Giới chức Mỹ không còn tin Ukraine giành toàn bộ lãnh thổ trong xung đột với Nga?
Các quan chức Nhà Trắng đang ngày càng mất niềm tin về khả năng Ukraine có thể giành lại các vùng lãnh thổ rơi vào tay Nga trong 4 tháng xung đột vừa qua, một quan chức Mỹ giấu tên nói trên đài CNN.
Xung đột ở miền đông Ukraine đang có bước ngoặt rõ rệt.
Các cố vấn của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang bí mật thảo luận về khả năng yêu cầu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky xác định lại “chiến thắng” trong xung đột với Nga, nghĩa là có khả năng ranh giới lãnh thổ Ukraine sẽ không bao giờ được khôi phục như trước xung đột.
Gần đây, ông Zelensky vẫn tuyên bố cứng rắn, rằng quân đội nước này sẽ giành lại toàn bộ lãnh thổ Ukraine bị Nga kiểm soát, bao gồm cả bán đảo Crimea.
Quan chức Mỹ giấu tên nhấn mạnh với CNN rằng, điều này không có nghĩa là Mỹ muốn buộc Ukraine chấp nhận nhượng lãnh thổ cho Nga để chấm dứt xung đột. Giới chức Mỹ vẫn hi vọng Ukraine có thể giành lại các khu vực lãnh thổ trong đợt phản công vào cuối năm nay.
Một cố vấn quốc hội Mỹ nói với CNN, rằng một Ukraine có diện tích nhỏ hơn trước là điều khó có thể tránh khỏi. Cố vấn giấu tên này nói Ukraine đã giảm đáng kể yêu cầu, mong muốn Mỹ hỗ trợ 48 hệ thống pháo phản lực, nhưng đến nay Lầu Năm Góc mới chỉ đồng ý cung cấp 8 hệ thống M142 HIMARS.
Dĩ nhiên, không phải tất cả quan chức Nhà Trắng đều bi quan, vẫn có những người hi vọng quân đội Ukraine có thể làm nên kỳ tích, giống như giai đoạn đầu của cuộc xung đột, theo CNN.
Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan tích cực liên lạc với người đồng cấp Ukraine để thảo luận về các kế hoạch của quân đội Ukraine nhằm giành lại các khu vực lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Mark Milley cũng đang tích cực thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết.
Sự bi quan ở Nhà Trắng ngày càng gia tăng trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden có cuộc gặp với các đồng minh châu Âu, thuyết phục các nước đồng minh tiếp tục hỗ trợ Ukraine chiến đấu.
Các lực lượng Ukraine ngày càng hụt hơi trong giao tranh với Nga.
“Chúng ta phải sát cánh bên nhau. Nga đã chờ đợi thời khắc này, rằng NATO và G7 có thể chia rẽ về vấn đề Ukraine. Nhưng chúng ta sẽ không như vậy”, ông Biden phát biểu tại hội nghị G7 diễn ra ở Đức hôm 26.6.
Tuần trước Mỹ đã thông báo hỗ trợ Ukraine thêm 450 triệu USD giá trị vũ khí, bổ sung thêm đạn pháo, pháo phản lực phóng loạt và nhiều vũ khí khác. Tuần này, Mỹ dự kiến công bố kế hoạch trang bị cho Ukraine các tên lửa phòng không NASAMS do Na Uy sản xuất.
Nhưng trên chiến trường, quân đội Nga đang ngày càng thắng thế, tạo bước tiến nhanh nhất trong 4 tháng diễn ra xung đột.
Trái với dự đoán về một Mariupol thứ hai, quân đội Ukraine cuối tuần trước đã phải rút hoàn toàn lực lượng khỏi thành phố Severodonetsk.
Thành phố Lysychansk cũng đang gặp nguy hiểm và có thể thất thủ bất cứ lúc nào. Theo CNN, các lực lượng Ukraine đang tổn thất vũ khí với tốc độ quá nhanh, nhanh hơn nhiều so với những gì phương Tây có thể cung cấp.
Một quan chức Mỹ am hiểu thông tin tình báo nói trên CNN rằng quân đội Ukraine không có khả năng tập trung đủ binh lực để giành lại toàn bộ các vùng lãnh thổ bị mất, dù Tổng thống Zelensky đã đặt ra thời hạn trong năm nay.
Theo quan chức giấu tên, quân đội Ukraine có thể phát động phản công quy mô nhỏ nếu được hỗ trợ thêm vũ khí. Nhưng khi đó, Nga cũng tái tổ chức lực lượng và không có gì đảm bảo rằng đợt phản công sẽ đạt kết quả như mong muốn.
“Cơ hội để Ukraine khôi phục ranh giới lãnh thổ như thời điểm trước ngày 24.2.2022 là vẫn còn, nhưng rất khó khăn. Nếu không thực hiện được, Ukraine có thể phải xem lại cách định nghĩa như thế nào là giành chiến thắng”, Michael Kofman, một chuyên gia am hiểu về quân sự Nga, công tác tại Trung tâm phân tích Hải quân Mỹ, nói trên CNN.
Người Ukraine gây quỹ cộng đồng để mua máy bay không người lái (UAV) Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ, song Ankara quyết định sẽ cung cấp cho Kiev 3 chiếc loại này miễn phí.
Nguồn: [Link nguồn]