Hạ viện Mỹ "chốt" ngày bỏ phiếu viện trợ Ukraine: Điện Kremlin nói sao?
Ông Dmitry Peskov – người phát ngôn Điện Kremlin – cho rằng, cho dù có hỗ trợ Ukraine nhiều bao nhiêu, thì tiền cuối cùng cũng “chảy về túi” Mỹ.
Binh sĩ Ukraine chuẩn bị nã pháo ở vùng Donetsk (ảnh: CNN)
Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 18/4, ông Peskov nói các gói viện trợ mới của Mỹ chỉ khiến tình hình ở Ukraine thêm tồi tệ và không thể thay đổi cục diện chiến trường.
“Do xung đột chính trị nội bộ, Washington đang phải tìm kiếm các cách thức khác nhau để tiếp tục viện trợ cho Ukraine”, ông Peskov nói.
“Nhưng trong mọi trường hợp, bất kể cách thức viện trợ là gì thì mục tiêu của Mỹ vẫn là kích động hơn nữa các hành động thù địch, để Ukraine chiến đấu tới người cuối cùng và rồi tiền vẫn chảy lại về túi Mỹ”, ông Peskov nói.
Theo ông Peskov, Mỹ “không bao giờ quên” lợi ích của chính mình khi hỗ trợ nước khác.
“Trước hết, một phần số tiền sẽ được phân bổ cho tổ hợp công nghiệp – quân sự của Mỹ. Phần còn lại sẽ hoàn về cho Mỹ dưới dạng các khoản thuế”, ông Peskov nói.
“Ukraine không chỉ phải chiến đấu để mang lại lợi nhuận cho Mỹ mà còn phải chiến đấu tới người Ukraine cuối cùng. Nước này đang ngập trong nợ nần”, ông Peskov nói, cáo buộc các gói viện trợ là một phần trong “chính sách thuộc địa ưa thích của Mỹ”.
“Tất cả mọi người đều biết rằng tình hình hiện tại không hề thuận lợi cho Ukraine. Vì vậy, các gói viện trợ này không thể thay đổi bất cứ điều gì”, ông Peskov nói thêm.
Trước đó, hôm 17/4, Chủ tịch Hạ viện Mỹ – ông Mike Johnson – cho biết, ngày 20/4, Hạ viện Mỹ sẽ bỏ phiếu về dự luật viện trợ mới cho Ukraine.
Dự luật viện trợ cho Ukraine trị giá khoảng 60,84 tỷ USD, trong đó, 23,2 tỷ USD sẽ được sử dụng để bổ sung cho kho vũ khí Mỹ, vốn đã hao hụt vì viện trợ Ukraine.
Dự luật cũng bao gồm một điều khoản nói rằng, khoản viện trợ kinh tế cho Ukraine (không phải viện trợ quân sự) phải được hoàn trả cho Mỹ. Đây là yêu cầu của một số nghị sĩ bảo thủ đảng Cộng hòa, đang chiếm đa số ghế tại Hạ viện Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền của ông Biden có thể miễn áp dụng yêu cầu đó, theo Reuters.
Nga hiện kiểm soát khoảng 18% lãnh thổ Ukraine và nắm thế chủ động trên chiến trường. Một số quan chức tình báo phương Tây cho rằng, xung đột ở Ukraine đang ở giai đoạn “bước ngoặt” có thể dẫn tới chiến thắng cho Nga trừ khi Mỹ và đồng minh tăng mạnh hỗ trợ.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson ấn định lịch bỏ phiếu về gói viện trợ cho Ukraine, Israel và các đồng minh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nguồn: [Link nguồn]