Giáo hoàng Francis gửi lời đến Tổng thống Nga, Tổng thống Ukraine
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Nga Vladimir Putin nên tuyên bố đình chiến và quay trở lại bàn đàm phán, Giáo hoàng Francis kêu gọi hôm Chủ nhật, 2/10. Ông cảnh báo rằng tình trạng leo thang căng thẳng có thể dẫn đến việc triển khai vũ khí hạt nhân, mang lại những hậu quả thảm khốc.
Giáo hoàng Francis. Ảnh: Reuters
Theo nội dung văn bản được công bố bởi Vatican News, Giáo hoàng Francis mô tả xung đột Ukraine là “một vết thương khủng khiếp và khôn lường đối với nhân loại”, mà hiện chưa có dấu hiệu kết thúc.
“Có một số hành động không bao giờ có thể biện minh được”, ông nói nhưng không đổ lỗi cho bên nào.
Lập luận rằng “chiến tranh không bao giờ là giải pháp”, Giáo hoàng Francis kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức” và thúc giục các bên thương lượng về những giải pháp “không áp đặt bằng vũ lực, mà bằng sự nhất trí, công bằng, ổn định”.
Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, cũng như quyền của các dân tộc thiểu số.
Theo Giáo hoàng, việc kéo dài cuộc xung đột có thể dẫn đến “leo thang hạt nhân”, và có thể gây ra những hậu quả thảm khốc không chỉ cho các bên liên quan, mà còn cho toàn thế giới.
Gửi lời đến Tổng thống Putin, Giáo hoàng Francis kêu gọi “chấm dứt vòng xoáy bạo lực này”. Ông cũng kêu gọi Tổng thống Zelensky “cởi mở với các đề xuất nghiêm túc về hòa bình”.
Giáo hoàng đề nghị các quốc gia khác làm những gì họ có thể làm để chấm dứt giao tranh, không để mình bị lôi kéo vào cuộc xung đột.
Lời kêu gọi của Giáo hoàng được đưa ra vài ngày sau khi Tổng thống Zelensky đăng một thông điệp trên Telegram hôm 30/9, nói rằng Kiev sẽ không đàm phán với Mátxcơva chừng nào Tổng thống Putin vẫn còn nắm quyền.
Bình luận được đưa ra vào ngày Tổng thống Nga ký các hiệp ước sáp nhập 4 vùng lãnh thổ ly khai của Ukraine vào nước này sau các cuộc trưng cầu dân ý.
Ukraine vẫn coi 2 nước cộng hòa tự xưng vùng Donbass cũng như Kherson và Zaporozhye là lãnh thổ nước này.
Kiev cùng nhiều nước phương Tây mạnh mẽ phản đối trưng cầu dân ý và khẳng định sẽ không công nhận kết quả bỏ phiếu.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Điện Kremlin “lùi bước” và chấm dứt “quá trình sáp nhập” 4 khu vực của Ukraine.
Một trong số những điều được nêu rõ trong các hiệp ước là việc xác định rõ biên giới của 4 vùng mới.
Nguồn: [Link nguồn]