Hãi hùng cách hiến tế 600 chiến mã trong lăng mộ vua Trung Hoa

Trong lăng mộ Tề Cảnh Công, vua nước Tề thời Xuân Thu Chiến Quốc ở Trung Hoa, các nhà nghiên cứu từng tìm thấy hài cốt của 600 chiến mã.

Hài cốt ngựa được tìm thấy trong lăng mộ Tề Cảnh Công.

Hài cốt ngựa được tìm thấy trong lăng mộ Tề Cảnh Công.

Năm 1964, các nhà khảo cổ công bố phát hiện chấn động ở Trung Quốc. Đó là một lăng mộ chứa hàng trăm xác chiến mã, được xếp theo hàng, cùng nhiều hiện vật quý.

Quần thể lăng mộ phức tạp, với số lượng động vật hiến tế đáng kể, cho thấy đây là lăng mộ của người nắm giữ vị trí cao trong xã hội Trung Hoa xưa. 

Không lâu sau đó, các nhà nghiên cứu xác định lăng mộ là nơi chôn Tề Cảnh Công, vua nước Tề thời Xuân Thu Chiến Quốc ở Trung Hoa. Tề Cảnh Công cai trị nước Tề trong giai đoạn 547 TCN – 490 TCN, theo Ancient Origins.

Tất cả những chiến mã đều là ngựa sống, được đem hiến tế phục vụ Tề Cảnh Công ở thế giới bên kia, theo quan niệm của người xưa.

Lên ngôi nhờ may mắn

Tề Cảnh Công tên thật là Chử Cữu, là con trai thứ của Tề Linh Công, vua thứ 24 của nước Tề. Mẹ ông là thê thiếp của Tề Linh Công. 

Khi vua Tề Linh Công qua đời năm 554 TCN, con trai trưởng Tề Trang Công nối ngôi.

Tề Trang Công lên ngôi lại gian díu với vợ của Thôi Trữ, tướng quốc nước Tề. Năm 548 TCN, Thôi Trữ giết chết Tề Trang công tại nhà riêng, ra thông cáo với các quần thần, đưa Chử Cữu lên ngôi vua, hiệu là Tề Cảnh Công.

Quyền lực nước Tề khi đó thực tế nằm trong tay thừa tướng Thôi Trữ và một quý tộc tên Khánh Phong.

Sau cuộc biến loạn giữa Thôi Trữ và Khánh Phong, Tề Cảnh Công mới giành lại quyền lực, đưa nước Tề bắt đầu giai đoạn yên bình và thịnh vượng.

Cái chết dẫn đến nổi loạn

Hài cốt ngựa được tìm thấy bao quanh lăng mộ.

Hài cốt ngựa được tìm thấy bao quanh lăng mộ.

Tề Cảnh Công cưới công chúa Yến Cơ của nước Yên, có con trai là thái tử, nhưng sớm qua đời.

Tề Cảnh Công còn 5 người con trai khác với các thê thiếp, nhưng ông chọn con út là Khương Đồ nối ngôi, bất chấp lời khuyên của các cận thần. 4 người con khác bị đuổi đến nơi hoang vu.

Không lâu sau đó, năm 490 TCN, Tề Cảnh Công lâm bệnh mất, nắm quyền trong 58 năm. Cái chết của ông dẫn đến cuộc nổi loạn đẫm máu. Hoàng tử Dương Sinh được các cận thần đem trở lại kinh đô. Dương Sinh giết chết Khương Đồ, lên ngôi lấy hiệu là Tề Điệu Công.

600 chiến mã bị hiến tế 

Tề Cảnh Công được an táng tại làng Nhai Đầu, phía đông bắc kinh thành Lâm Tri, nay là tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.

Ở phía bắc lăng mộ, các nhà khảo cổ tìm thấy hài cốt của 145 con ngựa trong hố chôn dài 215 mét.

Lăng mộ Tề Cảnh Công ngày nay là bảo tàng ở Trung Quốc.

Lăng mộ Tề Cảnh Công ngày nay là bảo tàng ở Trung Quốc.

Nhiều năm sau, 106 bộ xương ngựa khác được tìm thấy, nâng tổng số hài cốt lên con số 251. Tất cả những con ngựa này đều có độ tuổi từ 5-7.

Đến thời điểm ngừng khai quật vào năm 2003, các nhà khảo cổ phát hiện hơn 600 hài cốt ngựa được chôn trong lăng mộ Tề Cảnh Công, cùng 30 con chó, 2 con lợn và 6 con vật khác.

Những con ngựa này bị hiến tế theo cách cho uống rượu đến mức vô thức rồi đập nát sọ bằng nhiều dụng cụ khác nhau. Những con ngựa được sắp xếp theo các tư thế như đang sẵn sàng lao vào cuộc chiến.

Đây không phải lần đầu tiên các nhà khảo cổ tìm thấy hài cốt ngựa bị hiến tế, nhưng lăng mộ Tề Cảnh Công chứa số lượng hài cốt lớn nhất. 

Khi còn sống, Tề Cảnh Công được cho là rất đam mê ngựa, nên khi chết, người xưa mới chôn theo vua nước Tề số lượng chiến mã lớn đến vậy, như một cách để tôn vinh người đã khuất.

Theo Tân Hoa Xã, các nhà khảo cổ cũng tìm thấy 3.000 cổ vật trong lăng mộ ở những lần khai quật đầu tiên.

Lăng mộ Tề Cảnh Công ngày nay được cải tạo thành bảo tàng, là di tích lịch sử và văn hóa quốc gia của Trung Quốc.

Nguồn: [Link nguồn]

Vị vua Trung Quốc bỏ mạng vì tằng tịu với vợ tể tướng

Chỉ vì háo sắc và có quan hệ bất chính với vợ lẽ của công thần, Tề Trang Công đã lãnh cái chết thảm khốc ngay tại...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Ancient Origins ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN