Giữa căng thẳng với Nga, quốc gia Đông Âu bổ nhiệm Thủ tướng thân phương Tây

Động thái được quốc gia từng thuộc Liên Xô đưa ra trong bối cảnh nước này đối mặt với hàng loạt cuộc khủng hoảng kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine. 

Tân Thủ tướng Moldova Dorin Recean tuyên thệ nhậm chức tại dinh tổng thống ngày 16/2. Ảnh: EPA

Tân Thủ tướng Moldova Dorin Recean tuyên thệ nhậm chức tại dinh tổng thống ngày 16/2. Ảnh: EPA

Theo Guardian, Tổng thống Moldova Maia Sandu ngày 15/2 đã ký một sắc lệnh bổ nhiệm một chính phủ mới do Thủ tướng Dorin Recean đứng đầu. Sắc lệnh này đã được quốc hội thông qua trước đó.

Ông Recean, 48 tuổi, được Tổng thống Sandu đề cử thay thế bà Natalia Gavrilita - người từ chức vào tuần trước trong bối cảnh Moldova đối mặt hàng loạt cuộc khủng hoảng kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. 

Tân Thủ tướng Moldova được xem là nhà lãnh đạo thân phương Tây. Phát biểu trước quốc hội, ông Recean nói rằng chương trình của chính phủ mới dựa vào sự phát triển của nền cộng hòa theo định hướng của Tổng thống và đảng cầm quyền. 

Trong số các ưu tiên của chính phủ mới, ông Recean nhấn mạnh 2 vấn đề chính là hội nhập với EU và phát triển kinh tế. Tân Thủ tướng Moldova cho biết nước này cần phải mở rộng quan hệ với Mỹ và bày tỏ ý định ủng hộ Ukraine. 

Trước khi bổ nhiệm Thủ tướng, Tổng thống Moldova Maia Sandu nhiều lần cáo buộc Nga gây bất ổn cho nước này. Gần nhất, bà Sandu cáo buộc Moscow muốn lật đổ giới lãnh đạo Moldova. Nga đã bác bỏ cáo buộc này. 

Moldova, quốc gia ở Đông Âu từng thuộc Liên Xô, đang phải đối mặt với nhiều vấn đề. Không phận Moldova tạm thời phải đóng cửa sau khi giới chức nước này phát hiện một vật thể bay không xác định gần thị trấn Soroca ở miền bắc đất nước và nhiều mảnh vỡ tên lửa bay sang từ Ukraine.  

Tỷ lệ lạm phát hiện tại ở Moldova là 30% - mức cao nhất ở châu Âu. Mức lương trung bình hàng tháng ở nước này là 9.900 MDL (khoảng hơn 12 triệu đồng). Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, 44% người tham gia khảo sát lo lắng về xung đột ở Ukraine, trong khi 48% lo ngại về giá cả tăng vọt. 

Trước năm 2022, Moldova chủ yếu nhập khẩu khí đốt và điện từ Nga và Transnistria - một khu vực ly khai ở phía đông Moldova. Khi hai nguồn cung này bị cắt giảm vào năm ngoái, chính phủ Moldova đã mua năng lượng từ phương Tây với mức giá cao hơn. Hóa đơn năng lượng đã tăng 600% kể từ đó. 

Với sự viện trợ tài chính của châu Âu và Mỹ, Moldova đã có thể trợ cấp một phần hóa đơn năng lượng cho người dân. Tuy nhiên, bất ổn chính trị vẫn xảy ra ở quốc gia này. Các đảng phái thân Nga đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình, cáo buộc chính phủ Moldova tham nhũng và quản lý yếu kém. Moldova đã phải tăng cường các cuộc tuần tra của cảnh sát để đảm bảo an ninh.

Nguồn: [Link nguồn]

Ba Lan bị Ủy ban châu Âu đưa ra tòa

Động thái của Ủy ban châu Âu được đưa ra liên quan tới chương trình cải cách tư pháp của Ba Lan, vốn bị coi là "mối đe dọa" tới nguyên tắc pháp quyền của Liên minh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Guardian, TASS ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN