Giới phân tích: Ông Putin có thể đã chuẩn bị để Nga vượt bão trừng phạt từ cả 10 năm trước

Sự kiện: Tin tức Nga

Trang Business Insider dẫn lời giới phân tích nhận định việc Nga vẫn đứng vững giữa bão trừng phạt có thể là nhờ vào sự tính toán của ông Putin từ gần 10 năm trước.

Từ khi Tổng thống Vladimir Putin bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, một bộ phận giới quan sát lo ngại nền kinh tế Nga sẽ sụp đổ trong bối cảnh phương Tây liên tục giáng các đòn trừng phạt chưa từng có tiền lệ vào nước này, theo trang Business Insider.

Dù vậy, gần 4 tháng sau khi chiến sự nổ ra, kinh tế Nga vẫn đứng vững. Ngày 7-6, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rằng lạm phát ở nước này đã chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp không tăng thêm.

Năng lượng chỉ là yếu tố phụ

Theo giới phân tích, vì là một cường quốc năng lượng, nên dù áp lực từ bên ngoài ra sao, doanh thu bán hàng của Nga vẫn tăng mạnh và do đó giúp nền kinh tế trụ vững.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: GETTY IMAGES

Tuy nhiên, ngay cả khi không có dầu mỏ, Nga vẫn có thể tự bảo vệ mình trước các lệnh trừng phạt. Đó là bởi vì quốc gia này đã có kinh nghiệm xoay xở trước các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt hồi năm 2014. Thời điểm đó, Moscow gánh chịu một loạt hạn chế thương mại từ bên ngoài, sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine.

Theo bà Veronica Carrion - nhà nghiên cứu kinh tế tại Hiệp hội Ngân hàng Mỹ (ABA), ông Putin đã "tái thiết nền kinh tế Nga thành một pháo đài" để chống chọi với các cú sốc từ bên ngoài.

Theo nhận định của Business Insider, thực tế, Nga đang cho thấy khả năng phục hồi bất ngờ thông qua một loạt biện pháp “chống trừng phạt” dưới đây.

Tăng cường dự trữ và tích trữ vàng

Trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, Nga giữ lượng ngoại tệ lớn thứ năm thế giới và lượng vàng dự trữ trị giá khoảng 630 tỉ USD, theo Viện Kinh tế mới nổi của Ngân hàng Phần Lan.

Bộ Tài chính Nga cho biết rằng từ tháng 3 nước này đã mất quyền tiếp cận khoảng một nửa số tiền đó do các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, Mosocw vẫn còn rất nhiều vàng của cải được cất giữ trong nước. Bên cạnh đó, Nga cũng là nhà sản xuất kim loại quý lớn thứ hai thế giới.

Ngân hàng Trung ương Nga. Ảnh: TASS

Ngân hàng Trung ương Nga. Ảnh: TASS

Lượng vàng tích trữ của Nga đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2014 và tất cả chúng đều được cất giữ trong các hầm chứa. Mỹ đã áp trừng phạt lên các giao dịch sử dụng vàng của Nga, nhưng điều đó sẽ không ngăn cản các nước làm ăn với Moscow, theo bà Carrion.

Nga cũng tiếp tục tăng một số nguồn dự trữ nhờ thu được lợi nhuận từ việc bán dầu và khí đốt. Từ tháng 4 đến tháng 6, nước này đã bổ sung 12,7 tỉ USD vào quỹ dự trữ khẩn cấp. Các khoản tiền này sẽ được sử dụng để đảm bảo Nga phát triển kinh tế ổn định giữa các lệnh trừng phạt, theo một tuyên bố ngày 9-6 của chính phủ Nga.

Nga đã tự cắt phụ thuộc vào vốn nước ngoài và trả bớt nợ

Theo chuyên gia kinh tế cấp cao Gian Maria Milesi-Ferretti tại Trung tâm Hutchins về Chính sách Tài chính và Tiền tệ, ngoài việc tiết kiệm, Nga đã giảm phụ thuộc vốn nước ngoài bằng cách tích cực trả nợ trong 8 năm qua.

Ông Andrew Weiss - chuyên gia nghiên cứu về Nga tại Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nhận định hồi tháng 2: "Ông Putin bị dị ứng với việc vay tiền. Ông ấy không muốn sử dụng hệ thống ngân hàng ở Nga hoặc tiếp cận nguồn vốn phương Tây để biến nước Nga trở nên vĩ đại".

Nợ nước ngoài của Nga khá thấp. Công ty JPMorgan ước tính chính phủ Nga nợ khoảng 39 tỉ USD trái phiếu ngoại tệ vào cuối năm 2021. Để dễ hình dung, JPMorgan viện dẫn việc Hy Lạp đã vỡ nợ vào năm 2012, với tổng số nợ lên tới 277,5 tỉ USD.

Bên cạnh đó, nợ công của Nga chỉ ở mức 17% GDP - thấp hơn nhiều so với ở nhiều nước phát triển và chủ yếu được tính bằng đồng rúp.

Vì vậy, Moscow "không thực sự cần phải đi vay" - theo ông Anton Tabakh, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Expert RA (một công ty chuyên về đánh giá và xếp hạng ở Nga).

Ông Tabakh nói thêm rằng vấn đề lớn nhất mà Nga gặp phải hiện nay là trả các khoản nợ nước ngoài giữa bão trừng phạt. Một khi vấn đề được giải quyết, Nga và các công ty nước này sẽ có thể trả bớt nợ và nguồn lực của chính đất nước "sẽ đủ để trang trải các nhu cầu của ngân sách, các ngân hàng và các tập đoàn".

Nga đang chuyển hướng sang nền kinh tế tự túc

Ông Hassan Malik - nhà phân tích cấp cao của tổ chức tư vấn quản lý đầu tư Loomis Sayles, cho biết Nga đang hướng mọi hoạt động vào bên trong quốc gia. Theo ông, với tư cách là một nhà sản xuất hàng hóa khổng lồ, nền kinh tế Nga sẽ không sụp đổ hoàn toàn, dù tăng trưởng có thể chậm và thấp.

“Nga là một trong số ít quốc gia trên thế giới có thể tự cung tự cấp. Đây là nhà sản xuất chính các loại dầu thô, khí đốt tự nhiên, lúa mì và các kim loại như niken và palladium” - ông Hassan nói.

Ngoài ra, Nga cũng quốc hữu hóa các doanh nghiệp nước ngoài rút khỏi nước này với mục đích né trừng phạt. Những người được chính phủ Nga chỉ định đã tiếp quản các công ty này và thay thế các sản phẩm của họ bằng các sản phẩm “cây nhà lá vườn”.

Dù vậy, theo Business Insider, tình hình kinh tế của Nga vẫn sẽ rất khó khăn. Bản thân ông Putin hôm 9-6 thừa nhận việc thay thế hàng nhập khẩu bằng hàng hóa sản xuất trong nước "không phải là thuốc chữa bách bệnh", một hãng tin Pháp đưa tin.

Ông Putin cho biết Nga sẽ tìm kiếm các đối tác thương mại mới và tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp của riêng mình đối với "các công nghệ cực kỳ quan trọng", theo truyền thông Pháp.

Tổng thống Putin sử dụng 'vũ khí bí mật' trong cuộc chiến tài chính với Mỹ

Mỹ không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến tài chính với Nga bởi vì Tổng thống Putin có trong tay một "vũ khí bí mật" rất lợi hại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Như ([Tên nguồn])
Tin tức Nga Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN