Giải quyết tranh chấp siêu đập thủy điện chặn dòng sông Nile: Mấu chốt ở TQ?

Trung Quốc có thể không trực tiếp tài trợ cho siêu đập thủy điện lớn nhất châu Phi chặn dòng sông Nile nhưng Bắc Kinh cung cấp các khoản vay cho cơ sở hạ tầng liên quan và có một sự quan tâm đặc biệt tới tranh chấp nước sông Nile của 3 quốc gia châu Phi.

Siêu đập thủy điện Đại Phục Hưng của Ethiopia. Ảnh: Eastern Herald

Siêu đập thủy điện Đại Phục Hưng của Ethiopia. Ảnh: Eastern Herald

Theo SCMP, Ethiopia, Sudan và Ai Cập - 3 nước châu Phi mâu thuẫn gay gắt về siêu đập thủy điện Đại Phục Hưng 4,6 tỷ USD của Ethiopia - đều là đồng minh quan trọng của Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh có thể tận dụng ảnh hưởng ngoại giao và kinh tế của mình để giảm căng thẳng và tìm ra giải pháp lâu dài giải quyết tranh chấp.

Trung Quốc không trực tiếp tài trợ cho quá trình xây dựng siêu đập Đại Phục Hưng hay đóng vai trò chính thức trong các cuộc đàm phán hòa giải tranh chấp giữa 3 đồng minh thông qua Liên minh châu Phi (AU), nhưng Bắc Kinh có nhiều đầu mối ngoại giao và đầu tư ở 3 nước châu Phi này.

Các khoản tiền đầu tư của Trung Quốc tại Ai Cập, Ethiopia và Sudan, tập trung vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn, bao gồm các đặc khu kinh tế, đường sắt, đường cao tốc, nhà máy lọc dầu và các thành phố mới như thành phố thủ đô hành chính đang được xây dựng ở Ai Cập.

Hầu hết dự án là một phần của sáng kiến "Vành đai Con đường", dự án trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư trên khắp châu Á, châu Phi và châu Âu.

Các công ty và ngân hàng Trung Quốc đã tài trợ cho đường dây tải điện chính của siêu đập thủy điện ở Ethiopia, giúp dẫn điện tới các thị trấn và thành phố lân cận. Một số công ty Trung Quốc khác là nhà thầu phụ cho siêu đập này.

Năm 2019, Ethiopia được trao các hợp đồng trị giá hơn 40 triệu USD và 112 triệu USD từ 2 tập đoàn Trung Quốc: China Gezhouba Group và Voith Hydro Shanghai.

Năm 2013, Trung Quốc đã cho Ethiopia vay 1,2 tỷ USD để xây dựng các đường dây tải điện, kết nối siêu đập thủy điện với các thị trấn và thành phố lớn. Năm 2019, Bắc Kinh cũng hứa cho Ethiopia vay thêm 1,8 tỷ USD để mở rộng lưới điện của quốc gia châu Phi này, sau chuyến thăm của Thủ tướng Ethiopia tới Bắc Kinh.

Trung Quốc đầu tư khá nhiều vào 3 nước châu Phi đang có tranh chấp ở sông Nile. Hầu hết dự án đầu tư nằm trong sáng kiến "Vành đai Con đường" của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: CGTN

Trung Quốc đầu tư khá nhiều vào 3 nước châu Phi đang có tranh chấp ở sông Nile. Hầu hết dự án đầu tư nằm trong sáng kiến "Vành đai Con đường" của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: CGTN

Hôm 22/7/2020, Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed xác nhận đã hoàn thành mục tiêu giai đoạn đầu làm đầy hồ chứa của siêu đập thủy điện Đại Phục Hưng với 4,9 tỷ m3 nước. Trước đó, 2 nước ở hạ nguồn sông Nile là Ai Cập và Sudan kịch liệt phản đối động thái trữ nước sông Nile Xanh (1 nhánh thượng nguồn sông Nile) của Ethiopia.

"Việc hoàn thành đợt trữ nước đầu tiên của siêu đập thủy điện là khoảnh khắc lịch sử, thể hiện cam kết phục hưng đất nước của người Ethiopia", Thủ tướng Ethiopia tuyên bố.

Theo ông Ahmed, làm đầy hồ chứa của siêu đập thủy điện Đại Phục Hưng sẽ giúp Ethiopia có thể sản xuất điện vào năm 2021 từ 2 tuabin. Tuyên bố hôm 22/7 của Thủ tướng Ethiopia được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, kiêm chủ tịch AU, tổ chức cuộc gặp giữa lãnh đạo 3 nước Ethiopia, Ai Cập, Sudan và một số quốc gia châu Phi khác để thảo luận tìm cách giải quyết tranh chấp.

Ông Ramaphosa cho biết, các cuộc đàm phán 3 bên sẽ tiếp tục thông qua AU để giải quyết các tranh chấp. Ai Cập và Sudan vẫn chưa có phản hồi sau tuyên bố của Ethiopia.

Dù Trung Quốc đã tránh liên quan trực tiếp đến tranh chấp về siêu đập thủy điện Đại Phục Hưng, các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh nên có tiếng nói rõ ràng hơn để giúp giải quyết bất đồng giữa 3 đồng minh.

