Hải quân Trung Quốc vượt trội Mỹ ở điểm nào?
Mỹ bấy nay vẫn tự hào với vị trí thống lĩnh trên các đại dương và Trung Quốc được cho là còn cách trình độ của hải quân Mỹ một quãng khá xa. Nhưng liệu có cơ hội nào để hải quân Trung Quốc giành chiến thắng? Câu trả lời là có.
Để trả lời câu hỏi này, cần xem xét những lợi thế nhất định mà Trung Quốc có được trước Mỹ. Business Insider dẫn lời chuyên gia nói các tàu chiến Trung Quốc “bắn xa hơn” tàu chiến Mỹ, một khả năng có thể mang yếu tố quyết định trong một trận chiến.
Trung Quốc đang trang bị cho các tàu mặt nước các tên lửa hành trình siêu thanh, có tầm bắn lớn hơn hẳn so với các tên lửa cận âm của Mỹ, ra đời từ thời chiến tranh lạnh.
Hải quân Trung Quốc (PLAN) có các tàu khu trục tiên tiến lớp Type-052 và 055 mang theo tên lửa hành trình YJ-18 có tầm bắn trên 540km.
tàu Nam Xương 101 của PLAN
Trong khi đó, các khu trục hạm chủ lực lớp Arleigh Burke, tuần dương hạm lớp Ticonderoga của hải quân Mỹ được trang bị tên lửa có tầm bắn nhỏ hơn, ví dụ tên lửa chống hạm cận âm Harpoon và SM-6 có tầm bắn chỉ 240km.
“Đó là khoảng cách rất lớn”, Robert Haddick, cựu sỹ quan thủy quân lục chiến Mỹ, khách mời của viện Nghiên cứu không gian Mitchell nói với Reuters. “Năng lực của tên lửa chống hạm Trung Quốc vượt qua Mỹ xét về tầm bắn, tốc độ và khả năng của cảm biến”.
Các chuyên gia khác cho rằng tên lửa Mỹ và Trung Quốc ngang bằng ở khả năng sống còn (chống lại hệ thống phòng không đối phương) và độ hủy diệt, nhưng tên lửa Trung Quốc hoàn toàn vượt trội về tầm bắn. Cái mà Mỹ vượt trội, là số lượng.
Các tàu khu trục Type- 052 và Type- 055 của PLAN có lần lượt là 64 và 112 ống phóng thẳng đứng (VLS). Các tàu khu trục và tuần dương của hải quân Mỹ (Arleigh Burke và Ticonderoga) có lần lượt 96 và 122 VLS. Hơn nữa, Trung Quốc chưa thể có nhiều tàu Type-052 và 055 trong đội hình. (Tàu Type-055 duy nhất được biên chế là tàu Nam Xương 101 mới ra mắt công chúng trong dịp diễu binh hải quân ở Thanh Đảo vừa qua-PV).
“Trung Quốc chỉ có 1/10 số ống phóng VLS nếu so với hải quân Mỹ, cho dù số lượng tàu mặt nước giữa hai bên là ngang bằng”, Bryan Clark, cựu sỹ quan hải quân, nay là chuyên gia của Trung tâm Đánh giá chiến lược và Ngân sách của hải quân Mỹ nói với Business Insider.
“Vì thế, tàu chiến Trung Quốc có ít VLS hơn các tàu chiến Mỹ, nhưng điều có thể tranh cãi là PLAN có thể dùng số ống phóng đó bố trí nhiều tên lửa tiến công hơn so với cùng số lượng ống phóng trên tàu Mỹ (nghĩa là họ có thể hy sinh khả năng phòng thủ-PV)”, do vậy khoảng cách về số lượng cũng thu hẹp hơn”, ông nói.
Trong một cuộc chiến hạm đối hạm, tất cả phụ thuộc vào tầm bắn, số lượng vũ khí và năng lực, và có vẻ Trung Quốc có ít nhất là một, hai lĩnh vực có ưu thế.
“Giả dụ một ngày nào đó Mỹ và Trung Quốc rơi vào một tình huống trên biển Đông mà số lượng tên lửa chống hạm của mỗi bên là ngang bằng nhau, nhưng một bên có tầm bắn lớn hơn”, ông Clark nói."Quân Mỹ sẽ rơi vào bất lợi”.
Trong một kịch bản xung đột hải quân giả định với số lượng tàu cùng loại ở mỗi bên ngang bằng nhau, Mỹ sẽ có lợi thế lớn nhờ số lượng vũ khí, nhưng khi quân Trung Quốc có thể bắn ở tầm xa hơn và khai hỏa trước thì tình hình lại khác.
“Lúc đó tàu Mỹ đáp trả bằng cách nào”, ông Clark hỏi. “Không có cách nào”.
“Tất nhiên ở thời điểm này chúng tôi chưa có gì bắn xa đến mức đó, và do đó, tầm bắn lớn sẽ chiếm ưu thế”. “Cho dù Mỹ có số lượng vũ khí lớn hơn nhưng nếu Trung Quốc khơi mào thù địch thì số lượng không mang tính quyết định”.
Tất nhiên đó chỉ là giả định, bởi Mỹ còn đó các nhóm tàu sân bay hùng hậu với đội tiêm kích trên hạm, có thể vươn tầm tiến công, về lý thuyết là không giới hạn.
Tính ưu việt của phương Tây đang ngày càng bị đe dọa cả trên đất liền, trên biển và thậm chí trong không gian mạng.