Giải pháp xoa dịu căng thẳng Mỹ - Trung ở Biển Đông
Mỹ, Trung Quốc thời gian qua tăng cường đáng kể hoạt động quân sự ở Biển Đông và các vùng biển kế cận, do đó cần nhanh chóng có cơ chế quản lý khủng hoảng trước khi xảy ra đụng độ đáng tiếc.
Vừa rồi, Hải quân Mỹ công bố nguyên nhân khiến tàu ngầm USS Connecticut gặp nạn trên Biển Đông là do va phải núi ngầm dưới lòng biển, chứ không phải va chạm với tàu khác. Tuy nhiên, phía Trung Quốc (TQ) chỉ trích rằng Mỹ thông tin “thiếu trách nhiệm” và yêu cầu phía Mỹ phải công bố đầy đủ, chi tiết vị trí, diễn biến xảy ra tai nạn, cũng như tàu Mỹ làm gì tại địa điểm đó để rồi gặp nạn.
Từ vụ việc và từ sự theo đuổi quyết liệt của TQ, có thể thấy tình hình Biển Đông vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ căng thẳng có thể dẫn đến xung đột. Điều này càng đáng ngại hơn với việc cả hai nước thời gian qua đều tăng hiện diện ở vùng biển này.
Dù cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực ở châu Á, song Mỹ và TQ vẫn có điểm tương đồng về lợi ích để có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác, mà vấn đề giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là một ví dụ. Lãnh đạo hai bên cần phải tận dụng sự tương đồng này để hòa hoãn và tiến tới tương lai hòa bình. TS Đông Á học ROBIN WELLS, ĐH Harvard (Mỹ) |
Cả Mỹ, Trung Quốc đều tăng hoạt động quân sự
Tờ South China Morning Post ngày 4-11 dẫn báo cáo vừa công bố của tổ chức nghiên cứu Sáng kiến thăm dò tình hình chiến lược ở Biển Đông (SCSPI) thuộc ĐH Bắc Kinh (TQ) về hoạt động quân sự của Mỹ tại các vùng biển trong khu vực.
Theo Chủ tịch Viện nghiên cứu Biển Đông (TQ) Ngô Sĩ Tồn, quân đội Mỹ đã thực hiện khoảng 500 chuyến bay do thám ở Biển Đông từ đầu năm đến nay, nếu tính cả ở Hoàng Hải và biển Hoa Đông thì con số này lên 2.000, tăng nhiều so với con số 1.000 của năm ngoái. Mỹ cũng đã 14 lần điều máy bay ném bom đến Biển Đông trong năm nay.
Không chỉ trên không, Mỹ cũng tăng cường hoạt động trên biển. Từ đầu năm đến nay, các nhóm tàu sân bay Mỹ đi vào Biển Đông chín lần, đưa 11 tàu ngầm đến vùng biển này, trong đó có tàu USS Connecticut vừa bị nạn. Hải quân Mỹ cũng tăng cường tập trận với đồng minh, đối tác ở Biển Đông, chẳng hạn nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson đã có nhiều cuộc tập trận chung với tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh trong tháng 10.
Theo nhiều nhà quan sát thì động thái của Mỹ là chỉ dấu của chiến lược vây hãm quân sự mà nước này và đồng minh, đối tác đang theo đuổi nhằm đối phó TQ.
Không kém cạnh Mỹ, dù chưa có số liệu chính thức về các cuộc tập trận mà TQ đã thực hiện ở các vùng biển xung quanh nước này thời gian gần đây, song dựa vào những thông tin được truyền thông TQ công bố chính thức cũng có thể thấy nước này thời gian qua không hề ngồi yên nhìn Mỹ và đồng minh ồ ạt tiến vào khu vực.
Gần đây nhất, tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn thông báo của Cơ quan Hải sự TQ cho biết các lực lượng TQ từ ngày 3-11 tổ chức một cuộc diễn tập bắn đạn thật ở biển Hoa Đông kéo dài một tuần. Sự kiện này diễn ra ngay sau khi một cuộc tập trận khác trên Biển Đông vừa kết thúc hôm 31-10. Hồi tháng 8, TQ cũng từng tiến hành chuỗi ba cuộc tập trận với quy mô tương tự liên tiếp trên Biển Đông, phía bắc biển Hoàng Hải và vịnh Bột Hải. Tính từ tháng 1 tới thời điểm đó, TQ cũng đã thực hiện ít nhất 26 cuộc tập trận lớn nhỏ.
Một chuyên gia quân sự TQ giấu tên cho biết các cuộc diễn tập gần đây không nhất thiết chỉ có mục tiêu duy nhất là đối chọi trực tiếp với hoạt động quân sự chung của Mỹ và đồng minh, mà thể hiện “quyết tâm và năng lực bảo vệ lãnh thổ” của TQ.
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ tham gia tập trận cùng một số tàu chiến thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật ở Biển Đông hồi cuối tháng 10. Ảnh: AP
Nguy cơ va chạm quân sự gia tăng
Theo ông Ngô Sĩ Tồn, nhìn chung hệ lụy trước mắt khi Mỹ, đồng minh và TQ tăng hoạt động quân sự ở Biển Đông và các vùng biển khác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là làm gia tăng nguy cơ đụng độ quân sự dù vô tình hay hữu ý. Chỉ cần binh sĩ của một bên không giữ được bình tĩnh khi đối đầu với lực lượng nước còn lại là sẽ gây ra các hậu quả khó lường.
Ông Ngô nhắc lại một sự cố năm 2001 khi máy bay trinh sát của Mỹ va chạm với một máy bay chiến đấu của TQ, khiến phi công TQ thiệt mạng và buộc máy bay Mỹ phải hạ cánh xuống đảo Hải Nam. Ông Ngô cho rằng nếu có một vụ va chạm khác ở Biển Đông giống những gì đã xảy ra vào năm 2001 thì đó sẽ là thảm họa.
Theo ông Ngô, TQ và Mỹ trong thời gian tới nếu đã xác định là không thể giảm được mức độ hoạt động quân sự dày đặc trên Biển Đông và các vùng biển kế cận thì nên xúc tiến thiết lập một cơ chế giải quyết mâu thuẫn, phòng trường hợp xảy ra một vụ tương tự năm 2001. Cơ chế mới phải cập nhật đầy đủ các loại hình khí tài mới nhất mà hai bên đem ra triển khai ngoài thực địa, như các loại tàu ngầm và máy bay không người lái, chứ không chỉ mỗi tàu chiến nổi có người lái.
Trong một bài viết cho tạp chí War on the Rocks gần đây, chuyên gia Jacob Stokes thuộc Viện Hòa bình Mỹ cũng có quan điểm tương tự khi cho rằng tình thế đối đầu quân sự hiện nay đòi hỏi hai bên phải thống nhất được loạt cơ chế mới với đầy đủ công cụ thích hợp cần thiết để hai bên tự giải quyết mâu thuẫn một cách chủ động và hiệu quả.
Mỹ và TQ cần tìm hiểu càng nhiều càng tốt cách bên kia sẽ phản ứng như thế nào trong trường hợp khủng hoảng xảy ra. Cụ thể, cần phải nắm rõ cách thức thông tin từ các kênh ngoại giao được chuyển lên các cấp lãnh đạo ở quân đội, chính phủ và ngược lại. Những thông tin này sẽ cho phép lãnh đạo hai bên tìm và kết nối đúng người cần trao đổi để giải quyết khủng hoảng.
Bên cạnh đó, Washington nên thiết lập cơ chế quản lý khủng hoảng trong các lĩnh vực mà nước này có thể kiềm chế, cũng như tránh có các động thái có thể thúc đẩy tham vọng của Bắc Kinh. Mỹ nên thận trọng tránh để TQ có niềm tin rằng Mỹ sẽ không leo thang khủng hoảng, vì điều đó có thể sẽ khuyến khích TQ ngày càng lấn tới trong việc mở rộng ảnh hưởng quân sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hoặc tiếp tục bắt nạt các nước xung quanh.
Hai nước cũng nên kêu gọi các quốc gia khác cùng tham gia kiểm soát khủng hoảng. Việc thiết lập cơ chế đa phương nên bao gồm cả những nước vừa và nhỏ, thay vì chỉ những chủ thể lớn có tiếng nói mạnh trên trường quốc tế, bởi các nước vừa và nhỏ không muốn bị kẹt ở giữa khi mâu thuẫn hai nước lên cao.
Việt Nam phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Tại buổi họp báo hôm 4-11, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã lên tiếng trước các thông tin và hình ảnh vệ tinh ghi cảnh gần 150 tàu nghi là tàu dân quân biển TQ hiện diện ở cụm đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, sau nhiều tháng tản ra các thực thể xung quanh. Bà Hằng cho biết việc các tàu TQ hoạt động trong phạm vi lãnh hải cụm đảo Sinh Tồn Đông đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và đi ngược lại tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). “Việt Nam kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử, khẳng định chủ quyền với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập theo UNCLOS 1982” - bà Hằng nhấn mạnh. |
Nguồn: [Link nguồn]
Máy bay trinh sát đặc biệt WC-135 của Mỹ có thể đã xuất hiện ở Biển Đông để thăm dò dấu vết phóng xạ, sau sự cố...