Hàn Quốc phát triển đạn dẫn đường đối phó Triều Tiên
Hàn Quốc đang phát triển đạn dẫn đường đất-đối-đất nhằm đối phó với đe dọa từ phía Triều Tiên sau khi nước này tuyên bố triển khai hệ thống tên lửa đa nòng mới nhất.
Hàn Quốc tập trận trên núi Pocheon năm 2010.
Tuyên bố trên được Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đưa ra ngày 30.3, hãng tin Yonhap dẫn lời.
Một chuyên gia quân sự Mỹ đánh giá hôm 29.3 rằng Bình Nhưỡng có thể đang phát triển tên lửa hai tầng, tương tự tên lửa đạn đạo tầm trung Rodong.
Đạn dẫn đường chống pháo binh mà Seoul phát triển có tầm bắn 120km và nhằm tiêu diệt các bệ phóng tên lửa đa nòng của Bình Nhưỡng. Đạn cũng sẽ nhằm tới các tổ hợp vũ khí pháo binh tầm xa của Triều Tiên. Hiện nay, quân đội Hàn Quốc đã thử nghiệm vài lần loại vũ khí mới này và dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2018. Yonhap cho hay vũ khí sẽ được triển khai trong năm 2019.
Hàn Quốc cũng tuyên bố trong kế hoạch phát triển quân đội 5 năm tới, nước này sẽ cho ra mắt radar cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo nhằm ngăn chặn tên lửa đạn đạo bắn từ tàu ngầm mà Triều Tiên khai hỏa. Ngoài ra, Seoul dự tính chế tạo bom carbon nhằm dập tắt nguồn điện toàn hệ thống ở Triều Tiên nếu cần.
Cũng theo Yonhap, hệ thống tên lửa đa nòng của Triều Tiên là mối đe dọa lớn nhất với Seoul với tầm bắn lên tới 190km. Điều này đồng nghĩa hơn một nửa diện tích Hàn Quốc nằm trong tầm bắn của bệ phóng với cỡ đạn 300mm. Riêng tháng 3, Bình Nhưỡng đã bắn hệ thống tên lửa đa nòng tổng cộng 3 lần khiến tình hình bán đảo Triều Tiên thêm căng thẳng.
John Schilling, kĩ sư hàng không Mỹ có kinh nghiệm với tên lửa Triều Tiên từng viết một bài trên website 38 North, trong đó khẳng định động cơ tên lửa nhiên liệu rắn của Triều Tiên rất nguy hiểm vì khó phát hiện tên lửa loại này. Tuần trước, Bình Nhưỡng đã thử nghiệm động cơ tên lửa rắn. Lãnh đạo tối cao Triều Tiên khẳng định vụ thử “giúp tăng cường sức mạnh tên lửa đạn đạo nhằm tiêu diệt kẻ thù”.
Hệ thống tên lửa đa nòng được Triều Tiên bắn thử nghiệm đầu tháng 3.
Triều Tiên đăng tải một số bức ảnh về vụ thử và Schilling tin rằng Bình Nhưỡng đã thành công. “Theo ảnh công bố, có thể thấy Triều Tiên đã thành công với động cơ nhiên liệu rắn lực đẩy 15-20 tấn và đốt cháy liên tiếp trong 1 phút”. Schilling cho rằng động cơ loại mới mạnh gấp 3 lần loại cũ mà Triều Tiên từng công bố.
Schilling bổ sung rằng Iran và Pakistan, những khách hàng thường xuyên mua tên lửa Rodong của Triều Tiên, cũng đang chủ động phát triển tên lửa nhiên liệu rắn hai tầng. Tên lửa của Iran và Pakistan mạnh mẽ và bền bỉ hơn phiên bản gốc.
Trong vài tháng qua, Triều Tiên liên tục khoa trương năng lực quân sự, hạt nhân bất chấp lệnh trừng phạt bổ sung LHQ áp đặt sau vụ thử “bom nhiệt hạch” và tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, Kim Jong-un thúc giục các nhà khoa học, kĩ sư tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân nhằm tăng khả năng phòng vệ của Bình Nhưỡng và tấn công Mỹ-Hàn khi cần.