Hai sai lầm tai hại của bà Liz Truss
Với chỉ 45 ngày cầm quyền, nữ thủ tướng thứ 3 của nước Anh Liz Truss thuộc Đảng Bảo thủ lập kỷ lục mới về mức độ ngắn ngủi của chính phủ Anh trong lịch sử từ trước tới nay.
Kỷ lục vừa bị bà Truss phá vỡ được Thủ tướng Anh George Canning thiết lập năm 1827 với 120 ngày cầm quyền. Ông Canning qua đời vì bệnh lúc đang tại vị trong khi bà Truss buộc phải từ chức sau khi bị thua ở cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ đảng cầm quyền.
Trong thời gian cầm quyền rất ngắn ngủi, bà Liz Truss mắc phải 2 sai lầm tai hại.
Thứ nhất, bà Truss đã quá tự tin vào khả năng kiểm soát Đảng Bảo thủ. Sự tự tin quá mức ấy có nguồn gốc từ chiến thắng áp đảo của bà trước cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak - đối thủ chính trị đáng gờm nhất cùng đua giành chức chủ tịch đảng sau khi Thủ tướng Boris Johnson từ chức.
Từ chiến thắng này, bà Truss cho rằng có thể dùng sự hậu thuẫn của đa số trong hơn 170.000 đảng viên để chế ngự sự chống đối của phần lớn trong số 357 nghị sĩ Đảng Bảo thủ.
Điều đáng nói là số đảng viên Đảng Bảo thủ chỉ chiếm 0,3% cử tri nhưng lại quyết định ai là thủ tướng Anh; đồng thời đảng viên chọn thủ tướng nhưng các nghị sĩ Bảo thủ lại có thể phế truất hoặc buộc thủ tướng phải từ chức mỗi khi đảng này cầm quyền. Bà Margaret Thatcher, bà Theresa May, ông Boris Johnson và chính bà Truss đều như thế.
Bà Liz Truss thông báo quyết định từ chức thủ tướng Anh hôm 20-10. Ảnh: Reuters
Thứ hai, bà Truss khởi đầu thời kỳ cầm quyền bằng kế hoạch tài khóa được bà đánh giá là có tầm nhìn và tầm vóc nhưng trên thực tế hoàn toàn không khả thi, không được thị trường tài chính chấp nhận.
Vì thế mà thị trường tài chính phản ứng tiêu cực, đến mức Ngân hàng Trung ương phải can thiệp và bộ trưởng tài chính bị mất chức. Người kế nhiệm đưa ra ngay kế hoạch tài khóa mới hoàn toàn trái ngược với định hướng ban đầu của bà Truss.
Sự từ chức của Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman tuy được biện giải khác nhưng thực chất đã khởi đầu sự rạn vỡ không còn có thể cứu vãn được nữa của nội các bà Liz Truss.
Nữ lãnh đạo này buộc phải từ chức trước khi bùng nổ cuộc nổi loạn mới trong nội bộ Đảng Bảo thủ ở quốc hội nhằm phế truất chủ tịch đảng và thủ tướng đương nhiệm. Bà Truss coi bà Thatcher là thần tượng và ông Johnson là tấm gương cầm quyền nhưng rồi bị thất thế giống như họ và sa cơ còn chóng vánh hơn.
Thật ra, bà Truss với quan điểm và cách thức cầm quyền như đã thể hiện cho đến nay vừa không hợp thời thế vừa không hợp thời điểm. Nước Anh bắt đầu xáo trộn và dần hỗn loạn về chính trị từ chuyện ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Thủ tướng David Cameron vì Brexit mà phải ra đi. Bà May vì Brexit mà phải từ chức. Ông Johnson cũng vì Brexit mà dang dở tham vọng quyền lực.
Brexit, rồi dịch bệnh và cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm cho nước Anh từ năm 2016 đến nay không được yên ổn về chính trị - xã hội, đặc biệt là làm cho Đảng Bảo thủ phân rẽ nội bộ sâu sắc chưa từng thấy.
Đảng này chỉ còn biết tập trung duy trì vị thế cầm quyền và bận rộn với chính mình chứ không quan tâm đến chuyện dùng việc cầm quyền để dẫn dắt nước Anh ra khỏi giông bão của thời cuộc, giải quyết những vấn đề cấp thiết cũ và mới. Bà Truss và những người tiền nhiệm đều thất bại chủ yếu trước hết vì không coi trọng hoặc không thành công với việc đoàn kết thống nhất nội bộ đảng cầm quyền.
2 ứng viên tiềm năng nhất cho vị trí Thủ tướng Anh được cho là có uy tín lớn trong đảng Bảo thủ cầm quyền và “không ưa nhau”.
Nguồn: [Link nguồn]