Hai quốc gia Ả Rập quan tâm tới vũ khí Trung Quốc
Trung Quốc và hai quốc gia Ả Rập đang đàm phán về một loạt thỏa thuận vũ khí mới, bao gồm Chengdu J-10C, mẫu máy bay chiến đấu được coi là xương sống của không quân Trung Quốc.
Chiến đấu cơ J-10C do Trung Quốc sản xuất.
Sputnik dẫn nguồn tin từ Tactical Report, cơ quan tình báo có trụ sở tại Beirut (Lebanon) cho biết, công ty Công nghiệp Quân sự Ả Rập Saudi(SAMI) đang đàm phán với tập đoàn quốc phòng Trung Quốc NORINCO để mua máy bay trinh sát không người lái (UAV) và các hệ thống phòng không.
Theo Sputnik, Ả Rập Saudi đang quan tâm đến mẫu Sky Saker FX80 - UAV được thiết kế để phóng từ xe tải; mẫu UAV cất và hạ cánh thẳng đứng CR500; đạn tuần kích Cruise Dragon và hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn HQ-17AE - được phát triển từ nguyên mẫu Tor-M1 của Nga.
Không quân Ai Cập cũng đàm phán với Tập đoàn Công nghiệp máy bay Thành Đô của Trung Quốc. Hôm 23/5, phái đoàn của hai bên đã gặp gỡ bên lề triển lãm hàng không và hàng hải quốc tế Langkawi ở Malaysia. Cairo muốn mua hơn 10 chiếc J-10C. Mẫu máy bay này mới chỉ được Trung Quốc bán cho đối tác nước ngoài là Pakistan.
Được giới thiệu lần đầu vào năm 2006, J-10 là mẫu máy bay Trung Quốc tự thiết kế và sản xuất đầu tiên, với năng lực tiệm cận các máy bay chiến đấu của Nga và phương Tây.
J-10 chủ yếu đóng vai trò không chiến nhưng cũng có thể tham gia các nhiệm vụ tấn công mặt đất. Điểm mạnh của J-10 là radar hiện đại và đạt tốc độ tối đa lên tới 2.200 km/giờ.
Ai Cập và Ả Rập Saudi hiện là hai quốc gia nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Hai quốc gia Ả Rập có mối quan hệ quân sự gắn bó với Mỹ, nhưng hiện đang đa dạng hóa các hệ thống vũ khí khi quan tâm hơn tới vũ khí Nga và Trung Quốc. Ai Cập là quốc gia duy nhất ngoài Mỹ có xưởng sản xuất xe tăng chủ lực M1 Abrams. Ai Cập ngày nay sở hữu đồng thời các chiến đấu cơ MiG-29 do Nga sản xuất và chiến đấu cơ F-16 do Mỹ sản xuất.
Trong khi đó, Trung Quốc đã đẩy mạnh hợp tác với Ả Rập Saudi trên nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh tế, quân sự, ngoại giao. Thông qua Trung Quốc, Ả Rập Saudi gần đây đã bình thường hóa quan hệ với Iran. Chiến đấu cơ chủ lực của Ả Rập Saudi hiện nay là mẫu F-15 do Mỹ sản xuất.
Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall thừa nhận rằng cung cấp chiến đấu cơ Mỹ sản xuất cho Ukraine "không phải là giải pháp thay đổi cuộc chơi".
Nguồn: [Link nguồn]