Hàn Quốc tập trung điều tra hành tung đáng ngờ của 2 cảnh sát trong thảm họa Itaewon
Trọng tâm cuộc điều tra thảm họa giẫm đạp kinh hoàng ở Itaewon đang dồn vào 2 sĩ quan cảnh sát cấp cao phụ trách khu vực, khi họ vắng mặt bất thường trước khi vụ việc xảy ra.
Cảnh sát Hàn Quốc đang hứng "búa rìu" sau thảm hoạ khiến ít nhất 156 người thiệt mạng. Ảnh: Yonhap
Đã có hàng chục cuộc gọi khẩn cấp được thực hiện để cảnh báo về mức độ nguy hiểm của tình trạng đông đúc quá mức ở Itaewon vài giờ trước khi xảy ra vụ giẫm đạp, nhưng cảnh sát hầu như không làm gì để ngăn thảm họa khiến ít nhất 156 người thiệt mạng, chủ yếu ở độ tuổi 20.
Ngày 4/11, dư luận Hàn Quốc càng sôi sục sau khi cảnh sát thừa nhận Cảnh trưởng quốc gia Yoon Hee-keun mất liên lạc vào thời điểm xảy ra sự cố, vì ông đang ngủ trong khi đang có chuyến thăm thành phố Jecheon ở miền trung, cách thủ đô Seoul khoảng 120km.
Hai giờ sau đó, quan chức này mới biết về vụ việc.
Hai sĩ quan cấp cao đang trở thành trung tâm của cuộc điều tra là Lee Im-jae, cảnh sát trưởng đồn cảnh sát Yongsan phụ trách khu vực Itaewon, và Ryu Mi-jin, người chịu trách nhiệm giám sát lực lượng cảnh sát đô thị Seoul.
Cơ quan cảnh sát quốc gia Hàn Quốc quyết định điều tra hai người này.
Ryu bị cáo buộc lơ là nhiệm vụ vì không nhanh chóng nhận ra tình hình khẩn cấp để báo cáo lên cảnh sát trưởng Seoul và phòng tình huống của Cơ quan cảnh sát quốc gia. Lee bị cáo buộc phản ứng chậm với sự cố và báo cáo lên cấp trên quá muộn.
Cả hai đều bị đình chỉ nhiệm vụ.
Cuộc điều tra đang tập trung làm rõ hai sĩ quan cấp cao đã đi đâu khi vụ giẫm đạp xảy ra và có phải sự vắng mặt của họ làm xáo trộn hệ thống báo cáo của cảnh sát vào đêm 29/10 hay không.
Theo Yonhap, các thông tin cho thấy hai người này đều mất liên lạc khi vụ giẫm đạp bắt đầu xảy ra lúc 10h15.
Lee có mặt ở hiện trường Itaewon không lâu sau khi thảm họa xảy ra, nhưng sĩ quan này làm gì và ở đâu trước khi sự cố bắt đầu vẫn là điều chưa được làm sáng tỏ. Giới chức cho rằng Lee đáng lẽ phải có mặt sớm hơn.
Từ sáng sớm đến 9h tối hôm đó, cảnh sát trưởng đồn Yongsan chỉ đạo chiến dịch đối phó với hàng loạt cuộc biểu tình dân sự ở một số khu vực của phường Yongsan, nhưng Lee ở đâu trong khoảng 1 giờ đồng hồ trước khi đến hiện trường vụ tai nạn đang là vấn đề nghi vấn.
Câu hỏi quan trọng nhất là vì sao mãi đến tận 11h34 sĩ quan này chỉ báo cáo lên cảnh sát trưởng Seoul Kim Kwang-ho, khiến chỉ huy ở cấp cao nhất không nắm được tình hình trong suốt 1 giờ đồng hồ.
Đến khi ông Kim được thông báo về tình hình, vài chục nạn nhân đã rơi vào tình trạng tim ngừng đập.
Trong khi đó, Ryu đáng ra phải giám sát tình hình ở phòng tình huống của cảnh sát Seoul, nhưng không có mặt ở văn phòng vào thời điểm sự cố chết người nghiêm trọng xảy ra.
Cũng trong ngày hôm nay, một quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ Hàn Quốc cho biết đường dây nóng kết nối các chính quyền khu vực với cơ quan cảnh sát, cứu hỏa và lực lượng bảo vệ bờ biển không hoạt động bình thường trong đêm đó vì thiếu đào tạo trước.
Nhóm điều tra cho biết 85 nhân chứng, sĩ quan cảnh sát và nhiều người khác đã bị thẩm vấn, nhưng chưa ai bị coi là nghi phạm.
Ngày 3/11, Tổng thống Yoon Suk-yeol nói rằng sẽ cân nhắc “nhiều lựa chọn khác” nếu cuộc điều tra nội bộ của cảnh sát không thể xoa dịu dư luận.
Đảng Dân chủ đối lập đang kêu gọi quốc hội mở cuộc điều tra, còn đảng Quyền lực nhân dân cầm quyền đòi khôi phục quyền điều tra công tố bằng cách sửa đổi luật liên quan.
Điểm chung ở cả 3 vụ việc cướp sinh mạng hàng trăm người là đều liên quan tới đám đông. Sự khác biệt nằm ở các yếu tố dẫn tới mỗi thảm kịch.
Nguồn: [Link nguồn]