Giây phút sỹ quan Liên Xô cứu thế giới khỏi họa hạt nhân
Chiến tranh hạt nhân chưa bao giờ đến gần như vậy trong cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba, khi các tàu ngầm Liên Xô trang bị ngư lôi hạt nhân bị bao vây bởi các tàu khu trục, máy bay Mỹ.
Tàu ngầm Liên Xô lớp Foxtrot.
Theo National Interest, cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba diễn ra trong 13 ngày tháng 10.1962 là một trong những sự kiện căng thẳng nhất trong lịch sử.
Năm 1961, lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đồng ý bí mật đặt các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tại Cuba nhằm đối phó với phương Tây. Tháng 10.1962, một máy bay trinh sát Mỹ phát hiện những tên lửa cùng nhiều cơ sở đang được xây dựng.
8 ngày sau, Tổng thống Mỹ khi đó, John F. Kennedy quyết định ra lệnh phong tỏa Cuba nhằm ngăn Liên Xô vận chuyển vũ khí đến quốc gia này,
Chiến dịch Kama
Một phần trong chiến dịch đưa vũ khí đến Cuba là việc đồn trú các tàu ngầm Liên Xô mang tên lửa đạn đạo. Ngày 1.10.1962. Liên Xô mở Chiến dịch Kama, dùng 4 tàu ngầm diesel lớp Foxtrot mở đường đến Cuba. Các tàu ngầm này mang số hiệu B-4, B-36, B-59 và B-130, thuộc Lữ đoàn tàu ngầm 69. Sỹ quan chỉ huy Liên Xô có mặt trên tàu B-4 và B-59, bao gồm Tham mưu trưởng Lữ đoàn tàu ngầm 69, Vasili Arkhipov.
4 tàu ngầm Liên Xô khởi hành mang theo 21 ngư lôi thông thường và một ngư lôi hạt nhân T-5. Ngư lôi có sức công phá tương đương quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki trong Thế Chiến 2. Theo quy định, thuyền trưởng tàu ngầm được phép khai hỏa ngư lôi hạt nhân nếu quan chức chính trị đi cùng đoàn đồng ý.
Không phải là tàu ngầm hạt nhân, các tàu ngầm lớp Foxtrot có thể hoạt động liên tục 10 ngày dưới biển trước khi phải nổi lên mặt nước. Né tránh được các máy bay săn ngầm NATO trên đường đi nhưng khi đến gần Cuba, các tàu này sẽ buộc phải nổi lên để sạc pin, cũng như giúp 78 thủy thủ mỗi tàu có thể hit thở không khí trong lành.
Liên Xô thử nghiệm kích nổ ngư lôi hạt nhân.
Điều kiện sống trong tàu ngầm lặn sâu dưới khi đó ngày càng tồi tệ theo thời gian. Hệ thống tản nhiệt trên tàu ngừng hoạt động, khiến cho nhiệt độ tăng lên từ 37-57 độ C. Nồng độ CO2 gia tăng khiến cho cả thể chất và tinh thần thủy thủ trở nên kiệt quệ. Tình trạng thiếu nước sạch lan rộng trong khi một số người bị phát ban.
Ngày 23.10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó, McNamara cho phép các tàu Mỹ sử dụng thuốc nổ cỡ tương đương với lựu đạn để ra dấu hiệu cho các tàu ngầm đối phương nổi lên.
Hải quân Mỹ không nhận ra mối nguy hiểm của trò chơi “mèo đuổi chuột” với các tàu ngầm Liên Xô. Hai tàu B-130, B-36 quyết định nổi lên ngay trước mũi tàu chiến Mỹ. Trong khi đó, căng thẳng lên đến mức cao trào nhất vào ngày 27.10 khi hải quân Mỹ phát hiện ra tàu ngầm B-59.
Thế giới tránh khỏi thảm họa hạt nhân
Máy bay tuần tra Mỹ phát hiện B-59 và khiến tàu ngầm Liên Xô không dám nổi lên dù năng lượng đã gần cạn kiệt. Tàu khu trục USS Beale gần đó thả thuốc nổ để ra dấu hiệu cho tàu ngầm Liên Xô.
Tuy nhiên, vụ nổ gây hư hại đến hệ thống liên lạc và gây hoảng sợ đối với các thủy thủ. 10 tàu khu trục Mỹ thuộc nhóm tàu tác chiến tàu sân bay USS Randolph sau đó cũng tiếp cận khu vực.
Sỹ quan liên lạc Victor Orlov gợi nhớ lại: “Cảm giác giống như ở trong thùng kim loại và có người gõ bằng búa từ bên ngoài. Nhiệt độ trong tàu ngầm lên tới 50 độ C còn lượng oxy thì dần cạn kiệt.
“Đã nhiều ngày qua, chúng tôi không thể hít thở không khí trong lành. Nhiệt độ bên trong ngày càng tăng lên… Cảm giác rất khó có thể thở, quá nhiều khí CO2. Tôi cảm thấy chóng mặt và mọi người cũng như vậy”, thủy thủ Anatoly Andreyev mô tả tình trạng của nhóm khi đó.
Vasili Arkhipov được tôn vinh là người đã cứu thế giới tránh khỏi thảm họa hạt nhân.
Mệt mỏi và thiếu thông tin vì không thể liên lạc về Moscow, Valentin Savitsky, thuyền trưởng tàu nghĩ rằng chiến tranh hạt nhân đã nổ ra. Savitsky ra lệnh nạp ngư lôi hạt nhân và chuẩn bị ngắm bắn vào tàu sân bay Mỹ USS Randolph. Quan chức chính trị Ivan Maslennikov lên tiếng đồng ý.
Nhưng trùng hợp thay, Tham mưu trưởng Lữ đoàn tàu ngầm 69, Arkhipov lại có mặt trên tàu ngầm B-59. Theo lời thủy thủ, Arkhipov đã tranh cãi nảy lửa với thuyền trưởng tàu trước khi hai người bình tĩnh lại còn B-59 thì nổi lên mặt nước.
Ngay khi nổi lên, tàu ngầm B-59 lộ rõ trước ánh đèn từ các tàu khu trục Mỹ. Trực thăng và máy bay cất cánh từ tàu sân bay USS Randolph tiếp cận tàu ngầm Liên Xô ở tầm thấp. Tàu chiến Mỹ tiếp cận ở khoảng cách 20 mét và phát đi lời cảnh báo bằng loa phát thanh. B-59 sau khi sạc pin đã quay đầu trở về Liên Xô.
Trong số 4 tàu ngầm, chỉ có tàu B-4 không bị lực lượng Mỹ phát hiện nhưng vì nhiều lý do mà thuyền trưởng Rurik Ketov cũng ra lệnh cho tàu ngầm quay về.
Một ngày sau đó, Kennedy đạt được thỏa thuận bí mật với lãnh đạo Liên Xô. Mỹ sẽ rút tên lửa khỏi Thổ Nhĩ Kỳ và hứa không gây chiến với Cuba. Đổi lại, Liên Xô từ bỏ ý định đặt vũ khí hạt nhân tại quốc gia Nam Mỹ này.