‘Giọt nước tràn ly’ khiến Hong Kong khủng hoảng
Hong Kong đang rơi vào tình trạng khủng hoảng chưa từng có kể từ khi được Vương quốc Anh trao trả về cho Trung Quốc.
TS Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, người từng có thời gian dài sinh sống và nghiên cứu tại Hong Kong, nhận định dự luật dẫn độ tội phạm Hong Kong sang nơi khác, trong đó có Trung Quốc đại lục, là một giọt nước tràn ly khiến hàng triệu người dân Hong Kong tức giận. Cuộc biểu tình lớn chưa từng có trong lịch sử Hong Kong suốt nhiều thập niên qua là phương tiện mà người Hong Kong muốn chuyển đi thông điệp: Họ hoàn toàn không hài lòng khi chính quyền Hong Kong để đặc khu này quá phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Sau 156 năm thuộc Anh, Hong Kong chính thức được trao trả cho Trung Quốc vào ngày 1-7-1997. Bằng đó thời gian dưới sự cai quản của Anh quốc, Hong Kong chịu ảnh hưởng và kế thừa văn hóa chính trị lẫn lập trường tự do đậm chất phương Tây: Họ muốn tự do ngôn luận, hội họp, tư pháp, biểu tình... Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của Trung Quốc đại lục tại đặc khu Hong Kong là không thể tránh khỏi, nhất là khi Trung Quốc đã và đang phát triển một hệ thống chính trị đặc thù, có nhiều sự khác biệt với Hong Kong.
Ngoài ra, thất bại trong việc đảm bảo một hệ sinh thái cân bằng cho người giàu và người nghèo cũng là lý do cho khủng hoảng lần này. Giá nhà, đất, thực phẩm... đều đắt đỏ. Theo ông Nguyễn Thành Trung, thế hệ trẻ ở Hong Kong bi quan về tương lai khi hầu hết sự thịnh vượng nằm trong tay những nhà đại tư bản thân hữu Trung Quốc đại lục. Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng rất nhiều thanh niên Hong Kong phải đau đầu: Khi nào họ mới đủ tiền mua một căn nhà?
Dường như chính quyền Hong Kong quá chủ quan, thậm chí lơ là trước các nỗi bức xúc tích tụ của người dân Hong Kong, nhất là người trẻ - thế hệ muốn xây dựng một chính quyền Hong Kong khác với nhà lãnh đạo Carrie Lam. Chọn những nơi trọng yếu như tòa nhà lập pháp, Văn phòng Liên lạc Bắc Kinh hay gần nhất là sân bay Hong Kong là cách người dân chuyển thông điệp của mình đến ba đối tượng.
Thứ nhất là chính quyền Hong Kong: Nữ lãnh đạo Carrie Lam phải xóa bỏ dự luật dẫn độ, xa hơn là đảm bảo chất lượng cuộc sống người dân đặc khu. Nhóm tư bản thân Bắc Kinh phải được kiểm soát, tránh thao túng hệ thống xã hội Hong Kong.
Thứ hai là chính quyền Bắc Kinh: Người biểu tình muốn Trung Quốc đại lục tôn trọng sự tự do của Hong Kong trong khuôn khổ “một quốc gia, hai chế độ”. Tuy nhiên, mới đây Bắc Kinh lên tiếng chỉ trích biểu tình Hong Kong có dấu hiệu “khủng bố” cho thấy chính phủ Trung Quốc sẽ không nhượng bộ.
Có lẽ vì thế mà người Hong Kong nhắm đến lực lượng thứ ba: Dư luận quốc tế, đặc biệt khi họ chọn sân bay làm nơi biểu tình. Dù Trung Quốc không muốn bất kỳ quốc gia nào tham gia vào chuyện nội bộ của nước này nhưng chắc chắn người biểu tình sẽ còn dùng nhiều biện pháp để tìm kiếm sự ủng hộ từ bên ngoài.
Video quay cảnh biển người biểu tình Hong Kong (Trung Quốc) mở đường cho xe cứu thương làm nhiệm vụ được lan truyền chóng...