Giải mã 2 UAV mới của Triều Tiên bị đồn là ‘bản sao’ UAV Mỹ
Triều Tiên gần đây công bố những phát triển mới nhất của mình trong lĩnh vực quân sự, tiết lộ hai mẫu UAV mới trông rất giống các dòng UAV do Mỹ sản xuất.
Hôm 26-7, trong cuộc triển lãm vũ khí kỷ niệm 70 năm ngày Nam-Bắc Triều ký hiệp định đình chiến, Triều Tiên đã giới thiệu hai mẫu máy bay không người lái (UAV) mới có tên gọi Morning Star-4 (tên tiếng Hàn là Saetbyol-4) và Morning Star-9 (Saetbyol-9).
Các chuyên gia quân sự của tờ The Eurasian Times nhận định 2 dòng máy bay mới của Triều Tiên trông rất giống với chiếc RQ-4 Global Hawk và MQ-9 Reaper do Mỹ sản xuất với sải cánh dài khoảng 35 m, có đuôi hình chữ V và lỗ hút khí.
Cụ thể, UAV Morning Star-4 giống với RQ-4 Global Hawk và Morning Star-9 có nhiều điểm tương đồng với MQ-9 Reaper.
Các UAV Triều Tiên tại triển lãm vũ khí hôm 26-7 tại thủ đô Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Ảnh: THE EURASIAN TIMES
Vẻ ngoài giống nhau, bên trong thế nào?
Dù chưa rõ các chi tiết cụ thể về thông số kỹ thuật và khả năng của các UAV Triều Tiên, các chuyên gia không tin UAV Triều Tiên sở hữu những tính năng tiên tiến như UAV Mỹ.
Một chiếc UAV Morning Star-9 của Triều Tiên. Ảnh: THE EURASIAN TIMES
Một chiếc UAV RQ-4 Global Hawk của Mỹ. Ảnh: KHÔNG QUÂN MỸ
Ông Stephen Pendergast - cựu kỹ sư của hãng sản xuất máy bay General Atomics ASI (Mỹ) - hãng sản xuất dòng UAV Reaper - nói với The EurAsian Times: “Việc sao chép khung máy bay của UAV Reaper chỉ bằng quan sát là không dễ dàng. Có lẽ ai đó đã có được các UAV này một cách bất hợp pháp bởi vì nhiều chiếc Reaper đã bị mất và hãng ASI chưa bao giờ rao bán thiết kế của dòng UAV này”.
Về các cảm biến và phần mềm bên trong máy bay, ông Pendergast lập luận rằng khó có thể sao chép công nghệ của Mỹ do Washington kiểm soát xuất khẩu rất chặt chẽ. Thế nên, vị chuyên gia cho rằng dù các UAV của Triều Tiên có thể trông giống Reaper, nhưng hiệu suất không chắc tương đương nhau.
Đồng quan điểm, cựu Tổng cục trưởng về Thanh tra & An toàn của Lực lượng Không quân Ấn Độ - ông GS Bedi tin rằng khó đảm bảo UAV Triều Tiên đạt hiệu suất bằng với các mẫu UAV Mỹ.
Với câu hỏi về khả năng Bình Nhưỡng đánh cắp công nghệ từ các công ty Mỹ hoặc nhận sự hỗ trợ từ Iran trong việc phát triển các UAV trên, ông Bedi nhấn mạnh rằng ngoài Mỹ, chỉ các quốc gia đồng minh của Washington được vận hành UAV Mỹ nên việc đánh cắp trực tiếp công nghệ là khó có thể xảy ra.
Về phần Iran, ông Bedi lưu ý rằng Tehran sẽ ưu tiên cho nhu cầu của chính họ hơn là hỗ trợ Triều Tiên.
“Theo ý kiến của tôi, Triều Tiên có thể đã sao chép hình dạng [UAV Mỹ]. Video mà Triều Tiên công bố chỉ cho thấy một tên lửa được phóng từ một UAV nhưng mục tiêu phóng là gì và độ chính xác là bao nhiêu thì hoàn toàn không rõ. Dựa trên công nghệ cần thiết để chế tạo những chiếc máy bay này, tôi nghi ngờ rằng các UAV khó có năng lực tương tự dù hình dạng trông giống nhau” - theo ông Bedi.
Trong khi đó, chuyên gia quốc phòng người Brazil - bà Patricia Marins cho rằng UAV Morning Star-4 và Morning Star-9 không chỉ gần giống với Global Hawk và Reaper của Mỹ mà còn có những nét tương đồng với các dòng UAV như Wing Loong và Chaihong-5 của Trung Quốc.
Bà lập luận rằng Triều Tiên có thể mua một số linh kiện từ Trung Quốc để lắp ráp. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý khía cạnh về điện tử trong việc sản xuất UAV hiện đại có thể đặt ra thách thức cho Bình Nhưỡng.
Theo bà Marins, để một UAV đạt được khả năng truyền hình ảnh và video với độ phân giải cao theo thời gian thực trên một khoảng cách rộng, điều hướng hoàn toàn bằng GPS ở các môi trường hạn chế liên lạc và hoạt động trong các không gian tranh chấp là rất khó, nhất là với năng lực hiện tại của Triều Tiên.
Bà Marins kết luận rằng UAV Triều Tiên có thể trông giống UAV Mỹ nhưng chúng thiếu các khả năng tiên tiến tương đương và sẽ cần nhiều thập niên để đạt được những tiến bộ như vậy.
Mối đe dọa đối với Hàn Quốc?
Việc Triều Tiên đầu tư nguồn lực đáng kể để phát triển cho thấy nước này đang quan tâm rất nhiều tới các UAV tiên tiến nhằm phục vụ cho cả mục đích giám sát và tấn công.
Một chiếc UAV Morning Star-4 của Triều Tiên. Ảnh: THE EURASIAN TIMES
Một chiếc UAV MQ-9 Reaper của Mỹ. Ảnh: KHÔNG QUÂN MỸ
Vào tháng 1-2021, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đặc biệt thúc giục phát triển “thiết bị tấn công không người lái” và “máy bay không người lái do thám”. Do đó, việc phát triển hai UAV trên có thể là một phản ứng trực tiếp đối với chỉ thị này.
Theo chuyên gia, động cơ của Triều Tiên trong việc sản xuất các UAV mới vẫn chưa được tiết lộ, nhưng những UAV trên có giá trị khá cao đối với nước này trong các nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát.
Chuyên gia về chiến tranh UAV người Mỹ Samuel Bendett gợi ý: “Nếu Triều Tiên thực sự chế tạo đủ số lượng UAV chiến đấu hạng nặng, thì hệ thống UAV trên Bán đảo Triều Tiên và trên toàn thế giới nói chung có thể thay đổi”.
Triều Tiên đang dần sở hữu một kho vũ khí UAV đa dạng hơn, với kích thước các UAV lớn. Vào tháng 12-2022, Hàn Quốc tố Triều Tiên phóng UAV xâm phạm không phận Hàn Quốc.
Hàn Quốc khi đó đã sử dụng máy bay chiến đấu và trực thăng tấn công trong suốt 5 giờ, một trong số các trực thăng bắn đến 100 viên đạn nhưng không UAV nào của Triều Tiên bị phá hủy. Theo thông tin được báo cáo, tất cả UAV Triều Tiên đều trở về căn cứ an toàn mà không bị mất khả năng hoạt động.
Vụ việc cho thấy sự tiến bộ ngày càng tăng của Triều Tiên trong lĩnh vực UAV. Điều này cũng đặt ra những thách thức cho quân đội Hàn Quốc trong việc theo dõi và đánh chặn hiệu quả các UAV này.
Các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và máy bay không người lái tấn công mới nằm trong số những vũ khí được trình làng trong cuộc duyệt binh quy mô lớn tại Bình...
Nguồn: [Link nguồn]