Hạ viện Mỹ duyệt chi hơn 14 tỷ USD cho Israel, khi nào đến lượt Ukraine?
Hạ viện Mỹ ngày 2/11 đã thông qua dự luật chi ngân sách trị giá 14,3 tỷ USD để hỗ trợ Israel trong cuộc xung đột với phong trào Hồi giáo Hamas.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đã nêu rõ quan điểm ưu tiên hỗ trợ Israel trước, sau đó mới tính đến vấn đề Ukraine.
Dự luật viện trợ 14,3 tỷ USD cho Israel được Hạ viện Mỹ thông qua bằng cách cắt giảm nguồn tiền cho Sở Thuế vụ (IRS). Dự luật nhận được 226 phiếu ủng hộ, 196 phiếu phản đối và 11 nghị sĩ không tham gia bỏ phiếu. Hai nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối dự luật trong khi 12 nghị sĩ đảng Dân chủ ủng hộ dự luật, theo CNN.
Dự luật được Hạ viện Mỹ thông qua một tuần sau khi tân Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson nhậm chức. Với việc thông qua dự luật, Hạ viện Mỹ đang tạo ra sức ép với Thượng viện cũng như chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn Quốc hội Mỹ phê duyệt ngân sách hỗ trợ đồng thời cả Israel và Ukraine. Nhưng Hạ viện ưu tiên duyệt ngân sách hỗ trợ Israel trước.
Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Chuck Schumer, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ, tuyên bố sẽ không phê duyệt dự luật trên.
Phe Dân chủ kiểm soát Thượng viện phản đối dự luật vì không bao gồm ngân sách hỗ trợ Ukraine, cũng như dẫn đến việc cắt giảm nguồn tiền cho Sở Thuế vụ (IRS).
Bất cứ dự luật ngân sách chi tiêu nào ở Mỹ đều cần được Hạ viện thông qua, nhưng cũng cần có sự phê duyệt của Thượng viện và cuối cùng là Tổng thống Mỹ Joe Biden ký thành luật.
Ông Biden ngày 31/10 đã cảnh báo sẽ phủ quyết dự luật chỉ có khoản viện trợ cho Israel mà không có viện trợ cho Ukraine.
"Tôi không đưa ra quyết định này vì mục đích chính trị. Ngân sách hỗ trợ Israel được thông qua vì đây là khoản chi tiêu dễ dàng nhất có thể được phê duyệt", Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson nói trong cuộc họp báo hôm 2/11.
Ông Johnson cam kết Hạ viện sẽ thảo luận vấn đề ngân sách cho Ukraine sau khi hỗ trợ Israel, nhưng cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cần tính tới ngân sách để ổn định an ninh ở biên giới.
"Tiếp đến sẽ là vấn đề Ukraine. Nhưng vấn đề đó sẽ được ràng buộc với ổn định an ninh biên giới. Chúng ta cũng cần để tâm đến biên giới của Mỹ, chứ không chỉ biên giới Ukraine", ông Johnson nói, ám chỉ con đường phía trước còn nhiều chông gai.
Trước mắt, Hạ viện và Thượng viện Mỹ sẽ cần đạt được sự đồng thuận về ngân sách để ngăn chính phủ Mỹ đóng cửa vào ngày 17/11. Ông Johnson nói về khả năng Quốc hội thông qua thêm một dự luật ngân sách tạm thời để chính phủ Mỹ tiếp tục hoạt động đến ngày 15/1/2024.
Nguồn: [Link nguồn]
Cuộc xung đột ở Ukraine đang bước sang giai đoạn mới, trong đó Nga có những ưu thế để củng cố sức mạnh quân sự, tướng Valery Zaluzhnyi, Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine...