Giáp 14 quốc gia, đâu là khu vực tranh chấp biên giới khiến TQ "đau đầu" nhất hiện tại?

Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng nghiêm trọng ở cả biên giới trên bộ lẫn trên biển. Khẩn cấp củng cố khả năng phòng thủ của những khu vực nhạy cảm là điều Trung Quốc cần làm ngay.

Trung Quốc là quốc gia có những tranh chấp biên giới phức tạp nhất thế giới, theo SCMP (ảnh: SCMP)

Trung Quốc là quốc gia có những tranh chấp biên giới phức tạp nhất thế giới, theo SCMP (ảnh: SCMP)

Theo đánh giá của Ouyang Wei – người từng là giáo sư Đại học Quốc phòng Trung Quốc – nước này đang đối mặt với một trong những thời điểm có nhiều thách thức an ninh biên giới nhất kể từ khi thành lập.

Nhiều vụ đụng độ với Ấn Độ ở biên giới, bất ổn chính trị gia tăng ở Afghanistan, Myanmar, đặc biệt là việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông, eo biển Đài Loan là điều khiến Trung Quốc lo lắng.

“Trung Quốc phải đối mặt với tình trạng tranh chấp, ly khai và khủng bố cùng lúc ở nhiều khu vực biên giới. Cuộc chiến chống ly khai, khủng bố của Trung Quốc sẽ còn kéo dài và căng thẳng hơn nữa. Đặc biệt là với tình trạng bất ổn mới ở eo biển Đài Loan”, ông Ouyang nhận định.

“Để giải quyết những thách thức, Trung Quốc cần gấp rút nâng cấp cơ sở hạ tầng quốc phòng dọc bờ biển, bao gồm cả hệ thống nhận dạng phòng không và cảnh báo dưới nước”, giáo sư Ouyang nói.

Kể từ khi thành lập, Trung Quốc đã nỗ lực giải quyết hầu hết các tranh chấp biên giới.

Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận biên giới với Tiên, Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Myanmar và Nepal. Tuy nhiên, với đường biên giới dài hơn 22.800 km và giáp 14 nước, Trung Quốc là quốc gia có tranh chấp lãnh thổ phức tạp nhất thế giới hiện nay.

Về biên giới trên bộ, tranh chấp giữa Trung Quốc với Ấn Độ là đáng lưu ý hơn cả, theo ông Ouyang.

Trong khoảng 17 tháng gần đây, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều chạy đua xây dựng các đồn quân sự nhằm kiểm soát thêm nhiều khu vực ở biên giới.

Sự cứng rắn của Đài Loan là điều Bắc Kinh không hề mong đợi (ảnh: SCMP)

Sự cứng rắn của Đài Loan là điều Bắc Kinh không hề mong đợi (ảnh: SCMP)

Với việc ngày càng xích lại Mỹ, New Delhi cho thấy lập trường cứng rắn, không nhượng bộ khi giải quyết những bất đồng quan điểm với Trung Quốc ở Đường kiểm soát thực tế (LAC). Nguy cơ xung đột quân sự Trung - Ấn chưa bao giờ hết đáng lo kể từ sau vụ đụng độ chết người ở thung lũng Galwan giữa binh sĩ 2 nước hồi tháng 6.2020.

Trên biển, Bắc Kinh đang tăng cường phô diễn sức mạnh quân sự khi liên tục điều máy bay chiến đấu, tàu chiến áp sát Đài Loan. Đổi lại, Trung Quốc nhận về thái độ cứng rắn từ chính quyền Đài Loan khi hòn đảo đẩy mạnh mua sắm vũ khí từ phương Tây và sản xuất tên lửa diệt hạm nội địa. Ngoài Đài Loan, tranh chấp một số đảo, quần đảo với Nhật Bản cũng là bài toán hóc búa mà Trung Quốc chưa tìm ra lời giải.

“Những bất ổn gia tăng trên biển là điều khiến Bắc Kinh đau đầu nhất. Phòng thủ trên biển là nhiệm vụ rất phức tạp, đặc biệt là khi Trung Quốc ngày càng phụ thuộc sâu hơn vào thương mại hàng hải”, ông Ouyang nói.

Mỹ – quốc gia coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược – đang đẩy mạnh chiến lược “bảo vệ tự do hàng hải” nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Bắc Kinh ở châu Á – Thái Bình Dương. Tàu chiến của Mỹ cùng các đồng minh như Anh, Pháp, Đức thường xuyên xuất hiện ở Biển Đông khiến phạm vi phòng thủ trên biển của Trung Quốc ngày càng mở rộng với chi phí quân sự tốn kém.

“Áp lực từ biển đối với Trung Quốc càng lúc càng lớn”, giáo sư Ouyang nhận định.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ: Vì sao phi công có vợ mới được lái siêu máy bay nhanh nhất của CIA?

Để lái loại máy bay “độc nhất vô nhị” này, CIA (Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ) đưa ra những yêu cầu vô cùng ngặt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN