Giữa lúc căng thẳng, tuần duyên Hy Lạp nổ súng vào tàu đi gần đảo Thổ Nhĩ Kỳ
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, không có thương vong trong vụ việc tàu tuần duyên Hy Lạp nổ súng vào một tàu chở hàng di chuyển gần đảo Bozcaada (Thổ Nhĩ Kỳ), ngoài khơi biển Aegean.
Một tàu tuần duyên Hy Lạp trên biển Aegean (ảnh: Aljazeera)
Hôm 11/9, lực lượng tuần duyên Thổ Nhĩ Kỳ thông báo, tàu tuần duyên Hy Lạp đã bắn vào tàu chở hàng Anatolian mang cờ Comoros (đảo quốc ở châu Phi). Vụ việc xảy ra hôm 10/9, cách đảo Bozcaada của Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 20 km về phía tây nam.
“Sau hành động gây rối của tàu tuần duyên Hy Lạp, lực lượng tuần duyên Thổ Nhĩ Kỳ đã tới và yêu cầu tàu Hy Lạp rời đi”, thông báo cho hay.
Cùng ngày 11/9, lực lượng tuần duyên Hy Lạp xác nhận họ đã bắn cảnh cáo vào một con tàu “đáng ngờ” di chuyển gần đảo Lesbos (Hy Lạp).
Lực lượng tuần duyên Hy Lạp cho biết họ thường xuyên điều tàu tuần tra ở vùng biển Aegean. Đây là khu vực được nhiều chủ tàu chọn để đưa người di cư vượt biên trái phép từ Thổ Nhĩ Kỳ đến các nước thuộc EU như Hy Lạp và Italia. Phía Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định Anatolian là tàu chở hàng.
Trước đó, nhiều hãng tin ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đưa tin, tàu Anatolian bị bắn khoảng 10 phát súng cảnh cáo. Một thủy thủ trên tàu đã báo cho lực lượng tuần duyên Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng họ bị tàu Hy Lạp tấn công.
“Vụ nổ súng nhằm vào tàu Anatolian là hành động bất chấp các quy tắc của luật pháp quốc tế”, lực lượng tuần duyên Thổ Nhĩ Kỳ cho hay.
Tàu Anatolian có 18 thành viên thủy thủ đoàn, bao gồm 6 người Ai Cập, 4 người Somalia, 5 người Azerbaijan và 3 người Thổ Nhĩ Kỳ. Con tàu hiện đang neo ở cảng Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ, Anadolu (hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ) cho hay.
Theo giới chức Hy Lạp, thuyền trưởng của tàu Anatolian đã từ chối cho lực lượng tuần duyên của Hy Lạp lên tàu kiểm tra. Đây được cho là nguyên nhân dẫn đến vụ nổ súng.
Vụ nổ súng trên biển Aegean có thể khiến căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp gia tăng, theo Aljazeera.
Vài tuần gần đây, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ liên tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm không phận. Ankara cho rằng, Athens đã “chiếm đóng” một số hòn đảo trên biển Aegean và đe dọa máy bay Thổ Nhĩ Kỳ bằng hệ thống phòng không S-300. Hy Lạp bác bỏ tuyên bố trên.
Tuần trước, Hy Lạp đã gửi văn bản cho NATO, EU và Liên hợp quốc. Hy Lạp yêu cầu các tổ chức này lên án những phát ngôn “gây hấn” của Thổ Nhĩ Kỳ và cảnh báo nguy cơ xung đột giữa 2 nước thành viên NATO.
Nguồn: [Link nguồn]
Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phản ứng nếu Hy Lạp tiếp tục có các hành động khiêu khích trên biển Aegea, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cảnh báo.