Hãi hùng vụ 500 triệu lít nước ập xuống nơi 375 người đang làm việc dưới lòng đất Ấn Độ
Lực lượng cứu hộ mất gần một tháng mới bơm cạn hơn 500 triệu lít nước đổ ập xuống hầm mỏ và đưa thi thể đầu tiên ra ngoài. Bí ẩn về nguyên nhân gây ra sự cố tới nay vẫn chưa có được làm rõ.
Hơn 500 triệu lít nước biến mỏ than đá ở Chasnala, nơi 375 thợ mỏ làm việc, thành "mồ chôn nước". Ảnh minh họa: World Atlas
Thảm họa “mồ chôn nước”
Theo India Today, sự cố được coi là thảm họa tồi tệ nhất lịch sử ngành khai thác mỏ ở Ấn Độ, xảy ra vào ngày 27/12/1975 tại một mỏ than đá ở Chasnala, bang Bihar, miền đông Ấn Độ khiến 375 thợ mỏ bị chôn sống dưới sức ép của hàng tấn nước và đất.
Ngày 27/12/1975, hàng trăm công nhân đang miệt mài làm việc, dưới một hầm mỏ ẩm ướt, nằm sâu trong lòng đất. Nước thấm là lo ngại hàng đầu về an toàn trong các hầm mỏ. Vì khi ngấm nước, các bức tường trong hầm mỏ có thể sập bất cứ lúc nào, đe dọa tính mạng của hàng trăm thợ mỏ.
Khu hầm mỏ ở Chasnala rất dễ xảy ra tai nạn vì nằm cạnh một khu mỏ bỏ hoang có lượng lớn nước mưa đọng lại. Tất cả những gì ngăn cách giữa khu mỏ mới với khu mỏ bỏ hoang chỉ là một lớp vách mỏng bằng đá và than.
Khi mỏ than được xây dựng, các chuyên gia đã đưa ra 2 cảnh báo quan trọng. Thứ nhất là nên làm mọi thứ để ngăn nước tích tụ ở mỏ cũ. Thứ hai là không được đụng đến lớp vách ngăn cách giữa 2 mỏ.
Truyền thông địa phương thời điểm đó đưa tin, những người quản lý mỏ Chasnala đã phớt lờ các cảnh báo này. Nước đã tích tụ ngày càng nhiều trong khu mỏ cũ. Ngoài ra, lớp vách ngăn cách giữa 2 mỏ cũng bị tác động.
Khoảng 13h30 chiều 27/12/1975, một vụ nổ bất ngờ xảy ra. Hơn 110 triệu gallon nước (hơn 500 triệu lít) từ mỏ cũ tràn vào khu mỏ mới, nơi có 375 thợ mỏ đang làm việc. Toàn bộ khu mỏ mới biến thành "mồ chôn nước" sau vài phút.
Một vụ nổ bất ngờ xảy ra ở khu mỏ. Ảnh minh họa: Causticsodapodcast
Hoạt động cứu hộ gặp nhiều trở ngại về địa hình và số lượng máy bơm. Một tuần sau thảm họa hầm mỏ, chỉ có 17 triệu gallon nước (hơn 77 triệu lít) được bơm khỏi khu mỏ. Các chuyên gia Ấn Độ và Nga khi đó dự đoán phải ít nhất 2 tuần nữa mới rút được số nước trong khu mỏ. Hy vọng về một phép màu không xảy ra. Toàn bộ 375 thợ mỏ đều thiệt mạng vì vụ nổ hoặc vì chết đuối.
Các máy bơm được tăng cường từ Nga, Ba Lan và Mỹ để đẩy nhanh quá trình bơm nước khỏi hầm mỏ, nhưng lượng nước quá lớn trong khu mỏ rộng khiến quá trình này thực tế kéo dài gần một tháng.
Ngày thứ 26 sau khi thảm họa xảy ra, thi thể đầu tiên được đưa ra ngoài, theo Times of India. Nhiều thi thể bị biến dạng và chỉ được nhận dạng qua chiếc đèn mà mỗi người được phát cầm theo khi xuống mỏ.
Các quan chức cấp cao của Công ty sắt thép Ấn Độ, chủ sở hữu khu mỏ Chasnala, nói thảm họa là một tai nạn kinh hoàng.
Nhiều thi thể bị biến dạng, chỉ được nhận dạng qua dụng cụ được phát riêng khi làm việc dưới mỏ. Ảnh minh họa: iStock
Bí ẩn nguyên nhân
Theo India Today, bí ẩn về nguyên nhân thực sự của thảm họa hầm mỏ Chasnala tới nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
Một số thợ mỏ làm việc trên mặt đất vào thời điểm vụ việc xảy ra cho biết đã nghe thấy một tiếng nổ lớn, nghi là nổ khí gas. Tuy nhiên, các chuyên gia hầm mỏ bác bỏ khả năng này. Họ cho rằng mỏ Chasnala khi đó là một trong những mỏ hiện đại nhất cả nước. Hệ thống thông gió của khu mỏ sẽ ngăn việc khí gas tích tụ.
Ngoài ra, lớp vách giữa khu mỏ cũ và khu mỏ mới phù hợp tiêu chuẩn quốc tế nên không thể lý giải vì sao thảm họa xảy ra.
Một giả thuyết đang được nhiều chuyên gia hầm mỏ ủng hộ là khu mỏ cũ, vốn được chuyển đổi trước đó thành một hồ chứa nước, đã được lập bản đồ không chính xác. Thực tế, nó đã mở rộng hơn dự tính và lấn sâu vào phần vách ngăn cách giữa 2 khu mỏ. Nếu đúng như vậy, khu mỏ Chasnala có thể nằm ngay dưới hồ chứa với trữ lượng nước khổng lồ.
Giả thuyết này cũng làm dấy lên nghi ngờ trong giới khoa học và kỹ sư tại các mỏ than ở bang Bihar thời đó, rằng những người phụ trách mỏ Chasnala không quan tâm tới sự an toàn của người lao động. Họ cho rằng Ủy ban điều tra của chính phủ nên tập trung vào các vi phạm có thể liên quan tới các tiêu chuẩn an toàn của mỏ khai thác.
Các phát ngôn viên của công ty chủ quản mỏ Chasnala nhiều lần nhấn mạnh lớp vách ngăn cách dày 24 mét giữa 2 khu mỏ được cho là an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, Đạo luật khai thác mỏ Ấn Độ quy định khoảng cách giữa 2 khu mỏ ít nhất phải là 60 mét. Không nhiều chủ mỏ tuân thủ điều này vì như vậy sẽ có rất nhiều than không được khai thác.
Một mỏ than bỏ hoang ngập nước. Ảnh: 123 RF
Trong trường hợp của mỏ Chasnala, các nhà quản lý mỏ đã tới Trạm nghiên cứu khai thác mỏ (CRMS) ở Dhanbad, bang Bihar, để kiểm tra vỉa than và tìm hiểu xem liệu khoảng cách an toàn giữa mỏ cũ và mỏ mới có thể dưới 60 mét hay không. CRMS đã có nhiều lần kiểm tra thực địa và khuyến nghị giới hạn an toàn ít nhất phải là 50 mét.
Các bài kiểm tra thực địa được thực hiện không phải ở vùng dưới khu mỏ cũ mà là ở một khu vực khác của vỉa than. Khi ban quản lý khu mỏ mới cho đào một đường hầm dưới mỏ cũ, họ không tham khảo ý kiến của CRMS về một tiêu chuẩn an toàn mà quyết định lấy khoảng cách 24 mét làm vách chắn giữa mỏ cũ và mới thay vì ít nhất 50 mét như CRMS từng khuyến nghị.
Những người quản lý mỏ Chasnala cho rằng 2 trường hợp này là khác nhau. Theo họ, đợt kiểm tra đầu tiên của CRMS được thực hiện với mục đích cho một mỏ khai thác than đá và giới hạn an toàn liên quan tới hoạt động khai thác. Trong khi, khu mỏ mới chỉ được coi như "phòng trưng bày phát triển", nơi cung cấp các phương tiện thông gió và máy bơm. Vì vậy, khu mỏ mới không làm ảnh hưởng tới địa chất của vỉa than nhiều như khi tổ chức hoạt động khai thác.
Tính toán của một số kỹ sư và nhà khoa học nổi tiếng xác nhận, trong những trường hợp như trên, một khoảng cách 24 mét là đủ an toàn, miễn là không có các yếu tố mất an toàn khác xảy ra. Nhưng họ cũng cảnh báo, một khoảng cách rộng hơn là cần thiết để đề phòng các sự cố bất ngờ.
Các chuyên gia cũng cho rằng, điều đặc biệt quan trọng là phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa, nhất là khi đào hầm dưới các công trình cũ bị bỏ hoang. Lý do là các bản đồ về công trình cũ thường chỉ được ước tính. Trên thực tế, có thể phần hầm cũ đã bị khoét sâu thêm xuống dưới mà không được thể hiện trên bản đồ.
Thảm họa Chasnala cũng mang đến một thực tế khác đó là sự thiếu thốn trang thiết bị trong hoạt động cứu hộ ở Ấn Độ thời điểm đó. Thật sốc khi một khu vực khai thác than lớn không có đủ máy bơm cao áp để thoát nước.
Ở giai đoạn quan trọng nhất, 2 ngày đầu tiên sau sự cố, hầu như không có hoạt động bơm đáng kể nào. Hầu hết các thiết bị bơm sau đó được vận chuyển bằng đường hàng không từ Nga, Ba Lan và Mỹ. Nếu không có sự hỗ trợ này, việc hút nước khỏi mỏ Chasnala sẽ còn mất nhiều thời gian hơn nữa.
Khoảng 3.800 người chết ngay sau khi khí độc loang ra, khoảng 1 vạn người tử vong trong vài ngày đầu tiên, và hàng vạn người...
Nguồn: [Link nguồn]