Gốc rễ cuộc đối đầu gần 45 năm giữa Iran và Israel
Cuộc đối đầu tôn giáo và ý thức hệ ngày càng khiến Israel và Iran thêm thù hận.
Sự thù địch về ý thức hệ là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến căng thẳng Israel - Iran. Ảnh minh họa
Căng thẳng tôn giáo, thù địch ý thức hệ
Theo tổ chức tư vấn Stimson Center (Mỹ), sự đối đầu về tôn giáo và thù địch về ý thức hệ là nguyên nhân sâu xa khiến mối quan hệ của Israel và Iran xấu đi nghiêm trọng.
Mối quan hệ Israel - Iran phần lớn đi xuống kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, khi chính quyền Hồi giáo mới của Iran đi theo đường lối kết hợp giữa chống đế quốc và chủ nghĩa bài Do Thái. Israel bị xem như tiền đồn thuộc địa của phương Tây và chủ nghĩa Phục quốc Do Thái ở Israel là một phiên bản của chủ nghĩa đế quốc.
Iran cáo buộc Israel là một quốc gia "bất hợp pháp" đã chiếm các vùng đất của người Hồi giáo và người Ả Rập, đồng thời cũng đuổi người Palestine khỏi quê hương. Tehran cũng tin rằng Israel nên bị thay thế bằng một nhà nước phi tôn giáo, trong đó người Hồi giáo và người Do Thái sống bình đẳng.
Một số quan chức Iran bày tỏ quan điểm trên theo cách mà người Israel cho là mối đe dọa với sự tồn tại của Israel. Cựu Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad từng nói về việc xóa Israel khỏi các trang lịch sử.
Một số hoạt động của Iran ở Trung Đông kể từ cuộc cách mạng năm 1979 ở nước này được cho là xuất phát từ đường lối thù địch với Israel, như việc ủng hộ thành lập lực lượng Hezbollah ở Lebanon sau khi Israel tấn công Lebanon năm 1982. Cũng có những vụ ám sát ngầm, tấn công "ăn miếng trả miếng" của Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này với Israel.
Trong khi đó, Israel coi sự tồn tại của Iran là mối đe dọa trực tiếp với an ninh quốc gia của Israel với việc Tehran xây dựng lực lượng ủy nhiệm nhằm bao vây, cô lập Israel.
Khác biệt về tôn giáo cũng khắc sâu sự thù hận giữa Iran và Israel. Theo tổ chức tư vấn Stimson Center, người Hồi giáo (gồm những người theo dòng Shiite ở Iran cũng như những người theo dòng Sunni của lực lượng Hamas và người Palestine) tỏ ra phẫn nộ với quyết định của chính phủ cánh hữu Israel khi cho phép những người theo chính thống giáo Do Thái tiến vào nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa (Đông Jerusalem) - địa điểm linh thiêng thứ 3 của Hồi giáo.
Họ cho rằng những người Do Thái muốn phá bỏ nhà thời Hồi giáo Al-Aqsa và xây dựng một ngôi đền Do Thái trên vùng đất mà người Hồi giáo gọi là Thánh địa, còn người Do Thái gọi là Núi Đền. Người Hồi giáo cho rằng Israel không có chủ quyền ở Đông Jerusalem.
Israel luôn cho rằng nước này có chủ quyền với Jerusalem căn cứ vào thực tế. Năm 1948, nước này kiểm soát Tây Jerusalem sau chiến tranh Ả Rập - Israel (Israel giành phần thắng). Năm 1967, Israel chiếm đóng Đông Jerusalem sau cuộc chiến với Jordan, Ai Cập và Syria.
Năm 1980, Israel thông qua "Luật Jerusalem", tuyên bố "Jerusalem thống nhất là thủ đô của Israel", chính thức hóa việc sáp nhập Đông Jerusalem. Đáp lại, Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết 478 năm 1980, tuyên bố luật này "vô hiệu".
Năm 2017, ông Donald Trump - khi đó là Tổng thống Mỹ - đã công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Động thái này của ông Trump được Israel khen ngợi, nhưng bị Palestine phản đối và gây tranh cãi trong các đồng minh phương Tây.
Vấn đề Palestine
Người Palestine ở dải Gaza. Ảnh: Getty
Theo trang Special Eurasia, kể từ năm 1979, Iran là nước ủng hộ chính cho Palestine.
Sau vụ tấn công ngày 7/10/2023 của Hamas vào Israel khiến hơn 1.100 người thiệt mạng và hàng trăm người bị bắt làm con tin, quân đội Israel đã mở cuộc tấn công chưa từng có vào dải Gaza và áp đặt lệnh bao vây ở đây.
Cuộc tấn công của Israel vào dải Gaza được cho là đã khiến hơn 18.000 người Palestine thiệt mạng và đến nay cuộc tấn công vẫn chưa dừng lại.
Trong nỗ lực đạt được lệnh ngừng bắn, Lãnh đạo tối cao Iran Ali Hosseini Khamenei nhiều lần kêu gọi các quốc gia Hồi giáo ngừng xuất khẩu dầu và thực phẩm sang Israel để gây sức ép, yêu cầu chấm dứt bắn phá ở Gaza.
Vào ngày 29/11/2023, trong thông điệp gửi tới Liên Hợp Quốc vào ngày Quốc tế Đoàn kết với Nhân dân Palestine, Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã nhắc lại sự "ủng hộ kiên định" của dân tộc Iran đối với việc thực hiện nguyện vọng của người Palestine.
Iran cũng đặt mục tiêu giải quyết “vấn đề Palestine” thông qua khuôn khổ pháp lý và gửi sáng kiến đề xuất lên Liên Hợp Quốc.
