'Gót chân Achilles' trong chiến lược quân sự của loạt thành viên NATO
Quân đội của nhiều nước thành viên NATO đang gặp phải một vấn đề vô cùng nghiêm trọng và những nước này đang nỗ lực tìm cách để giải quyết nó.
Kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra, Đức đã tăng hàng tỉ USD chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, trong khi chính phủ tập trung vào việc tăng khí tài, vấn đề nhân sự quốc phòng ít được chú ý.
Quân số nhiều nước thành viên NATO giảm đáng kể
Đức hiện có 181.000 quân nhân đang tại ngũ. Các chỉ huy quân đội Đức cho biết nước này thiếu ít nhất 20.000 binh sĩ để có thể hoàn thành nhiệm vụ đề ra.
Quân đội Đức đối mặt tình trạng thiếu hụt binh sĩ thuộc dạng nhiều nhất ở châu Âu. Tuy nhiên, theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS - Anh), nước Đức không phải là trường hợp duy nhất trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Binh sĩ Czech, Na Uy và Đức tham gia buổi huấn luyện ở Gardelegen (Đức). Ảnh: GETTY IMAGES
Anh đã không đạt được mục tiêu tuyển quân hàng năm trong suốt thập niên qua. Năm 2023, lực lượng trên bộ của nước này đã giảm đi 4.000 binh sĩ.
Lực lượng vũ trang Pháp là lực lượng lớn nhất châu Âu với 203.850 quân nhân cả nam lẫn nữ. Tuy nhiên, số lượng quân nhân Pháp đã giảm 8% kể từ năm 2014 và con số hiện tại vẫn chưa đạt mức mà các chỉ huy quân đội mong muốn.
Tại Ý, quy mô nhân lực quân đội đã giảm từ 200.000 binh sĩ 10 năm trước xuống còn 160.900 binh sĩ trong thời điểm hiện tại.
Trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, việc giảm quân số được xem là điều hợp lý. Song ở một khía cạnh nào đó, các con số về khí tài là thước đo về sức mạnh quân sự. Ngay cả trong các quân đội có công nghệ tiên tiến, số lượng nhân lực lớn và khả năng răn đe cũng rất quan trọng.
Theo ông Camille Grand – thành viên tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR - Đức), ngoại trừ Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, “chúng tôi đã chứng kiến sự thu hẹp lực lượng trên khắp lục địa từ năm này sang năm khác”.
Theo ông Grand, trong thời điểm sự ủng hộ của Mỹ với NATO có phần dao động, việc tuyển thêm binh sĩ là rất cần thiết.
Một người lính nói chuyện với một ứng viên sau kỳ thi tuyển vào quân đội ở Nancy (đông bắc nước Pháp). Ảnh: AFP
Vào năm 2013, ông Nicholas Houghton – lúc đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh – đã cảnh báo về vấn đề mà nước này phải đối mặt do thiếu quân.
Trong bài giảng tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia của Anh, ông Houghton cho biết cơ cấu lực lượng của Anh có nguy cơ trở nên “không kết nối về mặt chiến lược. Trang bị hiện đại nhưng không đủ nguồn lực để vận hành hoặc huấn luyện”.
Kể từ đó, lực lượng quân đội Anh đã giảm 19%, xuống còn khoảng 138.000 người như hiện nay. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Anh hiện nay có ngân sách thực tế lớn hơn khoảng 20% so với năm 2013.
Nguyên nhân và giải pháp
Ông Alessandro Marrone – chuyên gia về các vấn đề quân sự tại tổ chức nghiên cứu Viện Quan hệ Quốc tế Rome (Ý) – cho biết rằng trước đây sự nghiệp quân sự ở Ý “khá cạnh tranh” với các lựa chọn khác trên thị trường việc làm. Nhiều thanh niên Ý cũng sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang.
Nhưng ngày nay, thanh niên Ý có nhiều cơ hội hơn. Họ có thể dễ dàng tìm được những công việc lương cao hơn nhưng vẫn có thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
“Thế hệ trẻ đã quen với việc đi du lịch, du học và tìm kiếm việc làm. Những người có kỹ năng về công nghệ thông tin hoặc công nghệ có thể tìm được việc làm tốt hơn trong khu vực kinh tế tư nhân" – ông Alessandro Marrone, chuyên gia về các vấn đề quân sự tại tổ chức nghiên cứu Viện Quan hệ Quốc tế Rome (Ý).
Năm 2023, Anh cũng điều tra mức độ ảnh hưởng của công việc trong quân đội so với những việc trong khu vực kinh tế tư nhân. Cuộc điều tra cũng đã đưa ra kết luận tương tự.
Ngoài ra, việc một số cơ sở quân sự xuống cấp cũng khiến những người trẻ ở châu Âu không mấy hứng thú với binh nghiệp.
Trong báo cáo thường niên về tình trạng quân đội Đức, ủy viên nghị viện Đức Eva Högl cho biết nhiều doanh trại trên khắp nước này đang trong tình trạng sập xệ. Bà Eva Högl lưu ý rằng ở một số căn cứ, quân nhân thậm chí phải trả tiền WiFi theo giờ.
Ở Anh, hoàn cảnh cũng tương tự. Vào tháng 4, một báo cáo cho biết chất lượng nhà ở tại các căn cứ của Anh khá kém. Các vấn đề dai dẳng và “phổ biến” bao gồm “ẩm ướt và nấm mốc, sự cố về gas, điện và sự xâm nhập của côn trùng gây hại”.
Bà Sarah Atherton – người từng tham gia quản lý các lực lượng vũ trang Anh – cho biết Bộ Quốc phòng Anh đang cố gắng thay đổi mọi thứ.
“Tiền ở đó. Các vấn đề đã được nêu ra và những lời chỉ trích đã được đón nhận. Nhưng tôi không có ảo tưởng. Các nước NATO cũng ở trong tình trạng tương tự như chúng tôi và có lẽ còn tệ hơn nữa” – bà Athreton nói.
Binh sĩ Lực lượng Vệ binh Quốc gia Na Uy tham gia cuộc tập trận ở Alta (Na Uy). Ảnh: AFP
Tuy nhiên, các nước đang bắt đầu tìm ra cách.
Vào mùa xuân năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho rằng để giải quyết tình trạng thâm hụt quân số, Đức cần phải xem xét một số hình thức bắt buộc.
Chính phủ Đức đề xuất kế hoạch gửi một bảng câu hỏi tới tất cả nam thanh niên Đức 18 tuổi – khoảng 400.000 người mỗi năm – để kiểm tra xem họ có sẵn sàng gia nhập quân đội không và khảo sát các kỹ năng của họ. Bộ Quốc phòng Đức hy vọng qua bảng câu hỏi này, họ có thể chọn ra những ứng viên tiềm năng để nhập ngũ.
Hà Lan gần đây cũng đã đưa ra ý tưởng về mô hình tuyển quân kết hợp. Năm 2025, họ dự kiến phát hành bảng câu hỏi để tìm ra những ứng viên phù hợp cho lực lượng quân sự.
Theo Financial Times, những ý tưởng trên bắt nguồn từ cách tuyển quân của Thụy Điển và Na Uy. Theo đó, hai nước này đề ra tiêu chuẩn cao đối với quân nhân nhập ngũ. Điều này dẫn đến kết quả là ở Na Uy chỉ có 14% người dân đủ điều kiện được phục vụ trong quân đội và con số này ở Thụy Điển chỉ có 4%.
Các cuộc khảo sát cho thấy những tiêu chuẩn cao này khiến việc phục vụ trong quân đội ở Na Uy và Thụy Điển là những công việc uy tín và đáng ao ước.
Bên cạnh quân số, kỹ năng quân nhân cũng dần báo động Theo ông Ben Barry – thành viên cấp cao tại IISS, việc tập trung vào ngân sách tăng cường và các chương trình mua sắm ấn tượng giúp có lợi về mặt chính trị, nhưng việc không nhiều quân đội tập trung vào việc gia tăng quân số là đáng báo động. Ngoài việc quân số nói chung giảm, những quân nhân có kỹ năng quan trọng và công tác ở bộ phận quân y, truyền thông, kỹ thuật và an ninh mạng cũng đang có dấu hiệu giảm. Đây chính là những vị trí mà các quân đội châu Âu cần nhất. “Một khi bạn bắt đầu giải quyết vấn đề về những con số này, bạn sẽ thấy rằng sau mỗi cánh cửa, lại có một cánh cửa khác có vấn đề đằng sau nó” – ông Christian Mölling, quản lý của trung tâm an ninh và quốc phòng tại tổ chức nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Đức, cho biết. |
Nguồn: [Link nguồn]
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, ứng viên tranh cử tổng thống năm 2024, được cho là cân nhắc khả năng tìm kiếm thỏa thuận với Nga về khả năng không mở rộng liên minh quân sự NATO tới Ukraine và Gruzia.