Không phải kháng vaccine, các nhà khoa học lo gì nhất ở biến thể Omicron?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Trong ba đặc điểm chính của biến thể Omicron, điều được các nhà khoa học quan tâm nhất và khẩn trương tìm hiểu nhất không phải kháng vaccine mà là gì, tại sao?

Tính đến ngày 1-12, biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã lan đến 23 nước, theo hãng tin Reuters. Đúng như dự đoán của TS Anthony Fauci - Giám đốc Viện Các bệnh dị ứng và truyền nhiễm, cố vấn cấp cao đội chống COVID-19 của Nhà Trắng - chuyện xuất hiện ca nhiễm biến thể Omicron ở Mỹ chỉ là vấn đề thời gian, ngày 1-12, Mỹ thông báo đã phát hiện ca nhiễm ở nam California, là người từ Nam Phi.

Cùng ngày 1-12, biến thể Omicron cũng đã lan tới tây Phi (Nigeria) và vùng Vịnh (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Saudi Arabia). Tại châu Á, biến thể Omicron đã lan tới Hàn Quốc (năm ca) và Nhật (hai ca).

Hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã thực hiện các biện pháp kiểm soát đi lại ngăn biến thể lây lan. Ngày 1-12, WHO cảnh báo rằng các nước siết việc đi lại với Nam Phi có thể gây khó cho việc chia sẻ mẫu bệnh phẩm từ nước này để có thể giúp các nhà khoa học hiểu hơn về biến thể Omicron.

Các nhà khoa học quan tâm gì nhất ở biến thể Omicron?

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang phối hợp với nhiều nhà khoa học trên toàn cầu khẩn trương nghiên cứu để xác định liệu biến thể Omicron sẽ ảnh hưởng thế nào đến đại dịch COVID-19 và các thông tin sẽ có trong vài tuần nữa.

Ba đặc điểm chính của Omicron mà các nhà khoa học đang khẩn trương tìm hiểu là lây lan nhanh tới đâu, nhanh hơn Delta hay không, độc lực cỡ nào, kháng vaccine cỡ nào? Trong ba đặc điểm này, điều được quan tâm nhất và khẩn trương tìm hiểu nhất không phải là kháng vaccine mà là khả năng lây lan, sau đó đến độc lực.

Người dân xếp hàng chờ được xét nghiệm COVID-19 tại TP New York, bang New York (Mỹ) ngày 30-11. Ảnh: SPENCER PLATT/GETTY IMAGES

Người dân xếp hàng chờ được xét nghiệm COVID-19 tại TP New York, bang New York (Mỹ) ngày 30-11. Ảnh: SPENCER PLATT/GETTY IMAGES

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc nắm được khả năng lây lan của Omicron có thể là điều cuối cùng xác định được, so với chuyện xác định độc lực hay khả năng kháng vaccine. Để xác định được điều này có thể cần 3-6 tuần, tùy theo tốc độ di chuyển của biến thể. Delta cũng cần đến vài tháng để chứng minh mình có khả năng lây lan mạnh hơn mọi biến thể trước.

Còn những thông tin khác có thể xác định được nhanh hơn. Chẳng hạn thông tin về độc lực khả năng sẽ có trong vòng hai tuần, theo TS Peter Hotez, chuyên gia vaccine kiêm giáo sư virus học và vi sinh học phân tử tại ĐH Y Baylor (Mỹ). Cùng khoảng thời gian này có thể sẽ có thông tin ban đầu liệu Omicron có kháng các loại vaccine hiện tại hay không, còn thông tin sâu hơn có thể phải 2-4 tuần, nhiều nhà nghiên cứu tính toán.

Biết sớm, ngăn sớm

Theo GS John Moore, chuyên về vi sinh vật học và miễn dịch học tại ĐH Y Weill Cornell ở New York (Mỹ), “câu hỏi thực sự” và “điều rất, rất, rất quan trọng mà chúng ta cần phải biết” là khả năng lây lan của biến thể Omicron so với biến thể Delta.

Lý do là nếu biết được nhanh sẽ giúp các nước chuẩn bị nhanh, lên phương án kịp thời kiểm soát lây lan. Điều này rất quan trọng, vì theo PGS Luo Dahai (Trường Y Lee Kong Chian thuộc ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore), chưa có thông tin chính xác về Omicron nên “khó mà xác định mức độ hạn chế nào là phù hợp và hiệu quả”. Cũng vì chưa có thông tin chính xác, Thủ tướng Lý Hiển Long đã cho thấy sự phân vân rằng Singapore có thể sẽ phải lùi lại vài bước trong tiến trình mở cửa, để xem Omicron thế nào, rồi sẽ đi tiếp. Còn các khả năng như kháng vaccine hay gây bệnh nặng của Omicron có thể sẽ không đáng lo nhiều nếu biến thể mới này bị kìm hãm tốt không lây lan.

PGS Natasha Howard (Trường Y tế công cộng Saw Swee Hock thuộc ĐH Quốc gia Singapore) đề nghị trong lúc các thông tin còn chưa rõ ràng thế này thì “phải duy trì các biện pháp (kiểm soát dịch) hiện tại” cho đến khi có thông tin giúp xác định liệu có cần siết thêm hay không.

Trong văn bản đánh giá công bố chiều 29-11, WHO cũng kêu gọi các nước bắt tay vào thực hiện các biện pháp tăng cường hệ thống giám sát dịch để đối phó với nguy cơ bùng phát có thể có do biến thể Omicron. WHO cũng khuyến cáo các nước củng cố hệ thống y tế để trong điều kiện nào cũng không phải lâm vào tình trạng quá tải.

Về phía người dân, WHO khuyên mọi người chẳng những không được lơ là mà thậm chí phải thực hiện nghiêm hơn nữa các biện pháp phòng dịch quan trọng trước nay như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, thực hiện giãn cách, không tụ tập. Đây chính xác cũng là những điều mà PGS Howard khuyên các cá nhân thực hiện để bảo vệ mình.

Số ca nhiễm biến thể Omicron ở Nam Phi tăng cao

Số ca nhiễm biến thể Omicron ở Nam Phi tăng nhanh. Số ca nhiễm Nam Phi ghi nhận ngày 1-12 tăng gấp đôi so với ngày 30-11. Mẫu bệnh phẩm chứa biến thể Omicron được phát hiện tại Nam Phi ngày 8-11. Số ca nhiễm biến thể Omicron chiếm 74% số ca nhiễm COVID-19 ở Nam Phi trong tháng 11.

Theo Viện Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm của Nam Phi (NICD), các dữ liệu ban đầu cho thấy Omicron có thể né tránh miễn dịch ở một mức độ chưa xác định, tuy nhiên các loại vaccine hiện tại vẫn có hiệu quả bảo vệ người nhiễm khỏi bệnh nặng và tử vong.

Một phần không nhỏ các ca nhiễm là những người đã được tiêm đủ hai mũi vaccine. Từ thực tế này có thể thấy đã tiêm ngừa vẫn có thể nhiễm Omicron, như nhiễm các biến thể trước. Tuy nhiên, tới thời điểm này, ghi nhận từ Nam Phi và các nước thì phần lớn người nhiễm biến thể này bệnh không tiến triển nghiêm trọng.

Nguồn: [Link nguồn]

Phát hiện mới về hiệu quả ngăn ngừa biến thể Omicron của liều vaccine tăng cường

Mũi vaccine tăng cường cung cấp hiệu quả bảo vệ tốt với biến thể Omicron, các chuyên gia Anh gần đây công bố nghiên cứu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THIÊN ÂN ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN