Hai mặt hàng của Nga mà EU không cấm vận nhưng khó xuất khẩu
Quan chức cấp cao của EU khẳng định liên minh này không nhắm vào lương thực và phân bón của Nga.
Ngày 20/6, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết: “Các lệnh trừng phạt của EU không nhắm vào lương thực và phân bón. Những bên muốn mua lương thực và phân bón của Nga có thể làm việc này mà không gặp trở ngại”.
Tuy nhiên, hãng tin RT cho rằng, dù EU không trừng phạt hai mặt hàng trên nhưng lại nhắm vào việc vận chuyển hàng hóa từ Nga, hạn chế việc ngũ cốc và phân bón của Nga vận chuyển ra thị trường quốc tế.
Xe chở ngũ cốc tại vùng Chernihiv, Ukraine. Ảnh - Reuters
Phát biểu của ông Borrell được đưa ra trước thềm cuộc họp của các ngoại trưởng EU để bàn giải pháp khơi thông lượng ngũ cốc Ukraine đang bị mắc kẹt tại các cảng ở Biển Đen trong bối cảnh xung đột đang diễn ra tại quốc gia này.
Ngoài Nga, Ukraine là một trong những nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn trên thế giới, nhưng hiện nay họ cũng không thể xuất khẩu ngũ cốc qua đường biển do tình hình xung đột. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ước tính khoảng 22-25 triệu tấn ngũ cốc đang bị tắc nghẽn tại các cảng của Ukraine.
Phương Tây cáo buộc Nga chặn việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine bằng đường biển. Về phần mình, Moscow khẳng định họ sẵn sàng hỗ trợ hành lang an toàn cho tàu chở ngũ cốc đi qua Biển Đen nhưng chính các lực lượng Ukraine đã ngăn chặn điều này qua việc rải thủy lôi ở các cảng biển.
Tình hình tắc nghẽn đã khiến giá lúa mì tăng tới mức kỷ lục trong hai tháng qua, dẫn tới nguy cơ hình thành khủng hoảng lương thực trên thế giới. Ông Borrell cảnh báo hậu quả của xung đột tại Ukraine “đang trở nên vô cùng nguy hiểm không chỉ cho Ukraine mà còn với toàn thế giới”.
“Tôi phải cảnh báo một lần nữa về nguy cơ nạn đói trên thế giới, đặc biệt tại châu Phi. Chiến sự Ukraine đang đẩy giá cả tăng cao và khan hiếm năng lượng, lương thực. Chúng tôi đang hỗ trợ các nỗ lực của Liên Hợp Quốc nhằm khơi thông hoạt động xuất khẩu từ Ukraine”, ông Borrell nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Khoản thanh toán khổng lồ mà Đức dành cho Nga vì mua năng lượng giữa cấm vận đang khiến Berlin chịu chỉ trích nặng nề.