Stephen Chan, giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi (Anh), cho biết Bắc Kinh có thể sử dụng kinh nghiệm xây dựng đập và quản lý các tác động của siêu đập để giúp 3 đồng minh đạt được thỏa thuận chung.

"Những gì Trung Quốc có thể làm là nâng cao các bản thiết kế mực nước theo giai đoạn và giải phóng nước theo giai đoạn từ siêu đập Đại Phục Hưng, đảm bảo công bằng cho các bên", Stephen nhận định.

Mohammed Soliman, một học giả tại Viện tư tưởng Trung Đông (trụ sở tại Washington, Mỹ), cho biết quan điểm của Trung Quốc là hỗ trợ quá trình đàm phán do AU dẫn đầu.

"Trung Quốc có mối quan hệ khá mật thiết với Ai Cập và Ethiopia cũng như tham gia xây dựng và tài trợ cho các dự án phát triển kinh tế lớn ở 2 nước này. Bắc Kinh thực sự quan tâm tới việc hạ nhiệt căng thẳng giữa 2 đồng minh châu Phi này. Sự can thiệp của Trung Quốc sẽ giúp niềm tin của Ai Cập và Ethiopia, vốn giảm sút nghiêm trọng, được phục hồi", Soliman nói.

Hồi tháng 3, các cuộc đàm phán do Mỹ tổ chức đã không đạt được kết quả như mong muốn sau khi Ethiopia rút khỏi đàm phán vì cho rằng Mỹ ủng hộ Ai Cập.

Trong cuộc đàm phán do AU tổ chức kết thúc hôm 13/7, các bên cũng không đạt được thỏa thuận về các vấn đề bao gồm giảm thiểu hạn hán và liệu các thỏa thuận về siêu đập Đại Phục Hưng có ràng buộc theo luật pháp quốc tế hay không.

Trong các cuộc điện đàm riêng hồi tháng 6 với 2 người đồng cấp Ai Cập và Ethiopia - Sameh Shoukri và Gedu Andargachew, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ mong muốn các bên đối thoại để tìm ra giải pháp chung chấp nhận được với các bên.

Ông Vương cho biết Trung Quốc "sẵn sàng đóng vai trò xây dựng" trong quá trình đàm phán này. Tuy nhiên, do có mối quan hệ chặt chẽ với cả Ai Cập, Ethiopia và Sudan nên Trung Quốc sẽ cố tránh xa nghi ngờ liên quan tới tranh chấp nguồn nước sông Nile.

"Trung Quốc không muốn gây tác động tiêu cực cho các mối quan hệ với 3 nước đồng minh châu Phi", David Shinn, cựu đại sứ Mỹ tại Ethiopia kiêm giáo sư Trường quan hệ quốc tế Elliott, thuộc Đại học George Washington, nhận định.

"Trung Quốc có thể giúp đỡ bằng cách cung cấp kinh phí cho các hoạt động quản lý nước ở cả Sudan và Ai Cập", David nói thêm.

Siêu đập thủy điện Đại Phục Hưng trên sông Nile Xanh đang là tâm điểm tranh cãi giữa 3 nước Ethiopia, Ai Cập và Sudan. Ảnh: Egypt Independent

Siêu đập thủy điện Đại Phục Hưng trên sông Nile Xanh đang là tâm điểm tranh cãi giữa 3 nước Ethiopia, Ai Cập và Sudan. Ảnh: Egypt Independent

Siêu đập thủy điện của Ethiopia là ngọn nguồn của căng thẳng tại các nước thuộc lưu vực sông Nile kể từ khi nó được khởi công năm 2011. Ethiopia đã lên kế hoạch làm đầy hồ chứa vào mùa mưa trong tháng 7 nhưng Ai Cập và Sudan lo ngại động thái này có thể làm giảm mực nước sông Nile, gây hậu quả nghiêm trọng cho 2 nước ở hạ lưu sông.

Tuần trước, căng thẳng đã gia tăng khi nhiều nguồn tin và hình ảnh vệ tinh từ Cơ quan vũ trụ châu Âu cho thấy, Ethiopia đã bắt đầu tích nước vào hồ chứa của siêu đập Đại Phục Hưng, có khả năng tích trữ 74 tỷ m3 nước. 

Sông Nile Xanh, bắt nguồn từ Ethiopia, là nhánh cung cấp nước chính cho sông Nile ở Ai Cập. Một yếu tố khác gây tranh cãi là hiệp ước thời thuộc địa được ký năm 1929 (Ethiopia không tham gia), đảm bảo quyền độc quyền của Ai cập đối với nguồn nước sông Nile. Hiệp ước này bị phản đối bởi nhiều nước, trong đó có Ethiopia.

Siêu đập thủy điện Đại Phục Hưng, công trình khổng lồ đầy tự hào với người Ethiopia, lại là "đại họa" với Ai Cập, quốc gia phụ thuộc 90% vào nguồn nước sông Nile, theo giới chức Ai Cập. Nền kinh tế của quốc gia 100 triệu dân này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu nguồn nước sông Nile sụt giảm. Ai Cập cho rằng siêu đập Đại Phục Hưng là mối đe dọa tiềm tàng với quốc gia này.

Nguồn: [Link nguồn]

Video mô phỏng vỡ đập Tam Hiệp gây xôn xao mạng xã hội TQ

Một video mô phỏng hậu quả thảm khốc nếu sự cố vỡ đập Tam Hiệp xảy ra được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN