Ghép đầu người: Bệnh nhân tỉnh lại sẽ phát điên?

Sự kiện: Bí ẩn khoa học

Bác sĩ người Italia tuyên bố đã ghép đầu thành công vào một xác chết, nhưng ghép đầu người sống và khôi phục lại toàn bộ chức năng là thách thức lớn chưa từng có.

Ghép đầu người: Bệnh nhân tỉnh lại sẽ phát điên? - 1

Ảnh minh họa.

Theo Live Science, bác sĩ phẫu thuật thần kinh Sergio Canavero tuần trước tuyên bố đã ghép thành công đầu người chết. Ca phẫu thuật thử nghiệm kéo dài 18 tiếng, với sự giúp đỡ của các cộng sự người Trung Quốc.

Bác sĩ Canavero dự kiến sẽ sớm thử nghiệm kỹ thuật ghép đầu người ngay trên người sống. Tuyên bố này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của giới khoa học và y khoa.

Nhiều người tỏ ra hoài nghi về tham vọng của bác sĩ Canavero. “Bước đột phá mang ý nghĩa lịch sử này chỉ là trò bịp bợm”, Arthur Caplan, giáo sư sinh học tại Trung tâm Y tế Langone, thuộc Đại học New York, Mỹ nói.

Ông Caplan là người giúp xây dựng hệ thống phân phối nội tạng, phục vụ các ca cấy ghép. Theo lời giáo sư Mỹ, kỹ thuật ghép đầu người chưa thể thành công với tầm hiểu biết hiện tại của con người.

“Chúng tôi có chương trình ghép mặt ở Đại học New York. Ngay cả ghép mặt đã đặt ra thách thức rất lớn”, ông Caplan giải thích. “Chúng tôi phải dùng đến thuốc ức chế hệ miễn dịch để cơ thể không phản ứng với việc cấy ghép”.

“Ghép đầu còn đặt ra thách thức lớn gấp hàng ngàn lần, cần dùng nhiều hơn thuốc gây ức chế miễn dịch. Người ghép đầu sẽ không sống được lâu vì sự đào thải và nhiễm bệnh”, ông Caplan nói.

Ghép đầu người: Bệnh nhân tỉnh lại sẽ phát điên? - 2

Bác sĩ Canavero dự kiến sẽ ghép đầu người sống vào tháng tới.

Một vấn đề khác là sự khác biệt về sinh hóa giữa cái đầu và thân xác người hiến tặng. Đầu người được cấy ghép có thể không bao giờ tìm lại được ý thức.

“Ghép đầu không giống như việc thay bóng đèn”, ông Caplan giải thích. “Nếu đưa phần đầu và bộ não vào một cơ thể mới, với hệ thần kinh mới, người được ghép đầu có tỉnh lại cũng phát điên đến chết”.

Bên cạnh đó, một ca ghép đầu thành công đòi hỏi bác sĩ phải nối lại được vô số dây thần kinh, mạch máu, cột sống và tủy sống từ cái đầu khỏe mạnh, ghép với thân xác người hiến tặng.

Theo ông Caplan, điều thực tế mà bác sĩ Canavero nên hướng tới là kỹ thuật khôi phục tủy sống, dây thần kinh và mạch máu.

“Nếu ông ấy biết cách chữa dây thần kinh, giúp chúng hoạt động trở lại, đây là điều mà những người mắc bệnh luôn mơ ước”, ông Caplan nói. “Có hàng triệu người như vậy trên thế giới. Họ muốn lại được đi lại, được kiểm soát cơ thể. Đó mới là điều bác sĩ Canavero nên hướng đến”.

Bác sĩ Canavero và các cộng sự người Trung Quốc thuộc Đại học Harbin, hiện chưa công bố báo cáo khoa học chi tiết về ca ghép đầu hồi tuần trước.

Năm 2016, bác sĩ Canavero từng ghép đầu khỉ thành công nhưng con vật chỉ sống được khoảng 20 giờ. “Nếu muốn thành công trên người, trước hết ông ấy phải giúp con vật sống được 1-2 năm trước đã”.

Trong quá khứ, phát xít Đức cũng từng tìm cách ghép đầu người trong các trại tập trung Auschwitz. “Điều này hết sức tàn bạo và là công thức dẫn đến thảm họa”, ông Caplan nói.

Tuyên bố lần đầu tiên ghép đầu người thành công

Bác sĩ người Italia tuyên bố lần đầu tiên ghép đầu người thành công trên xác chết, và sắp thử nghiệm trên người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Live Science ([Tên nguồn])
Bí ẩn khoa học Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN