Hai lý do khiến Trung Quốc trải qua mưa lũ bất thường suốt hơn 30 ngày liên tiếp
Hơn 30 ngày mưa lũ liên tiếp ở miền nam Trung Quốc đã khiến hàng triệu người mất nhà cửa, gây thiệt hại kinh tế hàng tỉ USD.
Đập Sanmenxia tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, xả lũ hôm 30.6.
Theo Bloomberg, tính đến cuối tháng 6, hơn 14 triệu người ở 13 tỉnh thành của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, theo số liệu của Cơ quan Ứng phó Khẩn cấp Trung Quốc. Lũ lụt đã khiến 78 người thiệt mạng, phá hủy 97.000 căn nhà, gây thiệt hại kinh tế tương đương 4 tỉ USD.
Video chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy cảnh nhà cửa đổ sụp, xe trôi giữa dòng nước lũ, mùa màng bị phá hủy. Nhiều thành phố ở phía nam Trung Quốc bị tổn thất nặng nề về cơ sở vật chất. Ở Yangshuo, một cây cầu bị nhấn chìm hoàn toàn dưới nước. Đường sắt và đường tàu ở Trùng Khánh cũng bị tổn hại.
Suốt hàng ngàn năm qua, Trung Quốc đã chật vật đối phó với lũ lụt vào mùa mưa ở vùng đồng bằng, bao gồm đắp đê, xây đập và áp dụng nhiều biện pháp khác.
Nhưng các hiện tượng thời tiết bất thường diễn ra ngày càng nhiều, khiến dự báo mưa lũ càng trở nên khó khăn, đe dọa mạng sống của hàng triệu người ở gần những con sông.
Các nhà hoạt động vì môi trường cảnh báo người dân Trung Quốc sẽ còn phải hứng chịu lũ lụt dai dẳng cho đến khi chính quyền đề ra biện pháp kiểm soát hiệu quả biến đổi khí hậu.
“Lũ lụt tồi tệ như chúng ta thấy là kết quả của hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu”, Liu Junyan, nhà hoạt động thuộc tổ chức Hòa bình xanh ở Đông Á, nói. “Cần phải tăng cường năng lực cảnh báo sớm, kiểm soát lũ tốt hơn và đánh giá mối đe dọa của hiện tượng thời tiết cực đoan với các thành phố”.
Nhiều thành phố ở miền nam Trung Quốc rơi vào tình cảnh ngập nặng.
Tần suất xảy ra mưa và nhiệt độ tăng cao do biến đổi khí hậu đã liên tục thay đổi theo chiều hướng xấu trong 6 thập kỷ qua, Cơ quan Khí tượng Trung Quốc cho biết.
Miền nam Trung Quốc liên tục trải qua mưa lớn suốt cả tháng 6. Kết quả là mực nước ở 25 con sông lớn đã đạt mức cảnh báo lũ nguy hiểm.
Hôm 29.6, đập Tam Hiệp lần đầu tiên phải xả lũ do nước đã tích đầy hồ chứa, trong khi đợt lũ mới được dự báo đang ập đến.
Chen Tao, nhà khí tượng đến từ Trung tâm khí tượng quốc gia Trung Quốc, nói mưa lũ năm nay có cường độ gấp đôi, thậm chí gấp ba mức thông thường hàng năm.
Mực nước biển dâng cao, do tác động trực tiếp của hiện tượng Trái đất ấm lên, đang đe dọa nhiều thành phố ở Trung Quốc. Theo Bộ Môi trường Trung Quốc, mực nước biển trung bình ở các thành phố ven biển đã tăng 3,4mm mỗi năm, từ năm 1980-2019, vượt mức trung bình của thế giới.
Năm 2019, mực nước ở vùng ven biển Trung Quốc đã cao hơn 72mm so với mức bình thường. Với tốc độ này đến năm 2100, vùng châu thổ Châu Giang – trung tâm sản xuất hàng hóa, là nơi hơn hàng chục triệu người sinh sống, có thể bị nhấn chìm với mực nước 67cm.
Ngoài biến đổi khí hậu, hàng thập kỷ phát triển kinh tế, đô thị hóa, bao gồm lấn đất hồ, vùng ngập nước, đã làm tăng nguy cơ xảy ra thảm họa tự nhiên.
Vũ Hán trong quá khứ từng được coi là thành phố “có 100 hồ nước”, nhưng đến nay hầu hết đã bị san lấp để lấy đất, trở thành đô thị đối mặt với ngập lụt nghiêm trọng nhất.
“Các hoạt động của con người đã phá hủy sông ngòi, hồ, rừng và những dạng chống lụt tự nhiên khác”, Yu Jianfeng, người sáng lập tổ chức bảo vệ môi trường sông ngòi ở Trùng Khánh, nói. “Đã đến lúc chúng ta phải đề ra nguyên tắc phát triển, bảo tồn các hồ nước tự nhiên, góp phần giảm tác động của lũ lụt”.
Tình hình mưa lũ ở Trung Quốc tiếp tục diễn biến phức tạp khi bắt đầu bước và mùa mưa chính. Mới đây, một con đập...
Nguồn: [Link nguồn]