Giải mã lý do Trung Quốc ‘không khiêu vũ’ cùng ông Trump

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Ông Trump những ngày qua liên tục công kích Trung Quốc nhưng không như trước, lần này Bắc Kinh chủ trương giữ im lặng.

Liên tục trong hai ngày 7 và 8-10 ông Trump đăng lên Twitter các video ông lần nữa chỉ trích Trung Quốc (TQ) về đại dịch COVID-19, cáo buộc rằng virus SARS-CoV-2 là do TQ gửi qua, tuyên bố sẽ buộc TQ phải “trả giá đắt vì điều họ đã làm với thế giới và với chúng ta”. Trên Twitter tuần này ông Trump cũng quay trở lại thói quen cũ gọi COVID-19 là “virus TQ”, “bệnh dịch TQ”.

Ngày 8-10, trả lời phỏng vấn đài Fox Business - lần trả lời truyền thông đầu tiên sau thời gian điều trị COVID-19, ông Trump đổ lỗi “tôi phát bệnh vì họ”. Ông Trump cũng tự tin rằng TQ sẽ nhượng bộ Mỹ về thỏa thuận thương mại vì hy vọng điều đó sẽ làm ông vui lòng.

Trong khi đó, tranh luận với ứng viên phó tổng thống bên đảng Dân chủ Kamala Harris tối 7-10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence chỉ trích TQ không cung cấp đầy đủ thông tin về độ nghiêm trọng của COVID-19, đồng thời cũng tuyên bố sẽ bắt TQ “chịu trách nhiệm”. Ông Pence cũng cho biết ông Trump sẽ tiếp tục đối đầu mạnh với TQ, nước vốn “đã lợi dụng Mỹ nhiều thập niên qua”.

TQ sẽ “không khiêu vũ cùng Mỹ”

Khác mọi lần trước TQ phản ứng rất nhanh, lần này báo South China Morning Post (SCMP) cho biết Bộ Ngoại giao TQ ngày 8-10 không trả lời yêu cầu bình luận về việc này. Không chỉ về chính phủ mà cả truyền thông TQ cũng không nhắc gì đến những lời cảnh cáo của ông Trump. Tờ Hoàn Cầu Thời báo, một nhật báo khổ nhỏ trực thuộc tờ Nhân Dân Nhật Báo - cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản TQ - có đưa tin về video của ông Trump nhưng lại biên tập cắt bỏ các phát ngôn của vị tổng thống Mỹ về TQ.

Các nhà quan sát đang rất chú ý đến thái độ im lặng của TQ trước loạt phát ngôn cứng rắn và mang tính công kích gần đây từ phía ông Trump và ông Pence. SCMP dẫn ý kiến nhiều nhà quan sát cho rằng lý do đằng sau sự im lặng của TQ là nước này không muốn đổ thêm dầu vào lửa để đốt thêm căng thẳng với Mỹ, đặc biệt không muốn bị lôi vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vốn đã bị vấn đề đại dịch COVID-19 lấn át.

Thời gian qua, nhiều quan chức cấp cao TQ cũng nhiều lần nói rằng Bắc Kinh sẽ không “khiêu vũ cùng Mỹ” và sẽ không đi vào con đường dẫn tới một cuộc “chiến tranh lạnh mới”. Nhiều học giả TQ cũng từng nói nếu Bắc Kinh kiên nhẫn không đáp trả các chính sách khiêu khích của Mỹ thì sẽ tránh bị kéo vào một cuộc chiến trả đũa qua lại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). Ảnh: POLITICO

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). Ảnh: POLITICO

TQ kiên nhẫn chờ bầu cử Mỹ

Bầu cử Mỹ chỉ còn hơn tháng nữa là diễn ra và từ việc im lặng này có thể thấy TQ đang rất kiên nhẫn chờ sự kiện này. Tuy nhiên, hậu bầu cử Mỹ có thể sẽ không diễn ra theo hướng có lợi cho TQ.

Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump nhiều lần khẳng định trong hai ứng viên tổng thống thì ông là người cứng rắn hơn với TQ. Theo ông Trump, đối thủ Joe Biden thời gian trước quá mềm yếu khi cùng các nước phương Tây khác nỗ lực đưa TQ vào các thể chế quốc tế và hòa nhập vào kinh tế toàn cầu, với hy vọng sẽ khiến Bắc Kinh tuân thủ luật lệ thế giới hơn. Ông Trump cho rằng chủ trương toàn cầu hóa này đã làm tổn thương việc làm và kinh tế Mỹ.

