Hai quốc gia cảnh báo rắn nếu các nước châu Phi can thiệp quân sự vào Niger
Hai quốc gia đã có phản ứng mạnh sau khi cộng đồng các nước châu Phi ra tối hậu thư yêu cầu phe đảo chính quân sự tại Niger khôi phục quyền lực cho Tổng thống Mohamed Bazoum và cảnh báo có thể sử dụng biện pháp quân sự.
Sau cuộc đảo chính, tướng Abdourahamane Tchiani đã tự phong mình là nhà lãnh đạo Niger.
Trong tuyên bố chung đầu tiên vào ngày 31/7, Burkina Faso cùng Mali cảnh báo các nước châu Phi khác và phương Tây không can thiệp vào vấn đề nội bộ ở nước láng giềng Niger. Hai nhà lãnh đạo Burkina Faso và Mali coi bất cứ biện pháp quân sự nào được sử dụng chống lại Niger cũng là chống lại hai quốc gia này.
"Bất cứ cuộc can thiệp quân sự nào nhằm vào Niger cũng có nghĩa là lời tuyên chiến với Burkina Faso và Mali", tuyên bố chung nhấn mạnh. Phát ngôn viên quân đội Burkina Faso đã nhắc lại điều này 3 lần trong tuyên bố trên kênh truyền hình quốc gia.
Burkina Faso và Mali cũng cảnh báo rút khỏi Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và "thực hiện các biện pháp phòng vệ nhằm ủng hộ quân đội và người dân Niger".
Trong tuyên bố chung, Burkina Faso và Mali coi bất cứ sự can thiệp nào nhằm vào Niger cũng sẽ "gây tổn hại tới toàn bộ khu vực, giống như cách NATO can thiệp quân sự vào Libya, gây ra bất ổn và làn sóng khủng bố trỗi dậy đến ngày nay".
Pháp hiện có 1.500 binh sĩ đóng quân ở Niger trong khi Mỹ có 1.100 quân. Quân đội Niger do tướng Abdourahamane Tchiani chỉ huy đã lật đổ Tổng thống Mohamed Bazoum vào tuần trước.
Tuy nhiên, phương Tây và các quốc gia châu Phi trong ECOWAS vẫn tuyên bố chỉ công nhận ông Bazoum là nhà lãnh đạo hợp pháp ở Niger.
Trong tuyên bố chung, Burkina Faso và Mali cho rằng, cuộc đảo chính phù hợp với nguyện vọng của người dân Niger. Burkina Faso và Mali cũng từng là hai quốc gia chịu sự chi phối của Pháp, nhưng nay đã xây dựng chủ quyền độc lập dưới sự hỗ trợ của Nga, theo RT. Nga một mặt lên tiếng phản đối cuộc đảo chính ở Niger, mặt khác kêu gọi các bên kiềm chế, tránh sử dụng vũ lực.
Sau cuộc đảo chính, tướng Tchiani tuyên bố sẽ ngừng xuất khẩu vàng, uranium sang Pháp và động thái này được người dân hoan nghênh.
"Chúng ta có vàng, uranium, dầu và tại sao chúng ta vẫn bị chi phối? Chúng ta không cần Pháp đảm bảo an ninh", tuyên bố của nhóm ủng hộ tướng Tchiani cho biết.
Niger là nhà sản xuất uranium lớn thứ 7 trên thế giới, chiếm 4% năng lực sản xuất toàn cầu. Các công ty Pháp kiểm soát 2/3 lượng uranium sản xuất ở Niger.
Nguồn: [Link nguồn]
Khối này thậm chí còn ra "tối hậu thư" cho phe đảo chính ở Niger, một trong những nước nghèo nhất thế giới.