Giải pháp Đức có thể phải dùng đến sau khi Nga ngừng đường ống Nord Stream 1
Uniper, nhà nhập khẩu khí đốt hàng đầu của Đức, không loại trừ khả năng nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ phải cân nhắc áp đặt quy tắc phân chia định mức khí đốt sau khi Nga ngừng bơm khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1.
Giám đốc điều hành Uniper, Klaus-Dieter Maubach.
Klaus-Dieter Maubach, giám đốc điều hành (CEO) Uniper, đưa ra nhận định trên vì Nga đã ngừng đường ống Nord Stream 1 vô thời hạn.
"Chúng tôi không thể loại trừ khả năng Đức sẽ phải áp đặt các biện pháp kiểm soát tiêu thụ khí đốt mạnh hơn. Phân chia định mức khí đốt là biện pháp có thể được cân nhắc", ông Maubach trả lời trên Reuters.
"Chúng tôi biết chính phủ muốn tránh áp dụng biện pháp này nhất có thể vì nó sẽ gây ra nhiều hiệu ứng tiêu cực", ông nói thêm.
Nếu biện pháp này được áp đặt, gánh nặng của việc cắt giảm tiêu thụ khí đốt sẽ đè nặng lên các ngành công nghiệp Đức. Chính phủ sẽ quyết định cung cấp lượng khí đốt cụ thể cho từng lĩnh vực công nghiệp và các nhà máy.
Theo các kế hoạch hiện tại, các hộ gia đình và các cơ sở y tế sẽ được miễn khỏi kế hoạch phân phối, thắt lưng buộc bụng về khí đốt.
Việc tập đoàn năng lượng Nga Gazprom cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu qua đường ống Nord Stream 1 khiến Đức nhiều khả năng sẽ không đạt mục tiêu lấp đầy các kho dự trữ ở mức 95% trước ngày 1/11.
Ông Maubach nói nhu cầu khí đốt ở vùng tây bắc châu Âu hiện đã giảm 15-20% so với nhu cầu bình thường do yếu tố thời tiết. Tuy nhiên, vào mùa đông, lượng tiêu thụ sẽ tăng mạnh vì các quốc gia châu Âu chủ yếu sử dụng khí đốt để phục vụ sưởi ấm cho người dân.
Hoạt động kinh doanh của tập đoàn Uniper bị ảnh hưởng nặng nề vì giá khí đốt và giá điện liên tiếp lập kỷ lục ở châu Âu trong những tháng qua.
Hồi tháng 7, chính phủ Đức đã thông qua gói cứu trợ cho Uniper trị giá 15 tỉ euro để tránh nguy cơ tập đoàn này phá sản.
Theo ông Maubach, Uniper vẫn đang cân nhắc kiện Gazprom, yêu cầu bồi thường vì khiến giá trị của tập đoàn giảm khoảng 90% sau khi nguồn cung khí đốt của Nga giảm mạnh kể từ tháng 6. Uniper là nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất của Đức hiện nay.
"Vấn đề bơm khí đốt chưa bao giờ là trục trặc kỹ thuật mà là quyết định chính trị và nó sẽ vẫn là như vậy", ông Maubach nói về việc Nga ngừng bơm khí đốt qua đường ống Nord Stream 1. "Tôi nghĩ Điện Kremlin quyết định về nguồn cung khí đốt chứ không phải Gazprom".
Bình luận về việc Gazprom trong thời gian tới có thể đóng nốt các tuyến đường ống khác bơm khí đốt cho Đức, ông Maubach nói "việc cân bằng giữa nguồn cung và nhu cầu sử dụng sẽ rất khó khăn và sẽ cần sự can thiệp của chính phủ để bình ổn giá năng lượng".
Nguồn: [Link nguồn]
Dmitry Peskov – phát ngôn viên Điện Kremlin – cho biết, các vấn đề kỹ thuật khiến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 phải ngừng hoạt động có thể còn tồn tại cho đến...