Giành lại được lãnh thổ, Iran bất ngờ lấn tới khiến Iraq choáng váng
Quân đội Iran sau khi tái tổ chức không những có thể nhanh chống đẩy lùi hoàn toàn các lực lượng Iraq khỏi lãnh thổ, mà còn phát động chiến dịch tấn công ngược sang lãnh thổ Iraq.
Binh sĩ trên chiến trường trong cuộc chiến tranh Iraq - Iran.
Ở giai đoạn đầu tiên của cuộc xung đột, quân đội Iraq tiến sâu 80 -120km vào lãnh thổ Iran ở tiền tuyến dài 800km, kiểm soát 4 thành phố lớn cho đến khi các nỗ lực tiến công rơi vào bế tắc
Từ tháng 8/1981 cho đến tháng 3/1982, Iran phản công mạnh mẽ đẩy lùi hoàn toàn các lực lượng Iraq khỏi lãnh thổ. Người Iran đã làm điều đó như thế nào?
Trong cuốn sách phân tích cuộc chiến tranh Iraq - Iran, cựu thống chế Ai Cập Abdul-Halim Abu Ghazalah (1930-2008), nêu nhận định rằng Tổng thống Iraq Saddam Hussein và các tướng lĩnh trong bộ Tổng tham mưu luôn chờ đợi Iran đề xuất thỏa thuận ngừng bắn có lợi. Iraq đã chờ đợi như vậy từ cuối năm 1980 cho đến tháng 8/1981.
Nhưng trong giai đoạn này, dư âm của cuộc Cách mạng Hồi giáo vẫn còn rất mạnh mẽ. Người Iran đã đoàn kết quanh Giáo chủ Ruhollah Khomeini để chống ngoại xâm.
Iran đã tận dụng khoảng thời gian này để tái tổ chức quân đội, tăng cường khả năng chiến đấu, nâng cao sĩ khí, tích hợp các Lực lượng Vệ binh Quốc gia (IRGC) vào quân đội chính quy. Iran cũng tìm mọi cách để nhập khẩu vũ khí, phụ tùng thay thế, đạn dược và các trang thiết bị quân sự khác. Cuối cùng Iran lên kế hoạch tấn công dọc tiền tuyến.
Iran chiếm thế chủ động
Kể từ tháng 8/1981, Iran hoàn toàn nắm thế chủ động trong xung đột, tổ chức các đợt tiến công nhỏ với mục đích thăm dò. Tháng 11/1981, Iran tổ chức tiến công quy mô lớn với một sư đoàn bộ binh, một sư đoàn cơ giới và 10.000 quân tinh nhuệ của IRGC. Trong cuộc tiến công này, Iran tái kiểm soát thành phố Bostan, và các ngôi làng lân cận ở phía đông bắc vùng Khuzestan, cách biên giới Iraq khoảng 16km.
Ở tiền tuyến phía nam, Iran cũng tổ chức mũi tiến công với quy mô tương tự, tái kiểm soát thành phố Abadan, khiến quân Iraq phải rút về Khoramshahr, thành phố lớn đầu tiên Iraq kiểm soát từ tay Iran vào tháng 11/1980.
Các cuộc tiến công có kết quả này tạo ra cú hích tinh thần lớn. Trong các cuộc giao tranh, lực lượng bộ binh Iran ít kinh nghiệm hơn đóng vai trò chiến đấu ở tuyến đầu. Lực lượng IRGC tinh nhuệ chỉ chiến đấu ở tuyến sau hoặc khi cần tung ra đòn đánh quyết định.
Các phần gạch chéo màu xanh lá cây biểu thị các vùng lãnh thổ Iraq do Iran kiểm soát.
Khoảng 60.000 quân tinh nhuệ của IRGC sau đó cũng được Iran bổ sung vào hàng ngũ lực lượng chính quy. Lực lượng này đặc biệt am hiểu các phương pháp tác chiến vào ban đêm.
Ở thời điểm đó, Iran đã biết cách sử dụng pháo binh để áp chế các cứ điểm phòng thủ của Iraq, sau đó mới tung lực lượng xung kích vào chiến đấu.
Trong khi Iran không ngừng rút ra kinh nghiệm trong chiến đấu, Bộ Tổng tham mưu Iraq vẫn giữ nguyên các đơn vị tiền tuyến ban đầu của họ và ít quan tâm đến sự mệt mỏi của binh sĩ. Iraq không hề có động thái củng cố tuyến phòng thủ ở các khu vực lãnh thổ kiểm soát từ Iran.
