Giờ phút cuối cùng của người đàn ông gốc Việt tử vong vì Covid-19 tại Mỹ
Tờ Seattletimes (báo Mỹ), mới đây có bài viết kể về quá trình chiến đấu với bệnh tật và sự ra đi của một người đàn ông gốc Việt tại Mỹ sau khi bị nhiễm Covid-19.
Những chiếc ô tô chạy vào bãi đỗ xe của một bệnh viện vào lúc gần nửa đêm. Gia đình của ông Hoang Dinh Nguyen - một người Mỹ gốc Việt, đến để nói lời từ biệt với ông.
Ông Nguyen, 72 tuổi, từng vượt qua 2 lần đột quỵ và căn bệnh ung thư, tuy nhiên, ông đã không thể chiến thắng được Covid-19.
Đầu giờ tối ngày 19.3, Trung tâm y tế Swedish ở Issaquah, Washington gọi điện báo cho gia đình rằng tình trạng của ông Nguyen đang xấu đi nhanh chóng. Bác sĩ cho rằng Nguyen ông sẽ bớt đau đớn hơn nếu được tháo máy thở sớm.
“Họ sẽ không làm điều đó (tháo máy thở) chừng nào chúng tôi còn chưa tới nơi”, con trai ông Nguyen, anh Vince Viet Nguyen nói.
Mộ của ông Hoang Dinh Nguyen, một người Mỹ gốc Việt tử vong vì Covid-19 (ảnh: Seattletimes)
Các quy tắc phòng tránh Covid-19 lây lan tại bệnh viện chỉ cho phép 2 thành viên trong gia đình có thể vào phòng điều trị đặc biệt (ICU) nơi ông Nguyen đang nằm. Ngoài ra, không một ai, trừ nhân viên y tế được vào nơi điều trị của bệnh nhân. Mặc dù vậy, vợ ông Nguyen, 7 người con và một số người thân khác vẫn lái xe tới bệnh viện. Một linh mục được họ mời tới.
Tại bãi đỗ xe bệnh viện, linh mục tên Thanh Dao đã cùng các thành viên trong gia đình cầu nguyện cho ông Nguyen. Họ đứng thành vòng tròn, cách xa nhau để bảo đảm an toàn trong dịch Covid-19.
Sau đó, vị linh mục, vợ ông Nguyen - bà Ty Nguyen cùng cô con gái Cuc Crystal Nguyen đi vào bên trong.
“Bất kể phải đối mặt với nghịch cảnh nào, bố tôi luôn tìm cách để vượt qua”, Viet kể về người bố của mình.
Vợ ông Nguyen từ biệt chồng qua cửa kính phòng điều trị (ảnh: Seattletimes)
Viet miêu tả bố của anh là một người trầm tính và tốt bụng. Ông Nguyen ban đầu làm việc tại nông trại, sau đó chuyển sang xây dựng. Bà Ty làm việc trong công ty may.
“Tất cả chúng tôi đều được học đại học”, Cuc – con gái ông Nguyen, một nhân viên môi giới bất động sản ở bang California, cho biết.
Cuc cho biết bố cô thích trồng cây cảnh và nuôi động vật. Ông cũng có thể xây bất cứ thứ gì, kể cả nhà đồ chơi cho cô con gái.
Hơn 10 năm trước, ông Nguyen bị ung thư da ở vùng cổ. Di chứng từ xạ trị khiến ông gần như mất hết thị lực. Ông Nguyen cũng gặp hàng loạt vấn đề sức khỏe khác, một cơn đột quỵ đã khiến ông bị liệt nửa người.
Viet và một người chị khác cố gắng chăm sóc cho bố, tuy nhiên, điều này quá khó khăn. Năm 2018, gia đình quyết định đưa ông Nguyen vào Trung tâm Điều dưỡng & Phục hồi chức năng Issaquah.
Khi nghe tin một người sống ở trung tâm này nhiễm Covid-19 hồi đầu tháng, Viet thấy lo lắng cho cả bố mình và các nhân viên chăm sóc sức khoẻ. Một tuần trước đó, một viện dưỡng lão khác tại bang Washington đã ghi nhận hàng loạt ca tử vong vì Covid-19.
Tàu bệnh viện hải quân Mỹ cập cảng New York (ảnh: AP)
Trung tâm Issaquah đã cấm người đến thăm để ngăn dịch Covid-19 lây nhiễm cho những người cao tuổi. Tuy nhiên, sau đó, hơn 10 ca nhiễm virus đã bị phát hiện tại đây. Viện dưỡng lão đưa những người có triệu chứng vào các phòng riêng và thông báo cho giới chức địa phương để yêu cầu xét nghiệm Covid-19.
“Ban đầu khi mới được xét nghiệm, bố tôi không có triệu chứng. Tuy nhiên, đến tối hôm sau, viện dưỡng lão nói rằng ông bắt đầu bị sốt nhẹ. Ngày 15.3, bố tôi sốt cao hơn và trung tâm Issaquah đã đưa ông tới phòng cấp cứu của trung tâm y tế Swedish. Sau vài giờ làm xét nghiệm, bố tôi nhận kết quả dương tính với Covid-19. Bệnh viện báo với tôi rằng, ông có thể không qua khỏi”, Viet kể lại.
Cuc và những người con khác của ông Nguyen đã tức tốc bay từ California về Washington. Họ muốn nhìn mặt bố lần cuối qua cửa kính phòng điều trị.
“Làm sao có thể nói lời vĩnh biệt trong hoàn cảnh như thế? Bạn sẽ không làm được. Bạn có thể chỉ nhìn, khóc và cầu nguyện”, Viet kể lại.
Bất ngờ là tình trạng của ông Nguyen đã tốt lên một chút trước khi chuyển biến xấu. Viet hiểu được rằng nguồn lực của cơ sở y tế có hạn và cha của anh không thể dùng máy thở mãi được, dù các bác sĩ chưa bao giờ nói thẳng với anh điều đó.
Người dân Mỹ xếp hàng chờ được làm xét nghiệm Covid-19 (ảnh: Reuters)
Khi bệnh viện gọi đến và báo tin chẳng lành, Viet đã bàn bạc với các thành viên còn lại trong gia đình. Mọi người biết rằng ông Nguyen bị tổn thương phổi nặng và ngừng tim.
“Đó là quyết định của chúng tôi (rút máy thở). Chúng tôi chỉ muốn bố mình không cảm thấy đau đớn hơn”, Viet kể lại. Sau đó, anh gọi điện thông báo cho bệnh viện quyết định của gia đình.
Bà Ty cùng con gái ông Nguyen nhìn qua cửa kính phòng ICU. Da ông Nguyen nhợt nhạt, nhưng lúc đó ông vẫn còn thở bằng máy. Một bác sĩ sau đó đến và tháo máy mở.
“Bố ơi, tỉnh lại đi bố”, Cuc nói vào bộ đàm.
Mắt ông Nguyen nhắm lại, nhưng ngực vẫn phập phồng.
Cuc gọi video cho những anh chị em còn lại trong bãi đỗ xe.
"Chúng con yêu bố", họ nói to khi Cuc đưa chiếc bộ đàm gần điện thoại.
Sau khi mọi người nói lời từ biệt, Cuc thấy lồng ngực bố cô không còn cử động nữa. Trước đây, ông Nguyen từng trăn trối, đừng hỏa táng ông và đừng để ông ra đi trong cô độc.
"Bố biết rằng mọi người đã có mặt ở đó. Covid-19 không thể ngăn mẹ, tôi hay anh em tôi gặp ông lần cuối", Cuc nói.
Người vô gia cư tại Mỹ được chuyển tới một bãi đỗ xe để phòng tránh lây nhiễm Covid-19 (ảnh: AP)
Bệnh viện nói rằng phải chuyển thi thể của ông Nguyen đi ngay và gia đình đã gọi cho một nhà tang lễ khi trời vừa tờ mờ sáng. Cuc mang tới nhà tang lễ một bộ vest, một đôi giày, một tràng hạt và một chiếc điện thoại để chôn cất cùng ông Nguyen.
Những vật dụng và chiếc túi đựng thi thể của ông Nguyen được khử trùng, sau đó đặt vào trong một chiếc túi khác để đề phòng lây nhiễm. Lễ chôn cất ban đầu dự kiến diễn ra hôm 24.3 mà không có mặt gia đình, theo quy định cấm tổ chức tang lễ và tụ tập đông người của Thống đốc bang Washington.
Ngày 25.3, nhà tang lễ thông báo rằng bang Washington xác nhận chôn cất là dịch vụ thiết yếu và việc chôn cất có thể được tiến hành. Ông Nguyen cuối cùng cũng được thể yên nghỉ.
Viet đã đăng Facebook cảnh báo mọi người rằng Covid-19 là có thật và hạn chế tiếp xúc xã hội là điều cần làm.
Cuc, em gái và 2 cháu gái đã may khẩu trang vải cho các nhân viên y tế. Khẩu trang vải không có tác dụng bảo vệ cao như N95, nhưng trong tình trạng vật tư y tế đang thiếu thốn, họ cũng muốn góp một chút công sức.
“Chúng tôi đã làm được 18 chiếc và dự định may thêm 2.000 chiếc”, Cuc cho biết.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Tổng thống Mỹ - ông Donald Trump, từng đưa ra nhiều nhận định lạc quan về tình hình dịch Covid-19 và muốn bãi bỏ khuyến...