Nhìn lại vụ Mỹ dội bom Đại sứ quán Trung Quốc
Một giả thuyết mới gần đây được báo Trung Quốc đề cập đến, lý giải nguyên nhân Đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư cũ bị Mỹ ném bom dù Washington đã khẳng định sự việc xảy ra là nhầm lẫn.
Oanh tạc cơ tàng hình B-2 từng dội bom Đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư cũ.
Khi các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc gặp nhau ở Alaska vào cuối tháng 3.2021, truyền thông Trung Quốc nhắc lại sự kiện Mỹ ném bom Đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư cũ năm 1999.
“Tại sao Đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư cũ bị tấn công bằng bom dẫn đường chính xác của Mỹ năm 1999?”, một bài đăng trên truyền thông Trung Quốc với dòng tít viết, theo tạp chí Nikkei của Nhật Bản trích dẫn lại.
Mỹ luôn khẳng định vụ ném bom cách đây 22 năm là một tai nạn. Oanh tạc cơ Mỹ khi đó chủ đích ném bom một cơ sở của Nam Tư cũ.
Chuyện gì đã xảy ra vào đêm ngày hôm đó trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trong cộng đồng mạng ở Trung Quốc.
Hiện trường vụ Mỹ ném bom Đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư cũ.
Tháng 5.1999, Đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư cũ bị oanh tạc cơ tàng hình B-2 ném 5 quả bom dẫn đường chính xác. 3 công dân Trung Quốc thiệt mạng và hơn 20 người khác bị thương. Vụ việc dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối Mỹ ở Bắc Kinh.
Mặc dù Tổng thống Mỹ khi đó là Bill Clinton đã lên tiếng xin lỗi, Trung Quốc luôn khẳng định rằng đó không thể là một vụ ném bom nhầm. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa bao giờ công bố bằng chứng về việc Mỹ tấn công một cách có chủ ý.
Bài viết đặt ra giả thuyết mới rằng Đại sứ quán Trung Quốc trở thành mục tiêu vì xác máy tàng hình Mỹ được cất giữ ở tầng hầm. Phòng không Nam Tư khi đó bắn hạ một chiếc máy bay tàng hình F-117 của Mỹ.
Các mảnh vỡ máy bay rải rác tại một khu đất nông nghiệp. Một số bộ phận được trưng bày tại bảo tàng hàng không ở Belgade, Serbia.
Xác một chiếc F-117 bị phòng không Nam Tư cũ bắn rơi.
Một số mảnh vỡ được phía Trung Quốc mua lại từ nông dân địa phương, đô đốc Davor Domazet-Loso, tham mưu trưởng quân đội Croatia, nói với AP vào năm 2011.
“Chúng tôi tin rằng người Trung Quốc đã sử dụng những mảnh vỡ để tìm hiểu sâu hơn về công nghệ máy bay tàng hình và sao chép lại công nghệ này”, Domazet-Loso nói thêm.
Theo bài viết, chính phủ Trung Quốc đã đề nghị Nam Tư cũ chia sẻ các mảnh vỡ, gồm hệ thống dẫn đường, phần thân chính được phủ lớp sơn tàng hình và bộ phận vòi phun chịu nhiệt của động cơ.
Trung Quốc không có cách nào khác ngoài tạm thời cất giữ các mảnh vỡ trong Đại sứ quán để chờ thời cơ bí mật đưa về nước, truyền thông Trung Quốc viết.
Trong khi đó, quân đội Mỹ đã nắm được thông tin, biết được nơi Trung Quốc cất giấu các mảnh vỡ. Oanh tạc cơ B-2 xuất kích để ngăn bí mật quân sự rơi vào tay Trung Quốc, bài viết kết luận.
Một trong những quả bom đã rơi xuống tầng hầm nơi Trung Quốc cất giữ mảnh vỡ máy bay. May mắn là quả bom đã không phát nổ và mảnh vỡ chiếc F-117 vẫn còn nguyên vẹn.
Biểu tình phản đối Mỹ ở Bắc Kinh sau vụ ném bom Đại sứ quán.
Sau sự kiện năm 1999, Trung Quốc mất 10 năm để nâng cấp công nghệ tàng hình, cho ra đời tiêm kích J-20 và nghiên cứu tên lửa dẫn đường bằng laser. Theo AP, công nghệ sử dụng trên chiếc J-20 rất có thể là từ máy bay F-117.
Sau hơn hai thập kỷ kể từ vụ đánh bom Đại sứ quán, Trung Quốc đã thu hẹp khoảng cách với Mỹ về sức mạnh quốc gia. Bằng chứng là trong cuộc hội đàm gần đây với các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Trung Quốc đã thể hiện lập trường không còn e ngại Mỹ, bài viết cho biết.
Theo Nikkei, bài viết nêu giả thuyết mới xuất hiện trong thời điểm Trung Quốc công khai hơn về sự kiện xảy ra cách đây 22 năm, để nhấn mạnh hành động được cho là cố ý gây hấn của Mỹ.
Hầu hết người Trung Quốc cũng cho rằng vụ đánh bom đại sứ quán là hành động có chủ ý của Mỹ. Việc tung bằng chứng cho lập luận đó càng làm nổi bật hành động cố tình của Mỹ trong quá khứ, để nhấn mạnh mối quan hệ Mỹ-Trung đang ngày càng căng thẳng ở thời điểm hiện tại.
Nguồn: [Link nguồn]
Các máy bay ném bom chiến lược hiện đại B-2 của Mỹ tấn công hàng trăm mục tiêu của Nam Tư cũ nhưng Washington cũng phạm...