Giải mã chiến thuật pháo binh giúp Nga giành thế áp đảo trong chiến sự ở Ukraine
Các chuyên gia tiết lộ những chi tiết thú vị về chiến thuật triển khai trận địa pháo binh của Nga tại Ukraine và giúp nước này giành được thế áp đảo trên chiến trường.
Một báo cáo do tổ chức nghiên cứu quốc phòng và an ninh Royal United Services Institute (RUSI) của Anh công bố đã tiết lộ một số chi tiết mới thú vị về chiến thuật pháo binh của Nga tại Ukraine. Báo cáo này do các nhà phân tích quân sự Jack Watling và Nick Reynolds thực hiện thông qua các cuộc phỏng vấn trực tiếp binh sĩ Ukraine, theo trang 19Fortyfive.
Pháo phản lực TOS-1 của Nga khai hỏa. Ảnh: YouTube Screenshot
Sau các cuộc tấn công ban đầu đầy tham vọng nhưng không thành công trong tháng 2 và tháng 3, bắt đầu từ tháng 4 Nga đã chuyển sang chiến thuật chiến tranh tiêu hao dựa vào pháo binh ở miền Đông Ukraine, đánh bại các đơn vị Ukraine bằng các đợt pháo kích áp đảo.
Chuyên gia Watling quan sát: “Hiệu quả hoạt động nói chung không có gì nổi bật của lực lượng mặt đất Nga ngày càng được bù đắp bằng việc tận dụng các trận địa pháo hàng loạt để tạo điều kiện cho một cuộc tiến quân chậm và có phương pháp. Các cuộc bắn phá liên tục đã khiến cư dân địa phương dần dần di dời và san bằng các khu định cư và cơ sở hạ tầng đang được bảo vệ tốt, buộc quân đội Ukraine từ bỏ lãnh thổ sau khi bị tàn phá”.
Các cuộc pháo kích ồ ạt của Nga dần dần đẩy lùi lực lượng Ukraine ra khỏi các TP quan trọng có tính biểu tượng cao như Severodonetsk và Lyschansk hồi cuối tháng 6, đồng thời khiến lực lượng Ukraine không thể tập trung lực lượng kịp thời để phản công hiệu quả.
Hỏa lực của pháo binh Nga áp đảo Ukraine với tỉ lệ 3:1
Nga không thực sự có lợi thế lớn về số lượng binh sĩ chiến đấu so với Ukraine (vì không được huy động đầy đủ), nhưng Nga có nhiều pháo binh hơn và đang thực hiện nhiều vụ bắn phá hơn.
Pháo binh Nga khai hỏa. Ảnh: Creative Commons
Theo báo cáo của RUSI, trung bình các khẩu lựu pháo của Nga sử dụng 20.000 quả đạn pháo mỗi ngày, trong khi con số này ở phía Ukraine là 6.000 quả đạn pháo. Và Ukraine có nguy cơ can kiệt nguồn cung đạn pháo 152 mm tiêu chuẩn Liên Xô thậm chí còn nhanh hơn cả Nga.
Pháo binh Nga hiệu quả hơn nhiều khi được liên kết với máy bay không người lái (UAV)
Trước năm 2022, quân đội Nga được cho đã phát triển một tổ hợp trinh sát-hỏa lực, nơi các thiết bị giám sát bằng UAV (đặc biệt là UAV giám sát Orlan-10) có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác và kịp thời, được hỗ trợ nhờ công nghệ định hướng hỏa lực kỹ thuật số.
Chẳng hạn, khi có sự hỗ trợ của UAV, pháo binh Nga có thể điều chỉnh hỏa lực trong thời gian thực để bắn trúng mục tiêu đang di chuyển.
Nga phân chia nhiệm vụ rõ ràng cho từng loại đạn pháo
Chuyên gia Watling cho biết Nga có sự phân nhiệm vụ rõ ràng cho từng loại đạn pháo. Ví dụ, trong khi Nga dùng lựu pháo để tấn công các mục tiêu đơn lẻ rời rạc thì hệ thống pháo phản lực bắn loạt thường được sử dụng để ngăn cản sự di chuyển của lực lượng Ukraine.
Trong các đòn phản pháo nhằm vào pháo binh cũng như những người vận hành UAV của Ukraine, Nga sẽ sử dụng tên lửa đạn đạo Tochka-U và pháo có tầm bắn xa như pháo kéo 2A65 Msta và 2A36 Giatsint, 2S19, 2S5 và pháo tự hành 2S7M Malka 203 mm.
Chiến thuật triển khai trận địa pháo binh của Nga
Các nguồn tin của Ukraine cho biết các đơn vị pháo binh của Nga thường được đặt ở khoảng cách bằng 1/3 tầm bắn tối đa của từng hệ thống từ chiến tuyến để giảm thiểu nguy cơ bị đối phương tấn công.
Pháo tự hành 2S7 Malka của Nga. Ảnh: Creative Commons
Cũng theo báo cáo, các đơn vị của Nga còn sử dụng chiến thuật “mồi nhử”, triển khai các khẩu pháo giả là những khẩu pháo gần như đã hư hỏng hoặc bị phá hủy nhằm làm chệch hướng tấn công của Ukraine.
Nga thực hiện phản pháo khá chậm
Phản pháo là tìm cách hạ gục pháo binh của đối phương, sử dụng radar và cảm biến để phân tích nơi mà hỏa lực được bắn tới, nhằm pháo kích ngược lại vào các vị trí đó trong khi lực lượng địch vẫn còn đang pháo kích hoặc trước khi đối phương rời khỏi vị trí mà họ vừa bắn. Quy trình này càng nhanh thì pháo binh của đối phương có nguy cơ bị phá hủy càng cao.
Tuy nhiên, theo ông Watling và ông Reynolds, Nga thực hiện việc phản pháo còn chậm, trung bình thường mất 30 phút. Khoảng thời gian này đủ để phía Ukraine đưa pháo của họ ra khỏi vị trí ban đầu sau khi bắn về phía Nga.
Tuy nhiên, khi Nga kết hợp UAV trinh sát với pháo binh thì các khẩu pháo của Nga có thể thực hiện các vụ phản pháo chỉ trong 3-5 phút. Chính vì thế, các khẩu đội pháo binh của Ukraine thường được triển khai cùng tên lửa phòng không di động để nhắm bắn UAV của Nga.
Nguồn cung đạn pháo là điểm yếu của Nga
Theo chuyên gia Watling, dù Nga chiếm được ưu thế trước Ukraine nhờ hỏa lực áp đảo nhưng nguồn cung cấp đạn pháo cũng có thể trở thành điểm yếu của Nga.
Hệ thống tên lửa Tochka của Nga. Ảnh: Creative Commons
Đó là bởi vì Nga đang đối mặt gánh nặng hậu cần do việc vận chuyển và dự trữ một lượng lớn đạn pháo. Lực lượng mặt đất của Nga phụ thuộc vào hậu cần đường sắt, thiếu xe tải phù hợp và thiết bị nâng tải hiện đại.
Trong khi báo cáo của RUSI cho rằng Ukraine đã thất bại trong việc khai thác điểm yếu này của Nga thì điều này được cho đã thay đổi, khi lực lượng Ukraine hôm 4-7 công bố video tấn công kho đạn của Nga ở TP Snizhny thuộc tỉnh Donetsk.
Những cuộc tấn công như vậy có thể cản trở cuộc chiến tranh pháo binh của Nga, nhưng chỉ khi nào Ukraine nhận đủ và kịp thời lựu pháo tầm xa của phương Tây, và nếu các nước NATO tăng cường sản xuất đủ loại đạn pháo 155 mm để duy trì việc giao hàng cho Ukraine, theo các chuyên gia.
Lãnh đạo Cơ quan vũ trụ Nga tuyên bố, Sarmat – tên lửa tối tân bậc nhất của Nga – sẽ được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Nguồn: [Link nguồn]