Hàn Quốc đón cùng lúc loạt lãnh đạo ngoại giao - quốc phòng - quân đội Mỹ
Việc cả ba lãnh đạo ngoại giao, quốc phòng, quân đội Mỹ sang Hàn Quốc cùng thời điểm là động thái được chú ý.
Trong chưa đầy một tuần, Hàn Quốc đón cả ba lãnh đạo ngoại giao, quốc phòng và quân đội Mỹ sang thăm, theo hãng thông tấn Yonhap. Nội dung xuyên suốt và nổi bật là việc Mỹ tái khẳng định cam kết răn đe mở rộng trong việc bảo vệ Hàn Quốc trước các hành động khiêu khích của Triều Tiên.
Hàn Quốc đón các quan chức cấp cao Mỹ
Mở đầu hàng loạt chuyến thăm là Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công du Hàn Quốc trong hai ngày 8 và 9-11. Chủ đề thảo luận trong các cuộc gặp giữa ông Blinken với Tổng thống Yoon Suk-yeol, cố vấn an ninh quốc gia Cho Tae-yong và Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin là chiến lược răn đe mở rộng đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên, lo ngại về sự hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa Bình Nhưỡng và Moscow, theo hãng tin Reuters.
Ngày 14-11, hải quân Hàn Quốc thông báo tập trận chung với Mỹ ở vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên từ ngày 13 đến 16-11 với nội dung chống tàu ngầm và chống lại các hoạt động đặc biệt, duy trì khả năng đối phó với đe dọa từ Triều Tiên, theo Yonhap. |
Nhân vật cấp cao thứ hai của phía Mỹ sang Hàn Quốc trong đợt này là Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Charles Q. Brown. Cùng dự Hội nghị Ủy ban Quân sự Mỹ - Hàn lần thứ 48 tại Seoul ngày 12-11, tướng Brown và người đồng cấp Hàn Quốc Kim Seung-kyum thảo luận các hành động khiêu khích liên tục của Triều Tiên về tên lửa và hạt nhân, các vấn đề an ninh gây bất ổn khu vực, theo thông cáo từ Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS). Ông Brown tái khẳng định cam kết răn đe mở rộng của Mỹ sử dụng toàn bộ khả năng quân sự, bao gồm vũ khí hạt nhân, để bảo vệ Hàn Quốc.
Đến Hàn Quốc cùng thời điểm ngày 12-11 là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và họp ba bên với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Minoru Kihara (dự trực tuyến). Ba bộ trưởng nhất trí kích hoạt hệ thống chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa theo thời gian thực vào tháng 12 nhằm phát hiện và đánh giá tốt hơn các vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Ba nước cũng đồng ý vạch kế hoạch tập trận ba bên cuối năm, tiến tới huấn luyện chung “có hệ thống và hiệu quả hơn” vào đầu năm 2024.
Cùng chủ trì Hội nghị Tham vấn an ninh lần thứ 55 tại Seoul ngày 13-11, Bộ trưởng Austin và Bộ trưởng Shin ký bản sửa đổi Chiến lược răn đe phù hợp (TDS) 2023. Đây là lần cập nhật đầu tiên kể từ khi tài liệu được công bố năm 2013, nhằm nhấn mạnh cam kết răn đe mở rộng của Mỹ sử dụng toàn bộ năng lực hạt nhân và quân sự của mình để bảo vệ Hàn Quốc. Hai bên cũng thông qua “Tầm nhìn phòng thủ của liên minh Mỹ - Hàn Quốc” nhằm mở rộng quy mô và phạm vi quan hệ quốc phòng, an ninh hai nước.
Diễn biến mới nhất, ngày 14-11, Bộ trưởng Austin dự cuộc họp đầu tiên của quan chức quốc phòng 16 nước thành viên Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (LHQ) (UNC) tại Seoul.
Theo tuyên bố chung, các nước lên án chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, kêu gọi Bình Nhưỡng chấm dứt mọi hành vi trái pháp luật” và tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.
“Các quốc gia thành viên UNC tuyên bố sẽ đoàn kết với nhau trong trường hợp xảy ra bất kỳ sự tái xung đột hay cuộc tấn công vũ trang nào trên bán đảo Triều Tiên, đe dọa nguyên tắc của LHQ và an ninh của Hàn Quốc” - Yonhap dẫn tuyên bố chung.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin tại Hội nghị Tham vấn an ninh lần thứ 55 ở Seoul (Hàn Quốc) hôm 13-11. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG HÀN QUỐC
Triều Tiên phản ứng rắn
Triều Tiên chưa đưa ra phản ứng về cuộc họp đầu tiên của quan chức quốc phòng 16 nước thành viên UNC hôm 14-11. Tuy nhiên, ngay trước cuộc họp, Viện Nghiên cứu hòa bình và giải trừ quân bị thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên đã kêu gọi giải thể UNC, theo hãng thông tấn KCNA.
Viện này gọi UNC là “một công cụ chiến tranh đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu” và “lẽ ra đã phải giải thể từ nhiều thập niên trước thì một lần nữa bộc lộ bản chất hung hãn và bịa đặt một tuyên bố đối đầu tưởng tượng về chiến tranh Triều Tiên lần thứ hai”.
Viện trên cũng chỉ trích cuộc họp của UNC là một “kế hoạch nguy hiểm nhằm khơi mào một cuộc chiến mới” chống lại Bình Nhưỡng vào thời điểm căng thẳng leo thang do việc Mỹ triển khai các tài sản hạt nhân chiến lược tới Hàn Quốc và tập trận quân sự chung quy mô lớn với Seoul.
Ngày 11-11, Bộ Ngoại giao Triều Tiên ra tuyên bố đáp trả cáo buộc từ Ngoại trưởng Blinken rằng Nga cung cấp “công nghệ và hỗ trợ” cho chương trình quân sự của Bình Nhưỡng.
Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho rằng Mỹ nên làm quen với thực tế mới về mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Nga và Triều Tiên, và “phát ngôn vô trách nhiệm và khiêu khích của ông Blinken chỉ làm tăng căng thẳng chính trị và quân sự trên bán đảo Triều Tiên và khu vực, hơn nữa nó không giúp Mỹ giảm lo ngại”.
Triều Tiên đòi giải thể G7 Ngày 14-11, Triều Tiên phản ứng gắt với tuyên bố chung cuộc họp các ngoại trưởng Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra tại Tokyo (Nhật) tuần trước. Tuyên bố chung của các ngoại trưởng G7 lên án chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên và nghi ngờ nước này chuyển giao vũ khí cho Nga, theo hãng thông tấn Yonhap. Ông Jo Chol-su, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên, “kiên quyết” bác bỏ và lên án “mạnh mẽ nhất” tuyên bố chung chứa “những cáo buộc vô căn cứ và vô lý” chống lại Bình Nhưỡng, theo hãng thông tấn Triều Tiên KCNA. Ông Jo nói G7 không đại diện cho cộng đồng quốc tế, là “di sản của Chiến tranh lạnh” và “nên được giải thể ngay lập tức” để “giảm căng thẳng trong cuộc khủng hoảng quốc tế hiện tại và khôi phục hòa bình toàn cầu”. |
Mỹ và Hàn Quốc đã nhất trí điều chỉnh chiến lược răn đe chung đối với Triều Tiên, một ngày sau khi hai nước này cùng Nhật Bản đạt được đồng thuận trong việc chia sẻ...
Nguồn: [Link nguồn]