73% người Mỹ không có thiện cảm với TQ, theo thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew mùa hè này. Con số này tăng 26% so với cùng kỳ năm 2018. Không chỉ Mỹ, người dân hầu hết các nước phương Tây cũng ngày càng mất thiện cảm với TQ, đặc biệt trong năm nay, lý do chủ yếu vì cách TQ xử lý đại dịch COVID-19. 

Có thể thấy gần bốn năm ở Nhà Trắng ông Trump đã nỗ lực thay đổi điều này. Từ khi tuyên bố ra tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump đã thường xuyên nói TQ là một nguồn cơn gây ra các vấn đề của Mỹ. Sau khi vào Nhà Trắng, năm 2018 ông Trump áp một loạt thuế quan lên hàng hóa TQ, khơi mào cuộc thương chiến hai bên - một chiến lược bị nhiều nhà kinh tế chỉ trích. Với nỗ lực không ngừng nghỉ, chính phủ ông Trump đã thuyết phục được nhiều nước châu Âu tẩy chay tập đoàn thiết bị công nghệ Huawei của TQ.

Không chỉ về kinh tế ông Trump còn tấn công TQ ở nhiều mặt trận khác: Hong Kong, Tân Cương, Đài Loan, Biển Đông… Có quan chức tình báo Mỹ nói TQ có thể muốn ông Trump thất cử, vì ngán ngẩm “sự khó lường” trong cung cách lãnh đạo của ông.

Phần ông Biden, nhiều trợ lý của ông nhấn mạnh rằng chính phủ tương lai của ông Biden sẽ còn cứng rắn với TQ hơn cả chính phủ của ông Trump. Theo báo Washington Post, chủ trương này cho thấy có sự đồng lòng trong lưỡng đảng Quốc hội Mỹ trong ứng xử với TQ.

Bên trong TQ cũng có nhiều chuyên gia lo rằng Washington sẽ còn quyết liệt hơn với Bắc Kinh nếu ông Biden thắng ông Trump. Nói với hãng tin Bloomberg, chuyên gia Zhou Xiaoming, vốn từng là nhà đàm phán thương mại phía TQ, cho rằng “nếu ông Biden được bầu thì điều này có thể nguy hiểm hơn với TQ, vì ông ấy sẽ hợp lực với các đồng minh nhắm đến TQ, trong khi ông Trump đang phá hủy các liên minh của Mỹ”. Theo chuyên gia này thì có ít nhất bốn quan chức cấp cao TQ chia sẻ cách nghĩ này.

Thậm chí, nói với báo New York Times, ông Cheng Xiaohe, Phó Giáo sư quan hệ quốc tế tại ĐH Thanh Hoa (Bắc Kinh) còn lo rằng ông Biden “có thể sẽ vận dụng các chiến thuật một cách tinh vi và mang tính phối hợp hơn để chống TQ”. Hay nói cách khác, ông Biden sẽ hành động chống TQ hiệu quả hơn so với ông Trump.

Nhiều chuyên gia chính sách đối ngoại cho rằng chuyện ông Trump và ông Pence thay phiên nhau chỉ trích TQ về COVID-19 vào thời điểm này có thể là một chiêu bài kiếm phiếu bầu cho cuộc bầu cử tới hoặc để đánh lạc hướng chú ý khỏi thực tế Nhà Trắng đã biến thành một ổ dịch COVID-19.

Về phía TQ, nhà phân tích các vấn đề quốc tế Pang Zhongying tại Trường ĐH Đại Dương (TQ) tự tin “khó để nói sẽ bắt TQ chịu trách nhiệm cách nào”. Chuyên gia Shi Yinhong về quan hệ Trung-Mỹ tại ĐH Thanh Hoa tin quan hệ hai bên sẽ leo thang thêm vì các phát ngôn mới nhất của ông Trump. Tuy thế theo ông, phía Mỹ vẫn có khả năng tới đây sẽ ra thêm các lệnh trừng phạt TQ về các vấn đề Biển Đông, Hong Kong, Tân Cương. Mỹ cũng có thể tăng cường hỗ trợ ngoại giao Đài Loan hay gửi quan chức cấp cao tới lãnh thổ này. Một biện pháp nữa Mỹ có thể sẽ áp dụng là gây khó khăn hơn cho các công ty TQ làm ăn ở Mỹ. Các biện pháp này có thể sẽ kéo dài đến tận tháng 1-2021 dù ông Trump có thất cử, ông Shi dự đoán. 

Ông Trump tuyên bố bắt TQ “trả giá” vì Covid-19: Bắc Kinh im lặng

Trung Quốc không có phản ứng ngay lập tức sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố dịch Covid-19 lây lan là “lỗi của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐĂNG KHOA ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN