Giới siêu giàu Trung Quốc mất ăn mất ngủ
Thời gian gần đây, giới siêu giàu Trung Quốc đang rơi vào tình trạng "mất ăn mất ngủ".
Sau khi chiến dịch tái phân phối tài sản trong xã hội của Chủ tịch Tập Cận Bình đạt được nhiều thành tựu, giới thượng lưu đã chuyển sang thế phòng thủ để bảo vệ tài sản, bao gồm xóa hết các tài khoản mạng xã hội và chuyển tiền đi khắp nơi để tránh cơn bão tiếp theo.
Giới siêu giàu Trung Quốc hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh và những chính sách nới lỏng với tài sản cá nhân nhiều năm qua. Trong năm 2021, Trung Quốc tạo ra 1 tỉ phú mới mỗi tuần, nâng tổng số tỉ phú USD của nước này lên hơn 750 người. Con số này nhiều hơn cả Ấn Độ, Nga và Đức gộp lại và chỉ ít hơn con số 830 người của Mỹ, theo ước tính của hãng tin Bloomberg.
Nay, thời thế đã thay đổi. Dù các quan chức chính phủ trấn an người dân rằng "thịnh vượng chung" không có nghĩa là "lấy của người giàu" nhưng những đơn vị quản lý tài sản nhận định việc đẩy mạnh thu hẹp khoảng cách giàu nghèo đã đánh động tầng lớp thượng lưu.
Giới siêu giàu Trung Quốc đang "mất ăn mất ngủ" vì chính sách thịnh vượng chung của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: Bloomberg
Mối lo ngại chủ yếu của họ là sự không chắc chắn về những gì sẽ được thực thi và chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Đến nay, Bắc Kinh đã áp dụng giới hạn với hàng loạt ngành công nghiệp. Giới chức trách cũng đang cân nhắc những chính sách thuế tài sản mới.
Echo Zhao, một chuyên gia chuyên tư vấn cho những người giàu có ở Thượng Hải, nhận xét: "Một vài năm trước, mọi người chỉ quan tâm đến việc đầu tư". Hiện tại, họ không còn mặn mà với cơ hội mới nữa.
Bước đầu tiên chỉ đơn giản là tránh những chú ý không mong muốn, đặc biệt là trên mạng xã hội. Ông Wang Xing, người sáng lập công ty giao đồ ăn Meituan, đã mất 2,5 tỉ USD vì một bài đăng bị cho là chỉ trích chính phủ trên mạng xã hội. Nữ diễn viên Trịnh Sảng bị điều tra vì trốn thuế và phải trả 299 triệu nhân dân tệ (46 triệu USD) sau khi bê bối mang thai hộ lan truyền trên mạng xã hội.
Giới siêu giàu Trung Quốc đã chuyển từ kiếm tiền sang bảo vệ tài sản. Ảnh: Bloomberg
Một người tư vấn cho giới siêu giàu Trung Quốc cho biết ngoài việc “rời xa” các trang mạng xã hội, nhiều khách hàng của ông còn từ chối phỏng vấn và đóng góp tiền từ thiện qua công ty thay vì lấy danh nghĩa cá nhân.
Từ nhiều năm nay, tình trạng giới siêu giàu Trung Quốc chuyển tiền ra nước ngoài không phải là hiếm. Tuy nhiên, những quy định nghiêm ngặt đã giới hạn người dân chỉ được sở hữu 50.000 USD ngoại tệ mỗi năm, vì vậy giới nhà giàu phải tìm cách khác để trữ tiền ở nước ngoài.
Những quy định mới và đại dịch Covid-19 đã khiến việc này trở nên khó khăn hơn. Việc đóng cửa biên giới và các chính sách phong tỏa đã hạn chế giới siêu giàu rời khỏi Trung Quốc với những chiếc vali chứa đầy tiền. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng cấm người dân giao dịch tiền điện tử, một công cụ phổ biến mới để chuyển tiền ra nước ngoài.
Do các vấn đề trên, nhu cầu “chuyển tiền ngầm” đang dần gia tăng và kéo theo chi phí. Một số khách hàng phàn nàn về phí chuyển tiền đã lên đến 20% thay vì ở mức một con số như trước.
Ảnh: CNBC
Hiện Trung Quốc chưa đánh thuế thừa kế nhưng giới thượng lưu lo ngại đây chỉ còn là vấn đề thời gian. Nhiều gia đình đã quyết định gửi tài sản vào các quỹ tín thác để bảo vệ tối đa trước mức thuế có thể có trong thời gian tới.
Đối với các nhà đầu tư nội địa, chiến dịch thịnh vượng chung đem đến sự bất ổn, theo lời ông Adrian Zuercher, chuyên gia tại quỹ quản lý tài sản UBS. Các chuyên viên tư vấn đang thúc giục khách hàng tăng cường đầu tư ở nước ngoài.
Các nhà đầu tư Trung Quốc hiện chỉ chiếm khoảng 10% giao dịch trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Họ bị đánh giá là “quá chú trọng” vào thị trường nội địa. Một ngân hàng ước tính người Trung Quốc giữ từ 30% đến 50% tài sản của bản thân ở trong nước.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong quá khứ, thế hệ phú nhĩ đại Trung Quốc gắn liền với hình ảnh ăn chơi trác táng, phô trương tài sản đắt tiền...