Giữa xung đột Nga - Ukraine, hơn 30.000 người Do Thái vẫn đổ tới một thành phố Ukraine
Thành phố Uman, cách nơi diễn ra giao tranh ác liệt giữa quân đội Nga và Ukraine khoảng 300km và từng hứng vài quả tên lửa, vẫn thu hút hàng chục nghìn người Do Thái đổ về trong năm nay.
Một người Do Thái hành hương về thành phố Uman, nơi có mộ của giáo sĩ Rabbi Nachman - người sáng lập Breslav, một nhánh của Do Thái giáo. Ảnh: Al Jazeera
Al Jazeera ngày 17/9 đưa tin, David Meinhart, người Mỹ gốc Do Thái, tự tin rằng ông đang đến nơi an toàn nhất thế giới.
Ông Meinhart, 62 tuổi, đang ở Uman, thành phố miền trung Ukraine, nơi hàng năm đón tiếp hàng chục nghìn người Do Thái hành hương nhân dịp Rosh Hashanah - Năm mới của người Do Thái.
Năm nay, hơn 30.000 người Do Thái đã tới Uman, ngay cả khi giao tranh ác liệt giữa Nga và Ukraine vẫn diễn ra cách đó khoảng 300km về phía nam và Uman từng hứng chịu vài quả tên lửa hành trình.
Xung đột ở Ukraine không khiến những người Do Thái ngừng đổ về nơi có mộ của Rabbi Nachman, giáo sĩ sáng lập Breslav - một nhánh của Do Thái giáo. Những người Do Thái tin rằng, năm mới sẽ ngập tràn may mắn nếu họ đón đêm giao thừa gần mộ của giáo sĩ này.
"Người Do Thái là những người đã sống và vượt qua sự đàn áp, chiến tranh cũng như nguy hiểm trong hàng nghìn năm", ông Meinhart nói.
Lịch sử của gia đình Meinhart đã chứng minh câu nói này. Bố của ông chuyển tới Mỹ từ Đức trước Thế chiến II và chiến đấu với Đức Quốc xã, chế độ gây ra các cuộc thảm sát người Do Thái.
Meinhart, chào đời ở Mỹ nhưng sau đó chuyển đến Jerusalem (Israel) 40 năm trước để gia nhập cộng đồng Do Thái giáo. Ông có 9 người con.
Năm nay, Meinhart đến thành phố Uman cùng các con trai. Việc để vợ và các con gái ở nhà là để đề phòng nguy cơ từ cuộc xung đột.
"Tôi có thể đưa vợ và các con gái đi cùng nhưng tôi không làm thế", người đàn ông 62 tuổi nói.
Đám đông người Do Thái tập trung cầu nguyện ở thành phố Uman. Ảnh: Al Jazeera
Một số phụ nữ Do Thái vẫn tới Uman bất chấp các nguy cơ từ xung đột ở Ukraine. "Không có gì đáng sợ cả", Rachel, người Pháp gốc Do Thái 25 tuổi, chia sẻ
Rachel cho rằng chuyến đi sẽ thay đổi cuộc sống của mọi người, khiến nó tốt đẹp hơn.
"Mọi người sẽ không trở lại đây nếu những điều tích cực không xảy ra với họ", cô gái 25 tuổi chia sẻ khi đang ở Uman.
Những người Do Thái hành hương về Uman, thường dành từ 2 đến 7 ngày ở đây, đã "biến đổi" thành phố tẻ nhạt và nghèo khó này.
Họ tràn ra các đường phố dẫn đến mộ của bậc thầy Nachman và trả hàng trăm USD để có một chiếc giường đơn. Một số người khác còn dựng lều bên cạnh các tòa chung cư hoặc gara.
Các quán ăn tự phục vụ và cửa hàng bán đồ ăn nhanh dọc đường có trưng các biển hiệu bằng tiếng Do Thái và cam kết phục vụ "kosher" - thực phẩm đáp ứng đầy đủ quy định của luật Kashrut của người Do Thái. Luật Kashrut quy định chi tiết các loại thực phẩm mà người Do Thái được phép ăn và bị cấm ăn, thậm chí quy định cả cách thức giết mổ và cách ăn.
Những người Do Thái hành hương thường mặc áo choàng trắng hoặc đen, tết tóc hoặc để râu dài, đội mũ lông. Vào ngày 16/9, họ để những cốc cà phê rỗng và đĩa nhựa trên mặt đất hoặc trên bàn. Họ nói chuyện rôm rả với nhau và cầu nguyện bằng tiếng Do Thái. Không khí rất tưng bừng.
Hàng chục nghìn người Do Thái hành hương về Uman giúp thành phố buồn tẻ trở nên sôi động. Ảnh: Guaridan
Số lượng người hành hương quá đông và đi thành các nhóm lớn đôi khi buộc người dân địa phương phải nhường đường. Nhiều người dân địa phương không hài lòng về việc này.
"Tư duy của chúng tôi khác nhau", Boris, một tình nguyện viên người Ukraine gốc Do Thái, thừa nhận. Boris thường giúp cảnh sát Uman và người dân địa phương hòa giải các xung đột nhỏ với người hành hương.
"Nếu không có chúng tôi, cảnh sát Uman sẽ gặp khó khăn vì họ không nói được tiếng Do Thái hoặc tiếng Anh", Boris nói.
Hầu hết người dân Uman chào đón người Do Thái hành hương và dòng tiền mặt họ mang đến cho Ukraine, một quốc gia mà Al Jazeera đánh giá là nằm trong nhóm khó khăn nhất châu Âu khi kinh tế bị suy giảm 1/3 vì xung đột.
"Có những mâu thuẫn nhỏ lẻ nhưng chúng được bù đắp bằng cơ hội kiếm tiền", Aleks Melnik, người dân thành phố Uman, cho hay.
Melnik chỉ không hài lòng về các biện pháp an ninh cứng nhắc ở Uman, tình trạng tham nhũng bị cho là tràn lan ở Ukraine và cách thức không minh bạch mà chính quyền chi tiêu khoản thanh toán bắt buộc 200 USD (gần 5 triệu đồng) từ mỗi người Do Thái hành hương.
Melnik, 42 tuổi, cho biết ông phải xuất trình thẻ căn cước cho cảnh sát kiểm soát trên đường và không được phép lái xe trên đường phố trừ khi phải hối lộ 100 USD (khoảng 2,4 triệu đồng).
Đại sứ Ukraine tại Israel đã đưa ra cảnh báo để đáp trả cáo buộc đồng minh của Mỹ trục xuất người Ukraine.
Nguồn: [Link nguồn]