Gian nan con đường tái thiết Ukraine

Các dấu hiệu cho thấy phương Tây đang chuẩn bị mở "hầu bao" để giúp Ukraine tái thiết khi các quan chức chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân toàn cầu đến London (Anh) ngày 21/6 tham dự Hội nghị quốc tế về phục hồi và tái thiết Ukraine.

Tuy nhiên, những thách thức vẫn rất lớn, trong đó có vấn đề tham nhũng ở Ukraine, trong đó nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) vẫn cảnh giác. Do đó, gói viện trợ của EU thường đi kèm với các điều kiện ràng buộc.

Tình hình kinh tế khó khăn và các cuộc bầu cử sắp tới ở phương Tây có thể ảnh hưởng đến sự hỗ trợ của họ cho Ukraine. Ảnh: Downing Street

Tình hình kinh tế khó khăn và các cuộc bầu cử sắp tới ở phương Tây có thể ảnh hưởng đến sự hỗ trợ của họ cho Ukraine. Ảnh: Downing Street

Đối với nhiều quốc gia, việc hỗ trợ Ukraine giống như một "canh bạc" đáng tham gia, khi EU nỗ lực ngăn chặn thảm họa kinh tế và nhân đạo ở châu Âu. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Liên hợp quốc (LHQ) và Ủy ban châu Âu (EC), khoản tiền cần thiết đã là 411 tỷ USD và con số này sẽ chỉ tăng lên khi xung đột tiếp diễn. EC ngày 20/6 đã công bố một dự án mới kéo dài nhiều năm, trị giá hàng tỷ euro để giúp tái thiết Ukraine.

Đây là một kế hoạch tài trợ nhiều năm và rất tốn kém. Cùng với đó, các nhà đầu tư tư nhân cũng đang khởi động kế hoạch của họ. Đối với Ukraine, điều quan trọng là dự án phục hồi bắt đầu ngay bây giờ. Giới chuyên gia nhận định rằng, châu Âu hiện đang ở một thời điểm quyết định và câu hỏi ở đây là liệu họ có nên cung cấp cho Ukraine các nguồn lực cũng như khoản đầu tư cần thiết để tái thiết hay không, ngay cả khi xung đột đang diễn ra ác liệt. Đó là một nhiệm vụ đầy khó khăn và thách thức. Các nhu cầu của Ukraine bao gồm từ việc xây dựng lại hơn 300 cây cầu đã bị phá hủy, đến gỡ, phá mìn và xử lý hàng triệu tấn chất thải công nghiệp do các cuộc oanh tạc. Nhưng bất chấp quy mô của thách thức, EU đang có những nỗ lực lớn, ít nhất là vào lúc này.

Kế hoạch mà EU công bố, được mệnh danh là "Công trình của Ukraine", sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính lên tới 50 tỷ euro cho Ukraine từ năm 2024 - 2027, trong đó bao gồm 33 tỷ euro cho vay và 17 tỷ euro tài trợ, sẽ được quản lý thông qua một công cụ đặc biệt mới có tên là "Nguồn dự trữ Ukraine". Bên cạnh đó, EC cũng đang đàm phán với Ngân hàng Đầu tư châu Âu để cung cấp bảo lãnh ngân sách của EU nhằm tài trợ khoản vay 100 triệu euro khác cho Ukraine. Đó là một cam kết quan trọng của EU vào thời điểm ngân sách của họ đang phải đối mặt với nhiều yêu cầu từ các quốc gia thành viên - từ xây dựng năng lực phòng thủ tập thể của riêng mình và di cư bất thường, đến củng cố khả năng cạnh tranh và cơ sở công nghiệp của EU.