Ayatollah Ruhollah Khomeini, nhà lãnh đạo Cách mạng Hồi giáo Iran. Ảnh: Britanica
Theo cách nhìn của Ayatollah Ruhollah Khomeini, nhà lãnh đạo Cách mạng Hồi giáo Iran, người Palestine tượng trưng cho một dân tộc đang phải chịu đựng sự áp bức bất công ở mức tương tự như những gì người Iran phải chịu trước cuộc cách mạng Iran năm 1979.
Theo NDTV, sau khi Đế chế Ottoman bị đánh bại trong Thế chiến I, Anh đã giành được quyền kiểm soát Palestine, nơi sinh sống của cộng đồng người Ả Rập (đa số) và cộng đồng Do Thái (thiểu số).
Cộng đồng quốc tế giao nhiệm vụ cho Anh thành lập quê hương của người Do Thái ở Palestine, điều này làm gia tăng căng thẳng giữa 2 nhóm.
Trong thập niên 20 và 40 của thế kỷ 20, số lượng người Do Thái đến Palestine tăng đáng kể do nhiều người Do Thái phải chạy trốn sự đàn áp ở châu Âu và tìm kiếm một mảnh đất quê hương sau nạn diệt chủng người Do Thái Holocaust.
Căng thẳng giữa người Do Thái và người Ả Rập, cũng như sự phản kháng nhằm vào người Anh ngày càng gia tăng.
Sau khi Anh chấm dứt quyền kiểm soát lãnh thổ Palestine năm 1947, 11 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, bao gồm cả Iran dưới sự cai trị của chế độ quân chủ Pahlavi, được giao nhiệm vụ xác định tương lai của Palestine.
Mặc dù Iran là quốc gia có đa số người Hồi giáo thứ 2 chính thức công nhận Israel (sau khi nước này thành lập năm 1948) và duy trì mối quan hệ quan trọng với Israel trong thời kỳ quân chủ, nhưng Tehran đã bỏ phiếu phản đối kế hoạch phân chia của Liên Hợp Quốc với Palestine vào năm 1947.
Theo kế hoạch, vùng đất Palestine được phân chia thành 2 nhà nước, một cho người Ả Rập Palestine và một cho người Do Thái (Israel), trong khi thánh địa Jerusalem được đặt dưới sự quản lý quốc tế. Israel đồng ý với sự phân chia này, nhưng người Ả Rập Palestine phản đối.
Giới lãnh đạo Iran nhận thấy việc tán thành kế hoạch phân chia này sẽ gieo mầm mống bạo lực khu vực kéo dài cho các thế hệ tương lai. Họ thấy trước rằng kế hoạch đề xuất sẽ làm gia tăng xung đột hơn là đưa ra một giải pháp bền vững.
Năm 1948, Israel được thành lập, đánh dấu một năm được quốc tế gọi là "Nakba" (thảm họa) với người Palestine.
Theo dữ liệu của trang Special Eurasia, ít nhất 750.000 người Palestine bị quân đội Israel bắt phải rời khỏi nhà cửa và đất đai. Israel kiểm soát 78% diện tích của lãnh thổ Palestine. Hơn 20% diện tích còn lại được chia thành Bờ Tây (khu vực hiện cũng bị Israel chiếm đóng) và Dải Gaza (đang bị Israel bao vây).
Ngoài việc kiểm soát các thành phố lớn, khoảng 530 ngôi làng của người Palestine đã bị Israel phá hủy và khoảng 15.000 người Palestine đã thiệt mạng trong các vụ tấn công.
Người dân Iran biểu tình bày tỏ tình đoàn kết với người Palestine. Ảnh: Reuters
Iran có điểm tương đồng với người Palestine khi từng "nếm trải" chủ nghĩa đế quốc Anh vào đầu thế kỉ 20. Khi đó, đế quốc Anh tìm cách kiểm soát dầu mỏ và tài nguyên của Tehran, cũng như duy trì ảnh hưởng chiến lược trong khu vực. Ngoài ra, Iran có đa số là người Hồi giáo dòng Shiite, một nhánh thiểu số của Hồi giáo từng phải đối mặt với sự đàn áp nghiêm trọng từ các quốc gia Hồi giáo dòng Sunni.
Đáp lại các cáo buộc, phía Israel thường đưa ra các lí do sau giải thích cho hành động của mình:
- An ninh quốc gia: Israel cho rằng việc kiểm soát các khu vực của Palestine là cần thiết để bảo vệ an ninh của nước họ. Họ đối mặt với các mối đe dọa từ các nhóm vũ trang và một số tổ chức mà họ coi là "khủng bố" hoạt động trong khu vực này, và do đó cần duy trì kiểm soát để ngăn chặn các cuộc tấn công và bảo vệ người dân Israel.
- Quyền tự vệ: Israel thường đề cập đến quyền tự vệ của mình khi giải thích việc thực hiện kiểm soát tại các khu vực Palestine. Họ cho rằng việc thực hiện các biện pháp an ninh và quản lý khu vực này là cần thiết để đảm bảo an toàn và sự bình yên cho người dân Israel.
- Liên quan đến lịch sử và văn hóa: Một số người Israel lập luận rằng các khu vực này có ý nghĩa lịch sử và văn hóa đối với Israel, và do đó việc duy trì kiểm soát là cần thiết để bảo vệ các lợi ích lịch sử và văn hóa đó.
Tuy nhiên, quan điểm này cũng vấp phải nhiều tranh cãi, vì nhiều người cho rằng việc kiểm soát có thể gây ra vi phạm quyền con người và đối xử không công bằng đối với dân Palestine.
Nguồn: [Link nguồn]
Với việc Iran đe dọa triển khai "vũ khí chưa từng sử dụng trước đây" để tấn công Israel, câu hỏi về vũ khí hạt nhân đang đè nặng lên Trung Đông.