Iran cũng có lợi thế hơn khi tập trung hỏa lực pháo binh nhằm hỗ trợ lực lượng xung kích. Ngược lại, Iraq phải phân tán hỏa lực trên khắp 800km tiền tuyến.
Nếu lực lượng phòng thủ Iraq được pháo binh yểm trợ tốt hơn, họ lẽ ra đã có thể ngăn Iran tái kiểm soát thành phố Abadan, ông Abu Ghazalah viết.
Trong giai đoạn từ tháng 3 - tháng 5/1982, ông Abu Ghazalah cho biết, Iran tổ chức 3 cuộc tiến công lớn mang tên Fatima al-Zahra, Fath và Beit al-Muqadas.
Sau 8 ngày giao tranh kể từ ngày 22/3/1980, 3 sư đoàn bộ binh Iraq bị các lực lượng Iran đánh tan tác, ước tính tổn thất lên tới 20.000 người.
"Đây là các cuộc đụng độ lớn nhất kể từ khi xung đột giữa hai nước nổ ra", một quan chức tình báo Mỹ nói khi đó, theo Washington Post. "Lực lượng Iraq ở Iran đứng trên bờ vực sụp đổ'.
Năm 1982 đánh dấu bước nhảy vọt trong chiến thuật tác chiến với phần lớn là bộ binh. "Chiến thuật biển người" cùng với ý chí chiến đấu của Iran đã áp đảo các lực lượng phòng thủ Iraq.
Tháng 5/1982, Iraq rút quân khỏi thành phố Khorramshahr khi Iran đã giành lại tất cả các vùng lân cận. 10 ngày sau, ông Saddam Hussein đề xuất ngừng bắn, đồng thời rút quân khỏi lãnh thổ Iran. Nhưng Iraq không ngờ một Iran còn chưa ổn định hoàn toàn sau cuộc Cách mạng Hồi giáo, lại có thể không chấp nhận ngừng bắn mà còn phát động chiến dịch quân sự mới.
Iran mở chiến dịch tấn công ngược sang lãnh thổ Iraq
Kể từ năm 1983 - 1987, Iran tổ chức một loạt các chiến dịch tấn công Iraq. Trong chiến dịch Fajr al-Nasr (Bình minh Chiến thắng), Iran muốn kiểm soát tuyến đường cao tốc kết nối thủ đô Baghdad của Iraq với miền bắc. Ở miền nam, lực lượng Iran đặt mục tiêu cô lập hoàn toàn Basra, một trong những thành phố lớn nhất của Iraq.
Trong phần lớn giai đoạn của cuộc chiến, Iraq phải chống đỡ các cuộc tấn công của Iran.
Lực lượng chủ lực Iraq đối phó các đơn vị tiến công của Iran là tập đoàn quân số 4, với quy mô gồm 2 sư đoàn bộ binh, 1 sư đoàn cơ giới và 2 sư đoàn bọc thép. Sau những khó khăn bước đầu, lực lượng Iran áp sát thành phố al-Amarah, cách biên giới Iran khoảng 50km. Trong cuộc đụng độ căng thẳng, hai bên chủ yếu giao tranh bằng cách đấu pháo. Không quân Iran yểm trợ một cách hạn chế vì mạng lưới phòng không dày đặc trong lãnh thổ Iraq.
Ngoài ra, Iran cũng gây sức ép bằng cách nã pháo nhằm vào các thành phố Basra, Khanjein và Mandlee của Iraq. Những bãi mìn, đặc biệt là mìn chống tăng Iraq rải xung quanh thành phố Basra khiến lực lượng Iran chịu tổn thất lớn.
Các chiến thuật giúp Iran giành lại lãnh thổ năm 1982 đến nay tỏ ra không hiệu quả khi tấn công các thành phố lớn của Iraq. Trong giai đoạn này, Iraq vung tiền nhập khẩu số lượng vũ khí gấp 3 lần Iran. Iraq cũng tung vào chiến trường các xe tăng T-72 hiện đại vào thời điểm đó.
Vũ khí đáng kể mà Iran nhập khẩu từ nước ngoài khi đó có thể kể đến chiến đấu cơ F-1 Mirage của Pháp, trang bị tên lửa đối đất Exocet. Nhưng Iraq mua trực thăng tấn công Super Frelon của Pháp, bổ sung thêm năng lực yểm trợ tầm gần.
