Gián khổng lồ ‘tái xuất’ ở Úc sau hơn 80 năm biến mất
Một sinh viên ngành sinh học ở Úc phát hiện một con gián khổng lồ thuộc loài gián ăn gỗ tưởng chừng như đã tuyệt chủng từ những năm 1930.
Một sinh viên ngành sinh học đã phát hiện một con gián khổng lồ thuộc loài gián ăn gỗ bản địa của đảo Lord Howe (Úc) được cho là đã tuyệt chủng từ những năm 1930, theo hãng tin Sputnik.
Con gián ăn gỗ lớn không cánh này có tên khoa học là Panesthia lata, được anh Maxim Adams (một sinh viên tại ĐH Sydney) phát hiện dưới những tảng đá gần một cây đa ở thành phố North Bay, thuộc đảo Lord Howe (Úc).
Những con gián ăn gỗ này từng sống trên khắp đảo Lord Howe nhưng chúng bắt đầu biến mất sau sự xuất hiện của loài chuột trên đảo vào năm 1918.
Một con gián ăn gỗ thuộc loài Panesthia lata. Ảnh: SPUTNIK
Ông Atticus Fleming, một quan chức của đảo Lord Howe cho biết: “Thật tuyệt vời khi loài này còn sống sót vì đã hơn 80 năm kể từ khi chúng được nhìn thấy lần cuối cùng”.
“Đảo Lord Howe thực sự là một nơi tuyệt vời, đây là nơi sinh sống của 1.600 loài động vật bản địa không xương sống, một nửa trong số đó không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới” - ông nói thêm.
Loài gián Panesthia lata có chiều dài 22-40 mm, với cơ thể màu hơi đỏ hoặc đen, óng ánh như kim loại.
Úc là nơi sinh sống của 11 loại gián gỗ Panesthia. Loài côn trùng này đào hang trên núi và chuyên ăn các khúc gỗ mục nát trong các khu rừng trên bờ biển phía bắc và phía đông nước Úc. Trong ruột chúng có những vi sinh vật giúp tiêu hóa cellulose trong gỗ.
Theo các nhà khoa học, loài gián ăn gỗ rất quan trọng để duy trì một hệ sinh thái cân bằng trên đảo vì chúng giúp đẩy nhanh quá trình phân hủy gỗ mục và cũng là nguồn thức ăn cho các loài động vật khác.
Nguồn: [Link nguồn]
Một người chủ trang trại ở Malaysia hết sức bất ngờ khi phát hiện con trăn khổng lồ dài 6 mét, nặng 77kg nằm yên vị trong chuồng dê với phần bụng căng phồng.