Giới khoa học Nhật phát triển vaccine duy nhất giúp ngừa mọi loại Coronavirus

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Các nhà khoa học ở Nhật đang phát triển một loại vaccine duy nhất có thể giúp phòng ngừa nhiều loại coronavirus - không chỉ riêng virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19.

Tờ The National News (UAE) đưa tin các nhà khoa học ở Nhật đang phát triển một loại vaccine có thể giúp phòng ngừa nhiều loại coronavirus - không chỉ riêng virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19

Việc phát triển một loại vaccine có thể áp dụng rộng rãi là mục tiêu chính của các nhà nghiên cứu, vì một số loại vaccine hiện có được cho là có hiệu quả kém hơn trong phòng ngừa các biến thể mới của virus Sars-CoV-2.

Theo đó, phương pháp mới của các nhà nghiên cứu ở Nhật có thể được sử dụng để bảo vệ, thậm chí ngăn chặn các đại dịch mới do các loại coronavirus khác nhau gây ra.

Một nhân viên y tế được tiêm vaccine ở Tegucigalpa, Honduras. Ảnh: Reuters

Một nhân viên y tế được tiêm vaccine ở Tegucigalpa, Honduras. Ảnh: Reuters

Một loại vaccine duy nhất ngừa mọi loại coronavirus 

Theo Tạp chí Y học Thực nghiệm, phương pháp mới trên liên quan các protein được áp dụng kỹ thuật biến đổi gen từ virus Sars-CoV-2.

Trọng tâm của nghiên cứu là protein gai của virus - gồm vùng liên kết thụ thể bám vào thụ thể trên tế bào người, được gọi là ACE2. Sau khi protein gai bám vào ACE2, virus sẽ xâm nhập vào tế bào và nhân lên.

Một phần của vùng liên kết thụ thể - vùng đầu, có tính chuyên biệt cao, nhưng một phần khác - vùng lõi, ngược lại có tính tương đồng ở nhiều coronavirus.

Khả năng miễn dịch có được từ việc tiêm chủng thường liên quan việc sản xuất các kháng thể chống lại vùng đầu chuyên biệt, tạo ra khả năng bảo vệ cụ thể đối với một loại coronavirus cụ thể.

Để giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu tại ĐH Osaka (Nhật) đã biến đổi gen vùng liên kết thụ thể của protein gai để các phân tử đường gắn vào vùng đầu.

Các thí nghiệm về protein được áp dụng kỹ thuật biến đổi gen trên chuột bạch cho thấy các cá thể chuột tạo ra tỉ lệ lớn các kháng thể chống lại vùng lõi thay vì vùng đầu như thường lệ.

Các nhà khoa học gọi các kháng thể này là kháng thể trung hòa. Đáng chú ý, khi thí nghiệm, các nhà khoa học phát hiện rằng các kháng thể có thể vô hiệu hóa không chỉ virus Sars-CoV-2 mà còn cả virus Sars-CoV-1, vốn gây ra đại dịch Sars vào năm 2002.

Ngoài ra, các kháng thể còn đạt hiệu quả trong việc chống lại ba loại coronavirus tương tự ở tê tê và dơi. Đây được xem là một phát hiện quan trọng trong bối cảnh coronavirus hiện được tìm thấy ở một số loài động vật, trong tương lai, có thể tiếp tục lây nhiễm sang người.

“Do các đại dịch coronavirus trước đây như Sars-CoV-1 và Mers-CoV [Hội chứng hô hấp Trung Đông] đã bùng phát do sự lây truyền coronavirus từ động vật sang các loài, khả năng xuất hiện các loại virus tương tự trong tương lai là một mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu, ngay cả khi chúng ta đã có các loại vaccine hiệu quả với các loại virus hiện nay” - Giáo sư Tomohiro Kurosaki tại ĐH Osaka (Nhật) cho biết.

Việc phát triển một vaccine phổ quát là "có thể thực tế"

Theo The National News, tình trạng một số loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay có hiệu quả kém hơn đối với các biến thể mới của Sars-CoV-2, đặc biệt là biến thể Delta, cho thấy khả năng miễn dịch mà mỗi loại vaccine mang lại có tính chuyên biệt rất cao.

Hiện các nhà khoa học đang phát triển các loại vaccine mới có thể ngăn ngừa nhiều loại biến thể hơn, song việc sản xuất cũng đòi hỏi nhiều thời gian và sau đó mọi người phải tiêm chủng lại. Do đó, việc sản xuất được loại vaccine ngừa coronavirus phổ quát sẽ thích hợp hơn.

Gần 60% dân số Nhật hiện đã được tiêm phòng đầy đủ. Ảnh: GETTY IMAGES

Gần 60% dân số Nhật hiện đã được tiêm phòng đầy đủ. Ảnh: GETTY IMAGES

Theo The National News, trong khi các nhà nghiên cứu tại Nhật tập trung vào các kháng nguyên (những chất khi xâm nhập vào cơ thể người thì được hệ thống miễn dịch nhận biết và sinh ra các kháng thể tương ứng) phổ biến giúp chống lại các loại coronavirus khác nhau, các nhà nghiên cứu ở Mỹ lại có cách tiếp cận khác.

Trong một nghiên cứu được công bố hồi tháng 2, các nhà khoa học Mỹ cho thấy các cá thể chuột bạch có được khả năng miễn dịch chống lại một loạt coronavirus sau khi được tiêm "vaccine khảm" được tạo ra từ nhiều kháng nguyên.

Trước những thách thức như đảm bảo khả năng miễn dịch đủ bền để đối phó các căn bệnh mới, các nhà khoa học dự đoán rằng có thể mất vài năm để phát triển một loại vaccine ngừa coronavirus phổ quát.

Tiến sĩ Andrew Freedman - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại ĐH Cardiff (Anh) – cho biết tuy ông chưa phân tích nghiên cứu mới nhất trên chuột, song cho rằng việc phát triển được một loại vaccine ngừa nhiều loại coronavirus “có thể thực tế”.

“Gần như chắc chắn có khả năng miễn dịch chéo” – ông Freedman cho hay.

“Chúng tôi biết bạn có thể bị nhiễm coronavirus lặp đi lặp lại, vì vậy khả năng miễn dịch là không hoàn hảo, nhưng một phần của phản ứng miễn dịch với một loại coronavirus gần như chắc chắn sẽ cho bạn khả năng miễn dịch chéo với các coronavirus khác. Các coronavirus có những đặc điểm chung” – ông Freedman nói thêm.

Tuy nhiên, liên quan nghiên cứu mới nhất được thí nghiệm trên loài chuột, ông Freedman lưu ý rằng “sẽ còn một chặng đường dài phía trước” trước khi có thể tạo ra biện pháp bảo vệ trên diện rộng như vậy ở người.

Miễn dịch do vắc xin giảm dần theo thời gian: Có cần tiêm lại sớm?

Nhiều nghiên cứu, cả thực tế lẫn phòng thí nghiệm, cho thấy, khả năng miễn dịch của con người với virus SARS-CoV-2 có...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HÒA ĐẶNG ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN