Chiến thuật mới của quân đội Nga có thể "vắt sức" Ukraine thế nào?
Các lực lượng Ukraine nhận định, quân đội Nga đã “thay đổi chiến thuật” khi đợt tấn công quy mô lớn đến gần.
Xác và mảnh vỡ tên lửa Nga được binh sĩ Ukraine thu thập (ảnh: CNN)
Hôm 16/2, lực lượng phòng không Ukraine cho hay, họ chỉ đánh chặn được 16/36 tên lửa quân đội Nga phóng trong đợt không kích mới. Tỷ lệ này là gần 50%. Trong những đợt không kích trước đó của Nga, Ukraine thường tuyên bố bắn hạ được khoảng 80% số tên lửa.
Bình luận về vụ tập kích mới, Andriy Yermak, Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine viết trên Telagram rằng: “Quân đội Nga đã thay đổi chiến thuật. Họ tích cực trinh sát, sử dụng các mục tiêu giả”.
Ông Yermak cho hay, UAV, tên lửa không gắn đầu đạn và khí cầu không người lái được quân đội Nga sử dụng để đánh lạc hướng phòng không Ukraine.
Hôm 12/2, không quân Ukraine tuyên bố, quân đội Nga dùng máy bay không lái (UAV) trinh sát và hàng loạt khí cầu nhằm đánh lạc hướng trong đợt không kích vào tỉnh Dnipro.
Hôm 15/2, chính quyền Kiev thông báo, họ phát hiện và bắn hạ 6 khí cầu do thám của Nga. Mosow chưa bình luận về vụ việc.
“Đây là những khí cầu di chuyển chủ yếu nhờ sức gió. Chúng được thả với mục đích do thám và làm cạn kiệt hỏa lực phòng không của chúng ta”, chính quyền Kiev thông báo.
Một lô đạn pháo Mỹ trên đường vận chuyển tới Ukraine (ảnh: CNN)
Yuriy Ihnat – phát ngôn viên không quân Ukraine – cho rằng, việc Nga tăng cường sử dụng khí cầu có thể là động thái nhằm bảo vệ nguồn UAV trinh sát.
“Đó là những khí cầu bình thường, cao khoảng 1,5 mét. Chúng chứa đầy khí. Mỗi khí cầu được gắn một gương phản xạ góc và một trạm định vị vô tuyến. Điều đó biến chúng thành các mục tiêu trên không và chúng tôi phải bắn hạ”, ông Yuriy Ihnat nói trên sóng truyền hình.
“Các UAV trinh sát như Orlan-10 đang được sử dụng ít đi và có thể đối phương nghĩ: Tại sao chúng ta không dùng khí cầu?”, ông Ihnat nói.
The Drive (trang tin Mỹ) nhận xét, sử dụng khí cầu có thể là một chiến thuật mới của Nga nhằm thu thập thông tin và khiến Ukraine lãng phí đạn dược.
Khí cầu quân sự về cơ bản đã lỗi thời, nhưng không có nghĩa là chúng không hữu ích khi được sử dụng phù hợp. Nga và Liên Xô từng có thời điểm sử dụng khí cầu để do thám và cho các mục đích khác, theo The Drive.
Theo SCMP, vào những năm 1950, Mỹ từng thả hơn 500 khí cầu tới các nước đối thủ như Liên Xô và Trung Quốc để do thám quân sự. Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ cũng từng dùng khí cầu để thực hiện dự án Palladium nhằm thu thập dữ liệu về hệ thống phòng không của Liên Xô ở Cuba.
Xác khí cầu Nga được cho là bị phòng không Ukraine bắn hạ (ảnh: The Drive)
Những khí cầu nhỏ, có gắn thiết bị phản xạ radar là mục tiêu giá rẻ, dễ sử dụng đối với Nga nhưng có thể buộc Ukraine kích hoạt hệ thống phòng không.
Hôm 15/2, để bắn hạ 6 khí cầu giá rẻ, quân đội Ukraine phải dùng ít nhất 6 tên lửa. Ukraine trước đó đã nhiều lần kêu gọi phương Tây viện trợ thêm vũ khí phòng không, khi các kho đạn dược của nước này ngày càng cạn kiệt.
The Drive nhận định, với các lợi thế mà khí cầu mang lại, quân đội Nga có thể tăng cường sử dụng phương tiện này trong thời gian tới để “vắt kiệt” Ukraine trong một cuộc chiến tiêu hao.
Nguồn: [Link nguồn]
Quân đội Nga nã tên lửa khắp Ukraine và không kích trúng nhà máy lọc dầu lớn nhất nước, Kiev cho hay.