nhưỡng sẽ thông báo cho phía Trung Quốc toàn bộ kết quả các cuộc thảo luận bởi hai nước cần sự thấu hiểu của Bắc Kinh”, nhà ngoại giao ở Seoul cho hay.
Về phần mình, hôm 27/4, Trung Quốc tuyên bố hoan nghênh những kết quả tích cực sau cuộc họp thượng đỉnh Hàn – Triều và sẵn sàng đóng vai trò tích cực trong tiến trình hòa bình ở bán đảo Triều Tiên. Trước đó, Bắc Kinh cũng đã ca ngợi nỗ lực Mỹ - Triều trong việc cải thiện quan hệ giữa hai nước.
Trong giai đoạn chiến tranh liên Triều (1950 – 1953), nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông đã điều động gần 3 triệu quân nhân tới hỗ trợ Triều Tiên. Ước tính 180.000 binh sĩ Trung Quốc đã thiệt mạng trong cuộc chiến này.
Giáo sư nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Trường Đảng Trung ương ở Bắc Kinh, ông Zhang Liangui cho rằng, “có thể thấy” cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều không muốn Trung Quốc tham gia vào các cuộc đàm phán.
“Điều này là dễ hiểu bởi hai miền Triều Tiên đều hy vọng có thể giảm được tầm ảnh hưởng của Trung Quốc”, ông Zhang nhận định.
Ông Kim Jong-un và phu nhân bất ngờ tới thăm Trung Quốc hồi tháng Ba.
Theo Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Yonsei ở Seoul, ông John Delury, “thật mỉa mai” nếu nói Bộ Ngoại giao Trung Quốc khuyến khích Triều Tiên đối thoại với Mỹ về vấn đề phi hạt nhân hóa.
“Giờ đây, chính phủ Mỹ đang chuẩn bị tiến hành đối thoại với chính quyền Bình Nhưỡng và chúng tôi nhận ra rằng Trung Quốc vô cùng căng thẳng bởi họ không có ghế trong cuộc họp bàn này”, ông Delury nói.
Tuy nhiên, ông Moon Hee-sang, một nghị sĩ Hàn Quốc nhận định, cuộc họp 3 bên với Mỹ chỉ là “vấn đề mang tính nối tiếp”.
“Sau cuộc họp ba bên, chắc chắn cuộc họp bốn bên sẽ diễn ra với sự tham gia của Trung Quốc. Trung Quốc là một bên tham gia ký kết thỏa thuận đình chiến do đó, quốc gia này sẽ chính thức tham gia các cuộc thảo luận trong tương lai để chấm dứt hoàn toàn chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên cũng như tiến tới một thỏa thuận hòa bình. Lý do, cuộc gặp ba bên diễn ra trước là vì Bình Nhưỡng, Washington và Seoul cần ngồi lại với nhau để thảo luận về một thỏa thuận phi hạt nhân hóa trước khi tiến tới một thỏa thuận hòa bình hoặc kết thúc chiến tranh”, ông Moon nói.
Cũng theo ông Moon, Triều Tiên sẽ muốn Trung Quốc tham dự các cuộc đối thoại sắp tới.
“Bình Nhưỡng sẽ cảm thấy bất an nếu không có Trung Quốc trong quá trình thảo luận về thỏa thuận hòa bình do đó, Triều Tiên sẽ đề nghị Trung Quốc tham gia. Việc hai miền Triều Tiên hòa giải không có nghĩa là hạ thấp tầm ảnh hưởng của Trung Quốc. Chúng ta cần phải đặc biệt chú ý tới vị thế địa chính trị của bán đảo Triều Tiên”, ông Moon nói thêm.
Ngoài ra, Trung Quốc có thể hưởng lợi từ việc hai miền Triều Tiên thống nhất bởi mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc sẽ ngày một gia tăng và lúc này, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực sẽ chỉ tăng thêm trong tương lai, ông Moon chia sẻ.
Ông Cai Jian, chuyên gia về quan hệ Trung – Triều tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải cho rằng, Bình Nhưỡng từng cố thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh nhưng đã thất bại.
“Khi cộng đồng quốc tế gia tăng áp lực với Bình Nhưỡng thông qua việc tăng cường lệnh trừng phạt, Bắc Kinh là đối tác duy nhất ủng hộ và bảo vệ Bình Nhưỡng do đó Triều Tiên không thể quay lại lưng với Trung Quốc”, ông Cai cho hay.
Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ ký hiệp ước hòa bình để chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên trong năm nay, hai quốc...