Động lực của EU đằng sau quyết định trên có thể là do họ lo ngại dễ bị tổn thương trước bất kỳ sự bất ổn nào ở Ukraine. Sau quyết định của Hội đồng châu Âu (EP) về việc trao tư cách thành viên cho Ukraine và Moldova vào năm ngoái, Ukraine đang trên đường gia nhập EU. Do đó, lợi ích của EU là một quốc gia 40 triệu dân mà một ngày nào đó có thể gia nhập khối là một nền dân chủ ổn định, lành mạnh về kinh tế. EU cũng đang để mắt đến tiềm năng của Ukraine theo những cách khác. Phó Chủ tịch EC Maros Sefcovic cho rằng Ukraine có thể là một nguồn tài nguyên quan trọng đối với lục địa này cũng như có thể đóng vai trò là trung tâm lưu trữ năng lượng của châu Âu.

Nhưng những thách thức vẫn nhiều, trong đó có vấn đề tham nhũng ở Ukraine, trong đó nhiều nước EU vẫn cảnh giác. Do đó, gói viện trợ của EU thường đi kèm với các điều kiện ràng buộc. Brussels sẽ thực hiện kiểm soát đáng kể đối với cách thức phân phối và triển khai vốn.

Theo đề xuất của EC được công bố hôm 20/6, Chính phủ Ukraine phải chuẩn bị một "Kế hoạch Ukraine" nêu chi tiết tầm nhìn của họ đối với nước này trong khi đáp ứng các tiêu chuẩn của EU về quản trị và hành chính công. Tiền sẽ được giải ngân hàng quý, miễn là các điều kiện được đáp ứng. Các công ty và chính phủ khác cũng đang vật lộn với thách thức đầu tư vào các dự án ở một đất nước vẫn còn xung đột. Quỹ phát triển mới của Ukraine sẽ không thực sự được đầu tư ngân sách cho đến khi xung đột kết thúc.

Nổi lên trong cuộc thảo luận về đầu tư trước Hội nghị quốc tế về phục hồi và tái thiết Ukraine là vấn đề bảo hiểm, một rào cản lớn đối với các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nước này. Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis cho biết họ đang thảo luận với một số đối tác về một kế hoạch tiềm năng nhằm khuyến khích ngành bảo hiểm triển khai các chính sách bảo hiểm chiến tranh cho Ukraine. Một vấn đề gây tranh cãi khác là liệu tài sản của Nga, đặc biệt là khoản dự trữ ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng ước tính trị giá 300 tỷ USD, có nên được sử dụng để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine hay không. Một dự luật lưỡng đảng đã được giới thiệu tại Thượng viện Mỹ trong tuần này ủng hộ động thái trên. Chưa hết, cùng với tình hình kinh tế khó khăn, các cuộc bầu cử sắp tới ở phương Tây có thể ảnh hưởng đến sự hỗ trợ của họ cho Ukraine.

Tại Brussels, quyết định vẫn chưa được đưa ra, khi EU cố gắng đạt được sự đồng thuận trong bối cảnh một số quốc gia lo ngại về tính hợp pháp của một động thái như vậy và tiền lệ mà nó có thể đặt ra. Khi cuộc xung đột ở Ukraine và cuộc tranh luận về cách tài trợ cho công cuộc tái thiết Ukraine vẫn tiếp diễn, vấn đề tài sản của Nga có thể trở thành tranh cãi lớn tiếp theo. Nhưng ngay cả khi những rào cản này được vượt qua, nhiều người vẫn cảnh báo về quy mô của thách thức phía trước. Chuyên gia Jacob Funk Kirkegaard, một thành viên cao cấp tại Quỹ Marshall của Đức, lo ngại rằng, kế hoạch của EU không đủ tham vọng, đặc biệt nếu EU quyết định rằng Ukraine cuối cùng sẽ trở thành thành viên của EU vào đầu những năm 2030.

Nguồn: [Link nguồn]

Tại sao cơ hội chiến thắng của Ukraine trong năm 2023 là rất nhỏ?

Ukraine đã bắt đầu chiến dịch phản công được 20 ngày và tuyên bố giành được một số khu vực, tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng những chiến tích này là không đủ để Kiev...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khổng Hà (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN