Hải quân châu Âu đổ về châu Á cùng đối phó TQ, Nhật-Mỹ "mừng ra mặt"?
Liên minh Mỹ - Nhật bày tỏ vui mừng và hoan nghênh khi các cường quốc quân sự châu Âu điều lực lượng, khí tài đến châu Á – Thái Bình Dương nhằm kiềm chế Trung Quốc, SCMP đưa tin.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sắp được điều tới Biển Đông (ảnh: SCMP)
Anh cho biết nước này sẽ điều tàu sân bay HMS Queen Elizabeth cùng đội tàu hộ vệ tới Đông Á. Tàu sân bay của Anh thậm chí còn đi qua Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc.
HMS Queen Elizabeth còn chở theo một phi đội F-35B của Thủy quân lục chiến Mỹ.
Pháp cũng sẽ điều một hạm đội đến hội quân cùng Nhật Bản - Mỹ trong năm nay và cùng tập trận. Đức tuyên bố điều một tàu khu trục tới Ấn Độ - Thái Bình Dương.
“Nhật Bản muốn hợp tác mạnh mẽ hơn nữa với châu Âu về lĩnh vực quốc phòng”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi phát biểu.
Việc các nước lớn ở châu Âu quyết định cùng điều quân tới châu Á là điều đáng mừng với Mỹ - Nhật. Đây cũng là động thái của các đồng minh thân cận nhằm chia sẻ với Mỹ áp lực kiềm chế Trung Quốc ở châu Á, theo SCMP.
“Những gì đang xảy ra ở Ấn Độ - Thái Bình Dương ảnh hưởng đến không chỉ Đức mà cả châu Âu. Chúng tôi muốn hợp tác với Nhật Bản nhiều hơn nữa để duy trì, trật tự, luật pháp quốc tế ở khu vực này”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho hay.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản bày tỏ hy vọng tàu chiến của Đức sẽ đi qua Biển Đông – nơi Trung Quốc tuyên bố nhiều yêu sách chủ quyền phi pháp.
Từ sau Thế chiến II, Đức luôn tỏ ra dè dặt trong các hoạt động quân sự ở nước ngoài. Việc Đức cùng Anh, Pháp đưa quân đến Ấn Độ - Thái Bình Dương, thể hiện sự ủng hộ với đồng minh Mỹ - Nhật là điều hiếm hoi, theo các chuyên gia.
Nhật Bản cần có kế hoạch rõ ràng khi hải quân 3 nước châu Âu tới châu Á – Thái Bình Dương, theo chuyên gia (ảnh: Asia Times)
Tình hình tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng trong vài tháng gần đây. Bắc Kinh liên tục điều máy bay quân sự, tàu tuần duyên, tàu đánh cá áp sát quần đảo tranh chấp, buộc Nhật Bản có động thái đáp trả.
“Sẽ rất tuyệt vời với Tokyo nếu Mỹ – Nhật – Anh – Pháp – Đức cùng tổ chức tập trận chung ở Thái Bình Dương”, Michito Tsuruoka, phó giáo sư về an ninh quốc tế tại Đại học Keio – nhận xét.
Tháng 12 năm ngoái, Nhật – Pháp – Mỹ đã tuyên bố năm nay sẽ tập trận chung trên một hòn đảo hoang nằm ở phía Tây Nam Nhật Bản.
Không rõ Anh và Đức có muốn cùng Nhật – Pháp – Mỹ tham gia tập trận hay không.
“Tokyo và Mỹ đều vui mừng và hoan nghênh sự xuất hiện của hải quân châu Âu ở châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Nhật Bản dường như chưa có kế hoạch rõ ràng về những gì họ muốn làm cùng hải quân Anh – Pháp – Đức. Các nước châu Âu có thể rút lực lượng về nếu họ cảm thấy sự xuất hiện của mình không có ý nghĩa và chọc giận Trung Quốc”, ông Tsuruoka nói.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran vừa bắt giữ một tàu chở dầu Hàn Quốc. Vụ việc xảy ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ...
Nguồn: [Link nguồn]