Hà Nội cấm xe máy: Kinh nghiệm từ thủ đô Indonesia
Một số thành phố châu Á đã áp dụng lệnh cấm xe máy như Quảng Châu ở Trung Quốc, Yangon của Myanmar hay Jakarta ở Indonesia và họ đều có cách thức riêng.
Thủ đô Jakarta của Indonesia nơi nổi tiếng với mật độ xe máy dày đặc
Trong dự thảo chương trình hiện đại hóa đô thị của Thành ủy Hà Nội công bố ngày 27.6 có định hướng sẽ dừng hoạt động xe máy cá nhân nội đô từ năm 2025. Định hướng đang nhận nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia cũng như người dân về tính khả thi và cách thực hiện.
Thực tế, một số thành phố châu Á đã áp dụng lệnh cấm xe máy trong những năm gần đây, trong đó có thủ đô Jakarta của Indonesia. Hà Nội có thể tham khảo phần nào về cách làm.
Jakarta là nơi nổi tiếng với mật độ xe máy dày đặc và tỉ lệ tử vong cao do tai nạn xe máy. Tính đến năm 2013, xe máy chiếm một lượng lớn trong tổng phương tiện giao thông cá nhân ở Indonesia, khoảng 76,4 triệu xe, trong đó có khoảng 26,4 triệu xe ở thủ đô Jakarta.
Jakarta có khoảng 7.200 km chiều dài đường phố, trong khi độ dài lý tưởng cho lượng xe cộ ở Jakarta phải là 12.000km. Sự gia tăng mạnh mẽ của số lượng xe máy không cân đối với sự gia tăng diện tích đường phố (chỉ 0,01%/năm).
Năm 2013, có khoảng 26,4 triệu xe máy ở thủ đô Jakarta
Theo số liệu năm 2013, cứ mỗi ngày có 2-3 người tử vong do tai nạn xe máy tại Jakarta. Trong giai đoạn từ năm 2008-2013, đã có khoảng 3.000 trường hợp tử vong vì xe máy.
Những người lái xe máy ở thành phố này nổi tiếng với việc lái ẩu. Các khiếu nại của người dân và những người thi hành luật pháp về những người đi xe máy ngược chiều, vượt đèn đỏ, hay lạng lách bừa bãi là khá phổ biến.
Trước tình hình trên, tháng 11 năm 2014, Benjamin Bukit, Phó chánh văn phòng Giao thông vận tải Thủ đô Jakarta đã công bố chính sách cấm xe máy tại một số tuyến đường chính ở thủ đô.
Bukit cho biết thành phố hy vọng chính sách này sẽ khuyến khích người đi xe máy sử dụng các phương tiện công cộng. Giờ hoạt động của xe buýt sẽ được mở rộng và nhiều xe buýt sẽ được bổ sung.
Chính quyền thành phố cho biết lệnh cấm xe máy trong trung tâm thành phố nhằm giảm bớt lượng giao thông ở thủ đô đông đúc và cắt giảm vụ tai nạn giao thông. Điều này cũng giúp tạo đường cho việc thực hiện Đề án Thu phí cầu đường điện tử (ERP) trên một số tuyến đường sầm uất nhất của thủ đô.
Năm 2014, Phó chánh văn phòng Giao thông vận tải Jakarta công bố chính sách cấm xe máy tại một số tuyến đường chính ở thủ đô
Tuy nhiên, chính sách không áp dụng ngay lập tức. Trước đó, một tháng thử nghiệm sẽ giúp người dân Jakarta làm quen với việc “bị cấm”.
Tháng thử nghiệm bắt đầu từ ngày 17.12.2014 đến ngày 17.1.2015. Trong thời gian này, lệnh cấm sẽ được áp dụng 24h/ngày, 7 ngày/tuần tại 2 tuyến đường lớn là Jl. MH Thamrin và Jl. Medan Merdeka Barat.
"Cuộc thử nghiệm là một cách để chúng tôi thông báo cho công chúng về việc cấm xe máy trên những con đường lớn," Benjamin nói.
Lệnh cấm thử nghiệm đã buộc người đi xe máy phải tìm những tuyến đường thay thế khi đi qua trung tâm thành phố. Tổng cộng có 1.700 nhân viên cảnh sát, quân sự và giao thông vận tải được điều động để thực thi lệnh cấm.
Tòa nhà thành phố đã cung cấp 20 xe buýt, trong đó có 10 xe buýt hai tầng để chở những người dân bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm. Chính phủ cũng cho biết rất khó để thay đổi thói quen của người dân, nhưng họ cũng tin tưởng thời gian sẽ giúp người dân sử dụng xe buýt nhiều hơn.
Người đi xe máy bị nhắc nhở trong một tháng thử nghiệm cấm xe máy tại Jakarta
Và bắt đầu từ tháng 2.2015, sau một tháng thử nghiệm, Jakarta đã áp dụng lệnh cấm xe máy. Tuy nhiên, lệnh cấm chỉ áp dụng ở một số khu vực và tuyến đường ở trung tâm thành phố, những nơi có hệ thống giao thông công cộng hiệu quả.
Mặc dù lệnh cấm được dựa trên luật pháp hiện hành, nhưng Jakarta vẫn phải đưa ra một điều luật mới, cho phép phạt những người vi phạm lệnh cấm. Trong 1 tháng thử nghiệm, xe máy bị bắt chỉ bị cảnh báo, nhưng khi lệnh cấm có liệu lực pháp lý, những người vi phạm đều bị phạt tiền.
Trong tháng thử nghiệm, 1.700 nhân viên cảnh sát, quân sự và giao thông vận tải được điều động để thực thi lệnh cấm