Trong giai đoạn chống đỡ cuộc tiến công của Iran, Iraq nhận được sự hậu thuẫn từ các quốc gia vùng Vịnh. Các quốc gia dầu mỏ cung cấp tín dụng để Iraq vung tiền mua thêm 300 máy bay các loại, chủ yếu là các oanh tạc cơ và tiêm kích của Liên Xô.
Ngược lại, trong số 400 máy bay Iran sở hữu từ thời trước Cách mạng Hồi giáo năm 1979, chỉ còn 70 chiếc có thể hoạt động tính tới năm 1983.
Năm 1984, Iran phát động cuộc tiến công mới ở Iraq với 250.000 quân (khoảng 25 -33 sư đoàn). Kết thúc giao tranh kéo dài hơn một tháng, Iran tổn thất 20.000 quân nhưng được coi là chiến thắng vì kiểm soát hai hòn đảo Majnoon và Baida của Iraq.
Tuy nhiên, mũi tiến công của Iran ở phía bắc Iraq thất bại, một phần do sự hỗ trợ yếu ớt từ lực lượng ly khai người Kurd. Chiến lược bao vây thủ đô Baghdad vì vậy cũng không thực hiện được.
Theo quan điểm của các nhà quan sát quốc tế, cho đến cuối năm 1986, Iran vẫn chiếm ưu thế trước Iraq. Quân đội Iran dù gặp khó khăn vì thiếu thốn vũ khí, nhưng vẫn tạo được bước tiến, kiểm soát các khu vực chỉ cách Baghdad khoảng 113km. Iran cũng phát triển thành công máy bay không người lái (UAV) vũ trang đầu tiên mang tên Mohajer-1. Mẫu UAV này có thể mang theo 6 đầu đạn chống tăng RPG-7.
Chiến tranh Iraq - Iran là một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất kể từ sau Thế chiến 2.
Đầu năm 1987, Iran tiếp tục mở cuộc tiến công lớn trong lãnh thổ Iraq và mục tiêu vẫn là thành phố Barsa. Iran huy động khoảng 200.000 quân tấn công với 70% thành phần là lực lượng IRGC.
Ở trên bầu trời, các chiến đấu cơ Iraq áp đảo Iran với số lượng 10-1. Chỉ riêng 2 ngày giao tranh, các chiến đấu cơ Iraq xuất kích hơn 500 lần, phá hủy 218 phương tiện bọc thép Iran.
Mặc dù Iran vượt trội hơn trong tác chiến trên bộ, nhưng chiều sâu trong mạng lưới phòng thủ của Iraq ở Barsa ngăn Iran giành được chiến thắng. Sau 8 ngày giao tranh, Mỹ ước tính Iran tổn thất 40.000 quân (tương đương 25% lực lượng) còn Iraq tổn thất 10.000 quân. Tổn thất lớn khiến Iran mất động lực tiến công và phải rút lui dù đã tiến sát đến cửa ngõ thành phố.
Cuộc chiến Iraq - Iran cứ như vậy diễn ra theo cách Iran nắm thế chủ động nhưng không giành được chiến thắng quyết định, còn Iraq có nguồn lực hỗ trợ từ nước ngoài để tiếp tục chiến đấu.
Xung đột chỉ đi đến hồi kết khi Mỹ chính thức can dự trong một cuộc đụng độ với Iran vào năm 1988. Sau cuộc đụng độ này, Iran cảm thấy cần phải chấm dứt chiến tranh.
____________________
Không phải là đồng minh của Iraq ở thời điểm nước này có chiến tranh với Iraq, nhưng Mỹ thấy có lý do để quyết định can dự vào cuộc chiến. Một trận hải chiến hiếm hoi và đầy kịch tính giữa hải quân Mỹ và Iran đã diễn ra. Mời độc giả đón đọc chi tiết trong bài kỳ 3, xuất bản sáng sớm ngày 20/11.
Tháng 9/1980, quân đội Iraq bất ngờ mở chiến dịch tấn công nước láng giềng Iran, khởi đầu cho cuộc chiến tranh Iraq - Iran kéo dài 8 năm, khiến hơn 500.000 người chết, trong đó...
Nguồn: [Link nguồn]