Gấp rút hạ nhiệt căng thẳng Iran-Israel

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Các nước Ả Rập và phương Tây đang cố gắng kêu gọi các bên liên quan căng thẳng Iran-Israel kiềm chế hành động, ngăn viễn cảnh xảy ra xung đột toàn diện tại Trung Đông.

Gần đây, Iran tuyên bố sẽ tấn công Israel. Tuyên bố được đưa ra sau vụ ông Ismail Haniyeh – nhà lãnh đạo chính trị của Hamas bị ám sát tại thủ đô Tehran. Trong khi đó, nhóm vũ trang Hezbollah cũng tuyên bố tấn công Israel, sau khi chỉ huy cấp cao của nhóm này – ông Fuad Shukr thiệt mạng do vụ không kích của Israel.

Về phía Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cảnh báo: "Bất kỳ hành động xâm lược nào chống lại chúng tôi, từ bất kỳ phía nào sẽ phải trả giá đắt".

Tình hình này làm dấy lên mối lo ngại về việc một cuộc xung đột toàn diện xảy ra ở Trung Đông. Trước tình hình này, nhiều nước Ả Rập và phương Tây đã cố gắng hạ nhiệt căng thẳng Iran-Israel và cố gắng nối lại các nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.

Biểu ngữ có hình ảnh nhà lãnh đạo chính trị Hamas – ông Ismail Haniyeh (trái) và tân Tổng thống Iran – ông Masoud Pezeshkian, tại Tehran (Iran). Ảnh: EPA

Biểu ngữ có hình ảnh nhà lãnh đạo chính trị Hamas – ông Ismail Haniyeh (trái) và tân Tổng thống Iran – ông Masoud Pezeshkian, tại Tehran (Iran). Ảnh: EPA

Các nước nỗ lực giảm nhiệt căng thẳng

Chỉ trong vòng một tuần, Ngoại trưởng Jordan – ông Ayman al-Safadi đã có 2 lần gặp các quan chức cấp cao của Iran, bao gồm tổng thống mới đắc cử của Iran – ông Masoud Pezeshkian.

"Jordan đã thông báo cho những người anh em Iran về thông điệp của mình một cách rõ ràng. Chúng tôi sẽ không cho phép [nước ngoài] sử dụng không phận hoặc đất liền của mình cho bất kỳ mục đích nào. Chúng tôi không muốn trở thành một chiến trường" – ông Muhannad al-Mubaidin, Bộ trưởng Truyền thông Jordan, cho biết.

Vào ngày 7-8, Saudi Arabia đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo. Tại đây, Thứ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia – ông Waleed El-Khereiji gọi vụ ám sát ông Haniyeh là "vi phạm trắng trợn" chủ quyền của Iran.

"Chúng tôi đã kêu gọi tất cả bên liên quan hạ nhiệt căng thẳng và chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến của Israel ở Gaza” – ông El-Khereiji nói. Ông cũng cho biết ông đã kêu gọi cộng đồng quốc tế buộc Israel chịu trách nhiệm, bao gồm các cuộc tấn công vào thường dân Palestine.

Theo The New York Times, Saudi Arabia và Iran gần đây đã có những bước đi nhằm cải thiện quan hệ và có cùng quan điểm phản đối hành vi của Israel ở Gaza.

Một nguồn tin cho biết Thủ tướng Qatar – ông Mohammed bin Abdulrahman Al Thani cũng đã nói chuyện với phía Iran và Hezbollah nhằm kêu gọi hai bên kiềm chế hành vi.

Về phía Mỹ, nước này cho biết đã huy động thêm máy bay chiến đấu và tàu chiến có khả năng bắn hạ tên lửa và máy bay không người lái đến Trung Đông, để đáp trả các mối đe dọa từ Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm với tổng thống Iran. Trong cuộc điện đàm, ông Macron đã kêu gọi Iran “làm mọi thứ trong khả năng của mình để tránh một cuộc leo thang quân sự mới. Điều này sẽ không vì lợi ích của bất kỳ ai, kể cả Iran, và sẽ gây ra thiệt hại lâu dài cho sự ổn định của khu vực".

Chúng tôi đã kêu gọi tất cả bên liên quan hạ nhiệt căng thẳng và chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến của Israel ở Gaza.

Thứ trưởng Ngoại giao Saudi Arabia – ông Waleed El-Khereiji.

TP Deir al-Balah (miền trung Gaza). Ảnh: AFP

TP Deir al-Balah (miền trung Gaza). Ảnh: AFP

Gaza vẫn là vấn đề mấu chốt

Cuộc họp hôm 7-8 của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo đã có tác động phần nào đến quan điểm của phía Iran. Sau cuộc họp, Ngoại trưởng Jordan – ông Ayman Safadi cho biết: "Bước đầu tiên để ngăn chặn sự leo thang là chấm dứt nguyên nhân gốc rễ của nó, đó là những cuộc tấn công liên tục của Israel vào Gaza".

Phía Iran cũng có quan điểm tương tự. "Nếu Mỹ và các nước phương Tây thực sự muốn ngăn chặn chiến tranh và bất ổn trong khu vực, để chứng minh cho tuyên bố này, họ nên ngay lập tức ngừng bán vũ khí và hỗ trợ Israel, buộc Israel phải chấm dứt các cuộc tấn công vào Gaza và chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn" – tổng thống Iran nói.

Trên thực tế, theo tạp chí Foreign Policy, lịch sử gần đây cho thấy tình hình leo thang tại Trung Đông là điều có thể ngăn chặn được.

Đài DW dẫn nhận định giới quan sát rằng khó có thể so sánh sức mạnh quân sự của Israel và Iran, vì mỗi bên đều có những thế mạnh riêng. Iran sở hữu nhiều khí tài tiên tiến, nhân lực chất lượng và kinh nghiệm chiến đấu dày dặn. Trong khi đó, Israel nổi bật với năng lực tình báo tinh nhuệ bậc nhất và nhiều vũ khí tinh vi.

Hồi tháng 4, sau sự việc cơ sở ngoại giao Iran ở Damascus (Syria) bị tấn công khiến một số chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran thiệt mạng, Iran đã phát động một cuộc tấn công trực tiếp chưa từng có vào Israel.

Vào thời điểm đó, các nhóm vũ trang thân Iran đã không phát động tấn công cùng Iran. Ngược lại, Israel đã nhận được sự hỗ trợ của Mỹ và một số đồng minh phương Tây để đánh chặn cuộc tấn công từ Iran.

Nhưng lịch sử có thể sẽ không lặp lại.

Theo Foreign Policy, đến nay, Mỹ và các đồng minh đã thúc đẩy chiến lược quản lý khủng hoảng ba mũi nhọn: thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza; gửi thêm năng lực phòng thủ cho Israel; và làm việc thông qua các kênh bí mật để đề nghị Iran không khai hỏa.

Tuy nhiên, nỗ lực này từ phía Mỹ không nhận được sự hưởng ứng từ các bên liên quan. Theo đó, chính phủ Israel không muốn nhanh chóng đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza, còn Iran thì vẫn giữ quan điểm cứng rắn về việc tấn công Israel.

Foreign Policy cho rằng chính sách ba mũi nhọn của Mỹ là khá hợp lý nhưng nước này cần triển khai chính sách này quyết liệt hơn nữa, nếu mong căng thẳng Iran-Israel không bùng phát thành xung đột.

Gấp rút hạ nhiệt căng thẳng Iran-Israel - 3

Xe tăng Israel gần khu vực tiếp giáp giữa Israel và Hamas. Ảnh: REUTERS

Theo đó, Mỹ nên dồn toàn lực ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn và thỏa thuận con tin ở Gaza theo các điều khoản mà họ đã đề xuất và Israel đã đồng ý trước đó. Ngoài ra, Mỹ cần gây thêm sức ép với Hamas.

Để làm được điều này, Mỹ nên nói rõ rằng họ sẽ ngừng cung cấp đạn dược và vũ khí cho Israel nếu nước này không ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn. Bên cạnh đó, Mỹ nên tìm đến những bên có liên lạc với Hamas để truyền đạt rằng đây có thể là cơ hội cuối cùng để các bên cho một thỏa thuận trong tương lai gần.

Sau cùng, Mỹ cũng nên kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đồng ý về nghị quyết tạo ra cam kết ràng buộc đối với tất cả bên liên quan, trong việc ủng hộ và tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza.

Mỹ liên tục gửi cảnh báo đến Iran

Tờ The Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ một quan chức Mỹ cho biết nước này đã cảnh báo Iran có thể phải chịu hậu quả về kinh tế nếu tiến hành một cuộc tấn công lớn vào Israel.

“Mỹ đã gửi thông điệp rõ ràng tới Iran rằng nguy cơ leo thang xung đột là cực kỳ cao nếu họ thực hiện một cuộc tấn công trả đũa vào Israel” – vị quan chức này cho biết.

Các quan chức Mỹ cho rằng thông điệp của Mỹ gửi tới Iran không nhằm mục đích đe dọa, mà nhằm mục đích cảnh báo về những rủi ro khi nước này trả đũa Iran. Trước đó, hôm 6-8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Mỹ đã truyền đạt "thông điệp cảnh báo trực tiếp tới Iran", nhưng ông không cung cấp thông tin thêm về vấn đề này.

Theo truyền thông Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Israel và người đồng cấp Mỹ đã có cuộc điện đàm ngày 11/8 để trao đổi về các diễn biến căng thẳng ở Trung Đông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo KHOA ĐIỀM ([Tên nguồn])
Tin tức Iran Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN