Giải pháp mới của NATO về vấn đề lãnh đạo
Vấn đề tìm kiếm nhân sự thay thế Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tạm thời được NATO giải quyết.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trò chuyện với các binh sĩ thuộc lực lượng Anh (ảnh: CNN)
Hôm 4/7, NATO quyết định gia hạn nhiệm kỳ Tổng thư ký của ông Stoltenberg thêm 1 năm. Quyết định được đưa ra khi 31 nước thành viên khối này chưa tìm được người phù hợp thay thế vị trí của ông Stoltenberg.
Ông Stoltenberg – cựu Thủ tướng Na Uy – là Tổng thư ký của NATO từ năm 2014. Nếu nhiệm kỳ không được gia hạn, ông Stoltenberg sẽ rời ghế vào tháng 9 năm nay.
“Thật vinh dự khi các nước đồng minh NATO quyết định gia hạn nhiệm kỳ Tổng thư ký của tôi đến ngày 1/10/2024. Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, giữa châu Âu và Bắc Mỹ, đã bảo đảm tự do và an ninh cho chúng ta gần 75 năm. Vào thời điểm thế giới trở nên nguy hiểm hơn, liên minh của chúng ta quan trọng hơn bao giờ hết”, ông Stoltenberg viết trên Twitter hôm 4/7, sau khi đồng ý giữ chức Tổng thư ký NATO thêm 1 năm.
Theo Reuters, các nước thành viên NATO có ý định chọn người kế nhiệm ông Stoltenberg trong hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 tới. Tuy nhiên, thời gian là khá gấp để NATO lựa chọn nhân sự lãnh đạo.
“Các nước thành viên NATO quyết định rằng, người có thể giữ chức tổng thư ký phải là nhân sự tốt nhất mà họ có. Kinh nghiệm là rất quan trọng, đặc biệt là trong thời điểm thách thức bậc nhất lịch sử của NATO”, Jamie Shea – cựu quan chức NATO – nói với Reuters.
Theo tờ báo Anh, các nhiệm vụ tiếp theo của ông Stoltenberg bao gồm giám sát quá trình cải tổ của lực lượng NATO, tăng cường phòng thủ trước Nga, quản lý mức độ can dự của NATO ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đẩy mạnh viện trợ quân sự cho Ukraine.
Hôm 4/7, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết, ông vui mừng vì được tiếp tục làm việc với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
“Tin rất tốt là nhiệm kỳ tổng thư ký của ông Jens Stoltenberg được gia hạn. Thời điểm khó khăn này đòi hỏi sự lãnh đạo mạnh mẽ. Ông Stoltenberg đã chứng tỏ điều đó”, ông Kuleba viết trên Twitter.
Theo Reuters, nhiều nước thành viên NATO đã tích cực hỗ trợ cho Ukraine trong xung đột. Tuy nhiên, cuộc chiến ở Ukraine cũng bộc lộ những rạn nứt trong khối quân sự lớn nhất thế giới. Một số nước thành viên NATO, như Hungary, phản đối viện trợ quân sự cho Ukraine. Kịch bản Ukraine gia nhập NATO được Lithuania, Estonia và Latvia ủng hộ mạnh mẽ, nhưng bị Đức phản đối.
Nguồn: [Link nguồn]
2 tổ hợp phòng không NASAMS hiện đại bậc nhất của NATO trị giá hơn 10 triệu USD sẽ được quốc gia vùng Bắc Âu gửi tới Ukraine.