Giám đốc tài chính Huawei đối mặt hàng chục năm tù
Một công tố viên Canada hôm 7-12 cho biết bà Meng Wanzhou, Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Huawei (Trung Quốc), đang đối mặt với các cáo buộc từ Mỹ về việc che giấu hoạt động buôn bán thiết bị cho Iran.
Tại phiên tòa diễn ra ở TP Vancouver – Canada, công tố viên nói trên cho biết bà Meng đã che giấu các mối quan hệ của Huawei với Công ty công nghệ Skycom Tech (trụ sở Hồng Kông).
Skycom Tech tìm cách bán các các thiết bị của Mỹ cho Iran bất chấp lệnh cấm của Mỹ và khối Liên minh châu Âu (EU) – công tố viên Canada cho biết, đồng thời nói thêm rằng các công tố viên Mỹ khẳng định bà Meng không trung thực với các ngân hàng hỏi bà về mối quan hệ giữa Huawei và Skycom Tech.
Nếu bị dẫn độ sang Mỹ, bà Meng sẽ đối mặt với nhiều tội danh liên quan đến hành vi âm mưu lừa gạt các tổ chức tài chính. Theo Reuters, án tù giam tối đa cho mỗi tội danh này lên đến 30 năm.
Bà Meng Wanzhou, con gái nhà sáng lập Tập đoàn Huawei. Ảnh: EPA
Phiên tòa hôm 7-12 được tổ chức để ra phán quyết về việc liệu bà Meng, ái nữ 46 tuổi của nhà sáng lập Huawei, được phép tại ngoại hay tiếp tục bị giam giữ.
Công tố viên Canada khẳng định không nên cho phép bà Meng tại ngoại để tránh trường hợp bà bỏ trốn. Trong khi đó, luật sư của bà Meng, David Martin, khẳng định thân chủ của ông chắc chắn sẽ không làm như vậy vì bà không muốn ảnh hưởng đến danh tiếng của cha mình. "Ông có thể tin tưởng bà Meng. Bà ấy sẽ không bỏ trốn vì không muốn làm mất mặt cha mình. Bà ấy rất thương cha" – ông Martin lập luận.
Người phát ngôn của Huawei vẫn chưa lên tiếng về phiên toàn này. Trước đó, Huawei khẳng định họ tuân thủ nghiêm mọi lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế.
Bà Meng bị bắt giữ tại Canada vào hôm 1-12 theo yêu cầu của Mỹ. Vụ việc diễn ra cùng ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Argentina để bàn bạc về các giải pháp giải quyết chiến tranh thương mại.
Hôm 7-12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Cảnh Sảng, khẳng định Canada và Mỹ chưa trưng ra bất cứ bằng chứng nào với Trung Quốc về hành vi phạm tội của bà Meng. Bắc Kinh yêu cầu bà Meng được trả tự do, ông Cảnh tuyên bố.
Việc bà Mạnh bị bắt “mang lại nguy cơ khổng lồ làm trật đường ray đối thoại thương mại Mỹ-Trung”.