Hải quân Ấn Độ làm điều Trung Quốc chưa từng thực hiện

Hai tàu sân bay Ấn Độ đã dẫn đầu hai nhóm tác chiến tàu sân bay tham gia tập trận hải quân chung ở biển Ả Rập vào đầu tuần này, thể hiện "năng lực tác chiến đáng kể trên biển", thúc đẩy năng lực hải quân ở Ấn Độ Dương và xa hơn nữa, theo CNN.

Hai tàu sân bay Ấn Độ tham gia phối hợp tập trận vào đầu tuần này.

Hai tàu sân bay Ấn Độ tham gia phối hợp tập trận vào đầu tuần này.

Theo đài CNN, giới phân tích nhận định, đây là thành tựu đáng kể của hải quân Ấn Độ. Trong hàng thập kỷ qua, chỉ có hải quân Mỹ từng huy động hai tàu sân bay đồng thời phối hợp diễn tập chiến đấu.

"Đây không phải là một thành tích nhỏ, cũng cần lưu ý rằng hải quân Ấn Độ là một trong số rất ít các lực lượng hải quân trên thế giới sở hữu nhiều hơn một tàu sân bay", Nick Childs, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho biết.

Hai tàu sân bay INS Vikramaditya và INS Vikrant của Ấn Độ dẫn đầu lực lượng tập trận với hơn 35 máy bay, tàu chiến và tàu ngầm, hải quân Ấn Độ cho biết.

"Sự thành công của việc phối hợp hai nhóm tác chiến tàu sân bay chứng minh vai trò không thể thiếu của các tiêm kích hạm trong việc duy trì ưu thế trên biển", tuyên bố nhấn mạnh.

Ấn Độ trở thành quốc gia sở hữu hai tàu sân bay vào năm ngoái, khi nước này biên chế tàu sân bay nội địa INS Vikrant vào tháng 9/2022. Trước đó, Ấn Độ mua tàu sân bay INS Vikramaditya của Nga và đưa vào biên chế năm 2013.

Trước Ấn Độ, Anh và Trung Quốc đã tự đóng các tàu sân bay nội địa. Nhưng Anh và Trung Quốc chưa từng tổ chức tập trận với sự tham gia đồng thời của hai nhóm tác chiến tàu sân bay, theo CNN.

Collin Koh, chuyên gia công tác tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói yếu tố truyền thống có thể giúp hải quân Ấn Độ vượt lên trước Trung Quốc, dù hải quân Trung Quốc đang có số lượng tàu chiến đông đảo nhất thế giới.

Đội hình hai tàu sân bay Ấn Độ cùng các tàu hộ tống.

Đội hình hai tàu sân bay Ấn Độ cùng các tàu hộ tống.

"Hải quân Ấn Độ đã có kinh nghiệm lâu năm trong vận hành tàu sân bay và đây là ưu thế của Ấn Độ so với Trung Quốc", ông Koh nói.

Trung Quốc đã biên chế hai tàu sân bay, bao gồm một chiếc sản xuất nội địa. Chiếc thứ ba vẫn đang trong quá trình thử nghiệm trên biển.

Năm 1957, Ấn Độ mua tàu sân bay HMS Hercules chưa hoàn thiện của Anh và hoàn thiện nốt các hạng mục còn lại, đưa vào biên chế năm 1961. Đến năm 1986, Ấn Độ mua thêm tàu sân bay HMS Hermes của Anh và đưa vào biên chế hải quân sau đó một năm. Trong giai đoạn năm 1987 - 1997 và 2013 - 2017, hải quân nước này đều vận hành hai tàu sân bay.

"Hải quân Ấn Độ luôn là một lực lượng được đào tạo bài bản, có kỷ luật chặt chẽ và rất thành thạo”, chuyên gia quân sự Carl Schuster nói trên đài CNN.

Chuyên gia Schuster nói Ấn Độ cũng có thể học hỏi hải quân Mỹ về cách phối hợp hai tàu sân bay chiến đấu. Chỉ mới tuần trước, tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz và USS Ronald Reagan của Mỹ đã phối hợp tập trận ở vùng biển Philippines.

Theo các chuyên gia, Ấn Độ chỉ huy động 35 máy bay trong cuộc tập trận hai nhóm tác chiến tàu sân bay là tương đối ít, có thể vẫn còn những rào cản khiến hai tàu sân bay này chưa phô diễn đầy đủ năng lực.

Tàu sân bay INS Vikramaditya có thể mang theo tối đa 26 tiêm kích MiG-29K còn với tàu INS Vikrant là 36 máy bay, gồm MiG-29K hoặc Rafale M.

Nguồn: [Link nguồn]

Tàu sân bay Trung Quốc tập trận gần căn cứ Mỹ ở đảo Guam: Chuyên gia nói gì?

Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) gần đây thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông đã hoàn tất cuộc tập trận kéo dài gần 30 ngày ở phía tây Thái Bình Dương cùng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - CNN ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN