Hai quốc gia thách thức sự thống nhất của NATO và EU

Nga được hưởng lợi khi Thổ Nhĩ kỳ có động thái làm chậm quá trình gia nhập liên minh quân sự NATO của Phần Lan và Thụy Điển, trong khi Hungary tiếp tục ngăn Liên minh châu Âu (EU) cấm vận dầu mỏ Nga.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Nỗ lực gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của hai nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, theo New York Times.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 18.5 đã chặn NATO đẩy nhanh quá trình phê duyệt đơn xin gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan. Trong khi đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tiếp tục chặn EU áp lệnh cấm vận dầu mỏ Nga, với lý do ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.

Thổ Nhĩ Kỳ là nước thành viên có ảnh hưởng trong liên minh NATO còn Hungary là thành viên EU. Ông Erdogan và ông Orban có quyền sử dụng nguyên tắc đồng thuận của NATO và EU, để ngăn chặn hành động của tất cả những nước thành viên khác, dù có thể chỉ là tạm thời.

Hôm 18.5, đại sứ các nước thành viên NATO đã không thể bỏ phiếu, thảo luận về đơn xin gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển.

Nguyên nhân là Thổ Nhĩ Kỳ muốn NATO ưu tiên giải quyết các lo ngại về an ninh quốc gia của nước này trước.

Trong bài phát biểu trước các nhà lập pháp Thổ Nhĩ Kỳ hôm 18.5, ông Erdogan đã chỉ trích sự ủng hộ của phương Tây với các nhóm người Kurd.

“Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu hỗ trợ dẫn độ khủng bố. Họ nói sẽ không giao cho chúng tôi”, ông Erdogan phát biểu trước Quốc hội. “Họ không giao nộp những kẻ khủng bố nhưng lại muốn chúng tôi phê duyệt quyết định gia nhập NATO. Chúng tôi không thể tán thành một tổ chức an ninh nhưng thiếu đảm bảo an ninh”.

Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Phần Lan hỗ trợ dẫn độ 6 "kẻ khủng bố" thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK), tổ chức bị liệt vào danh sách khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ. Với Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu hỗ trợ dẫn độ 11 "kẻ khủng bố".

Tuần trước, Ibrahim Kalin, phát ngôn viên kiêm cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Erdogan, nói: “Thổ Nhĩ Kỳ không hoàn toàn đóng cánh cửa với Thụy Điển và Phần Lan. Nhưng cần phải xem xét trên khía cạnh an ninh quốc gia”.

An ninh quốc gia cũng là lý do của Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Hungary phụ thuộc vào Nga về năng lượng.  85% khí đốt và 65% nguồn cung dầu mỏ của Hungary đến từ Nga. Hungary cũng sử dụng công nghệ Nga cho các nhà máy điện hạt nhân.  

Hungary đã đồng thuận với EU về 5 gói trừng phạt Nga, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu than của Nga. Nhưng riêng với dầu mỏ, ông Orban nói lệnh cấm giống như một “quả bom nguyên tử” tàn phá nền kinh tế nước này.  

Giống như ông Erdogan với NATO, ông Orban cũng là người duy nhất cản trở nỗ lực trừng phạt Nga mạnh mẽ hơn của EU.

Đề xuất cấm vận dầu mỏ được EU đưa ra thảo luận từ giữa tháng 4. Tuy nhiên, Hungary đã liên tục trì hoãn. EU nhượng bộ bằng cách cho phép Hungary và Slovakia có thêm thời gian để tìm các nhà cung cấp khác. 25 nước thành viên EU sẽ ngừng nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay, riêng Hungary và Slovakia được tiếp tục nhập khẩu dầu của Nga thêm 1 năm.

Nhưng Hungary sau đó tiếp tục yêu cầu dược gia hạn thêm thời gian. Kết quả là EU đã đồng ý để Hungary mua dầu của Nga cho đến hết năm 2024. Vấn đề hiện nay là Hungary yêu cầu EU hỗ trợ kinh phí, bởi nâng cấp và hiện đại hóa các nhà máy lọc dầu cần hàng tỉ euro.

Các nhà quan sát cho rằng, ông Orban cuối cùng sẽ đồng ý với lệnh cấm vận dầu mỏ Nga, nhưng tạm thời Hungary vẫn có thể kéo dài đàm phán với EU cho đến cuối tháng này.

Giới chức NATO cũng bày tỏ sự lạc quan tương tự, cho rằng ông Erdogan cũng sẽ đồng ý để Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, đổi lấy một số lợi ích cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Nguồn: [Link nguồn]

Quốc gia châu Âu giáp biên giới Nga sẵn sàng xây căn cứ quân sự NATO 

Căn cứ quân sự mới sẽ được sử dụng làm nơi đồn trú cho các “đơn vị bộ binh hạng nhẹ” của NATO, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - New York Times ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN