Hai lần Israel bị bất ngờ

Cách đây 50 năm, Israel bị hai nước láng giềng Ai Cập và Syria bất ngờ phối hợp tấn công. 50 năm sau, Israel lần thứ hai bị bất ngờ nhưng là chiến dịch từ phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.

Israel tập kích mục tiêu ở Dải Gaza sau khi Hamas mở cuộc tấn công vào ngày 7/10/2023.

Israel tập kích mục tiêu ở Dải Gaza sau khi Hamas mở cuộc tấn công vào ngày 7/10/2023.

Ngày 7/10/2023, Phong trào Hồi giáo Hamas phát động cuộc tấn công quy mô nhằm vào Israel từ Dải Gaza. Cuộc tấn công này có nhiều điểm tương đồng với một cuộc tấn công cách đây 50 năm và đặt ra nhiều dấu hỏi về động cơ của Hamas, về việc liệu Israel có thể và có muốn thật sự loại bỏ Hamas hay không. Loạt bài này sẽ đi tìm câu trả lời cho những vấn đề nói trên.

Sáng sớm ngày 7/10/2023, ước tính 1.000 tay súng Hamas tràn sang lãnh thổ miền nam Israel bằng đường không, đường bộ và đường biển. Hamas cũng phóng hàng ngàn quả rocket và sử dụng máy bay không người lái (UAV) để loại bỏ xe tăng và các trạm kiểm soát của Israel.

Chỉ trong vài giờ, hàng trăm người Israel thiệt mạng, nhiều người bị bắt làm con tin. Những cuộc trả thù khốc liệt của Israel đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người Palestine ở Gaza và số người thiệt mạng được dự báo sẽ còn tăng lên.

Sau khi cuộc tấn công của Hamas bắt đầu và số người chết ở Israel ngày càng tăng, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố đất nước đang có chiến tranh, cũng giống như 50 năm trước.

Cả hai cuộc xung đột đều diễn ra bằng cuộc tấn công bất ngờ trong dịp lễ quan trọng của người Do Thái. Cuộc chiến năm 1973 diễn ra trong Lễ Chuộc Tội (Yom Kippur) còn cuộc xung đột hiện tại diễn ra trong lễ Simchat Torah, khi người Do Thái đón mừng việc đọc Kinh Torah.

Theo nhận định trên tờ Conversation, phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza có chủ ý tấn công Israel vào đúng dịp lễ quan trọng và đúng dịp kỷ niệm 50 năm cuộc xung đột năm 1973. Hamas có thể muốn truyền tải thông điệp tương tự như Ai Cập và Syria, đó là không chấp nhận sự áp đặt hiện nay của Israel và quân đội Israel không phải lực lượng bất khả chiến bại để có thể đảm bảo an ninh 100%.

Cuộc chiến tranh năm 1973 đã đánh dấu một thời điểm mang tính bước ngoặt không chỉ trong xung đột Ả Rập - Israel mà còn đối với nền chính trị của Israel. Liệu xung đột Hamas - Israel có thể dẫn đến những sự thay đổi to lớn?

Israel từng bị liên quân Ai Cập và Syria tấn công bất ngờ vào tháng 10/1973.

Israel từng bị liên quân Ai Cập và Syria tấn công bất ngờ vào tháng 10/1973.

Israel đã dày công xây dựng một lực lượng quân đội mạnh mẽ, sử dụng vũ khí hiện đại và sở hữu lực lượng tình báo nổi tiếng. Nhưng một lần nữa Israel bị tấn công bất ngờ như cách đây 50 năm. Điều này đã khiến người dân bị sốc. 

Mặc dù luôn có nguy cơ các thế lực đối địch đe dọa Israel, không ai ngờ rằng Hamas lại có thể phát động một chiến dịch tấn công quy mô như vậy.

Tình báo Israel cho rằng, Hamas có thể ưu tiên cai trị Dải Gaza và không muốn gây chiến với Israel, ít nhất là trong giai đoạn này. Hamas có thể tránh thực hiện các cuộc tấn công lớn vì lo ngại khả năng Israel trả đũa khiến Dải Gaza càng bị hủy hoại.

Gaza là mảnh đất rộng hơn 360km2 ven Địa Trung Hải nhưng có tới hơn 2 triệu người Palestine sinh sống. Nhiều người Palestine ở Gaza sống trong cảnh nghèo đói và cộng đồng dân cư vẫn chưa phục hồi sau khi bị Israel tàn phá cơ sở hạ tầng trong giao tranh với Hamas vào tháng 5/2021.

Tình báo Israel cho rằng, Hamas nếu gây bất ổn thì sẽ ưu tiên gây bất ổn ở khu Bờ Tây, bởi điều này cũng làm suy yếu chính quyền ôn hòa của người Palestine ở khu vực này.

Nhưng các đánh giá tình báo của Israel đã sai lầm, cũng giống như giai đoạn trước khi nổ ra cuộc chiến năm 1973. 50 năm trước và hiện tại, các đối thủ không hề e ngại sức mạnh quân sự của Israel.

Các tay súng trung thành với phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.

Các tay súng trung thành với phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.

Tình báo Israel không chỉ đánh giá sai sự sẵn sàng tham chiến của đối thủ mà còn thất bại cả hai lần khi không nhận ra đối phương có sự chuẩn bị cho xung đột.

Lần này, thất bại đó càng rõ ràng hơn khi xét tới khả năng thu thập thông tin tình báo sâu rộng và tinh vi của Israel. Các chuyên gia nhận định, Hamas đã lên kế hoạch kỹ càng cho cuộc tấn công này trong nhiều tháng. Đây có thể nói là thất bại tình báo tồi tệ nhất của Israel kể từ cuộc chiến năm 1973, tờ Conversation nhận định.

Về mặt quân sự, quân đội Israel (IDF) đã không ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Hầu hết các đơn vị tinh nhuệ của IDF đều được triển khai ở khu Bờ Tây thay vì Dải Gaza.

Các tướng lĩnh quân đội Israel đã nhiều lần cảnh báo về mức độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội đang ngày càng suy giảm. Lực lượng dự bị của quân đội cũng tỏ ra không hợp tác với việc cải tổ tư pháp của chính phủ.

Theo tờ Conversation, IDF tin rằng, các công sự phòng thủ, đặc biệt là hàng rào công nghệ cao đắt tiền được xây dựng xung quanh Dải Gaza, sẽ cản bước các tay súng Hamas, tương tự như cuộc xung đột diễn ra vào tháng 5/2021.

Nhưng cũng giống như tuyến phòng thủ Bar-Lev dọc theo kênh đào Suez đã không ngăn được quân đội Ai Cập vào năm 1973, hàng rào Gaza cũng không ngăn được các tay súng Hamas.

Một video do kênh truyền hình Hamas đăng tải hôm 8/10, quay cảnh Hamas sử dụng UAV vô hiệu hóa các chốt kiểm soát của Israel và sử dụng thuốc nổ để phá hủy hàng rào. Lực lượng Hamas xâm nhập vào lãnh thổ Israel thông qua nhiều điểm xuyên phá như vậy.

Theo tờ Conversation, những gì xảy ra sau khi xung đột kết thúc có thể giống với hệ quả sau cuộc chiến năm 1973. Israel có thể thành lập một ủy ban điều tra. Năm 1973, ủy ban mang tên Agranat đã công bố báo cáo nêu rõ trách nhiệm về phía quân đội và cơ quan tình báo Israel.

Cuộc chiến năm 1973 có một phần do thất bại của Israel trên khía cạnh chính trị. Thủ tướng Golda Meir và Bộ trưởng quốc phòng Israel khi đó là Moshe Dayan, đã phớt lờ các đề nghị thúc đẩy đàm phán của Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat. Chính phủ Israel quyết giữ một phần bán đảo Sinai (Israel kiểm soát từ tay Ai Cập trong cuộc chiến năm 1967).

Sau khi xung đột Hamas - Israel bùng phát trở lại hôm 7/10/2023, Qatar, Ả Rập Saudi và Iran đã lên tiếng kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng, cho rằng vấn đề có thể liên quan đến chính sách của Israel đối với người Palestine. Bộ Ngoại giao Qatar bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Dải Gaza, đồng thời kêu gọi tất cả các bên ngừng leo thang, bình tĩnh và kiềm chế tối đa.

___________________________

Phong trào Hồi giáo Hamas đối địch Israel có quy mô lớn đến mức nào? Vì sao Israel rất mạnh nhưng nhiều lần giao tranh bất phân thắng bại với Hamas? Mời độc giả cùng tìm hiểu trong bài kỳ 2, xuất bản lúc 19h ngày 13/10.

Hamas từ đâu ra, vì sao “không đội trời chung“ với Israel?

Cuộc tấn công tàn khốc của Hamas vào Israel hôm 7/10 đã dẫn đến một chiến dịch ném bom đáp trả đẫm máu ở Dải Gaza. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - The Conversation ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hamas Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN